Thách thức thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam
Tại sự kiện giới thiệu báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với tổ chức tín dụng” do Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) phối hợp cùng các ngân hàng, các công ty Fintech tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra rằng tài chính toàn diện tại Việt Nam vẫn là một chặng đường dài với nhiều cơ hội và thách thức.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ Phần MISA chia sẻ, các ngân hàng truyền thống thường đặt ra nhiều yêu cầu đối với sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm vay vốn. Những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chỉ sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng hạn chế thường không đáp ứng được các tiêu chí xét duyệt theo yêu cầu như có lịch sử tín dụng, có dòng tiền được ghi nhận qua ngân hàng, các yêu cầu khác đối với doanh nghiệp như báo cáo tài chính phải có dòng tiền ghi nhận dương hoặc trình các hồ sơ quản lý doanh nghiệp cụ thể (như cơ cấu tổ chức, chiến lược kinh doanh, kế hoạch quản trị, v.v.). Do đó, họ thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức tín dụng truyền thống.
Theo báo cáo “Financial Inclusion” của World Bank, trong thập kỷ qua, với nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đã giảm từ 2,5 tỷ người từ năm 2011 xuống còn 1,4 tỷ người năm 2021, đánh dấu những bước tiến đáng kể của tài chính toàn diện.
Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, với vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore, Thái Lan), và xếp thứ 14 trên thế giới, trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán, tăng từ 31% của giai đoạn 2015-2017.
Theo Tổng cục Thống kê, hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống. Theo khảo sát của EY, trong đó có nhóm đối đối tượng “underbanked”, thì 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi,... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.
Fintech lực quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện
Trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, không như nhiều ý kiến lo ngại khi các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) hình thành và phát triển bùng nổ về việc sẽ có những xung đột lợi ích thì ngân hàng và fintech lại đang cho thấy sự hợp tác, cộng sinh nhằm tận dụng nguồn lực và thế mạnh của nhau.
Hiện nay, FinTech nổi lên như một giải pháp tiềm năng để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Với cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, sản phẩm tài chính đa dạng và khả năng tận dụng dữ liệu lớn, các công ty FinTech đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nhiều nhóm yếu thế có thể tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, nhận định Fintech đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt tại Việt Nam khi giúp thu hẹp khoảng cách và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng tới người dân, bằng việc mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ này. Đồng thời, giảm bớt chi phí sử dụng kết hợp cùng các giải pháp sáng tạo, đổi mới hướng tới trải nghiệm khách hàng và gia tăng hiểu biết tài chính.
“MoMo đã đóng góp tích cực vào quá trình này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính đổi mới sáng tạo, linh hoạt và dễ tiếp cận thông qua các giải pháp kết hợp cùng ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Chúng tôi tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện, giúp mọi người có thể tiếp cận tài chính một cách dễ dàng và an toàn hơn”, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.
Còn theo ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thì FinTech đã hỗ trợ ngân hàng xử lý các vấn đề như thiếu tài sản thế chấp, hồ sơ tín dụng không đầy đủ và quy trình thủ tục phức tạp – những rào cản lớn nhất đối với các MSME khi tiếp cận vốn vay.
“Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), FinTech đã trở thành đối tác quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu về hành vi thanh toán và mua sắm của khách hàng từ các nền tảng thương mại điện tử. Dữ liệu này giúp MB xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng chính xác hơn, từ đó đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp và rút ngắn thời gian phê duyệt khoản vay”, Phó Chủ tịch MB thông tin.
Động lực nào để fintech và ngân hàng đẩy mạnh tài chính toàn diện?
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tài chính toàn diện vẫn còn là chặng đường dài. Việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các công ty FinTech, phát triển sâu rộng mô hình ngân hàng mở, và nâng cao trình độ hiểu biết về tài chính, là các hoạt động cấp thiết hiện nay. Khung pháp lý cần được củng cố và mở rộng, đặc biệt với việc phê duyệt và triển khai của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới.
Tại báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với tổ chức tín dụng” vừa công bố EY Việt Nam cũng đã khuyến nghị 3 giải pháp đối vối cơ quan quản lý.
Thứ nhất, cần húc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng để khuyến khích đổi mới và quản lý rủi ro, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các thông lệ quốc tế, sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox, dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Thứ hai, không chỉ tập trung vào dịch vụ thanh toán: Mặc dù lợi ích của FinTech trong lĩnh vực thanh toán đã được chứng minh và thanh toán là lĩnh vực có nhiều công ty FinTech hoạt động nhất. Nhưng bên cạnh đó, FinTech còn có tiềm năng hỗ trợ trong các lĩnh vực khác như chấm điểm tín dụng người dùng, cho vay ngang hàng và công nghệ bảo hiểm... Vì vậy, các kỳ vọng cũng được đặt ra cho cơ quan quản lý về tiếp tục tạo cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hướng đến phân khúc khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ.
Thứ ba, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ: như hạ tầng mạng để đảm bảo internet tốc độ cao, có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây bảo mật cho ngân hàng và công ty FinTech.