Cuộc cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn hết sức khốc liệt khi nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình kinh tế thế giới với suy thoái, người dùng thắt chặt chi tiêu và lạm phát cao.
Có thể thấy, hàng loạt doanh nghiệp trên mọi mặt trận từ điện máy, xây dựng, vật liệu xây dựng và chuyển phát đều bị cuốn vào cuộc đua giảm giá để giành lấy đơn hàng.
Thế giới di động hạ giá bán hàng gần bằng Hoàng Hà Mobile, CellphoneS
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 8/4, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động đã công bố chiến lược kinh doanh mới đối với các dòng sản phẩm Apple. Ông Tài nói, TGDĐ từ trước tới nay không quá căn ke với các đối thủ về chênh lệch giá các sản phẩm Apple. Tuy nhiên điều này sẽ sớm chấm dứt khi TGDĐ sẽ đặt mức giá bán sát hơn với đối thủ, “tuyên chiến" một cuộc đua về giá mới.
Chủ tịch TGDĐ tuyên bố: "Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi".
Ngay sau lời tuyên chiến này, CellphoneS - một nhà bán lẻ lập tức đáp trả: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến giá bán”.
Theo ghi nhận của chúng tôi trên website của hai đơn vị này vào sáng 13/4, giá bán một số mẫu iPhone của CellphoneS đang rẻ hơn TGDĐ nhưng chênh lệch không đáng kể. Đơn cử, iPhone 14 Pro Max 128GB màu Tím tại TGDĐ có giá 27.090.000 đồng, còn ở CellphoneS có giá 26.990.000 đồng. Trong khi trước đây, có thời điểm khoảng cách lên đến vài triệu.
Không chỉ CellphoneS, mà lời “thách đấu" của ông Nguyễn Đức Tài có thể sẽ còn mở ra một cuộc chạy đua về giá ở các đối thủ trực diện là FPT Shop hay Viettel Store, thậm chỉ cạnh tranh với cả những bên có quy mô nhỏ hơn như Hoàng Hà Mobile, CellphoneS. Khảo sát giá ở tất cả các hệ thống này, giá sản phẩm iPhone 14 Pro Max 128GB màu Tím hiện đang bám đuổi nhau quyết liệt ở mức trên dưới 27 triệu.
Nhà thầu xây dựng phá giá, làm dưới giá vốn
Theo Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quân Lực - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - cho biết tổng thầu xây dựng này đang phải đối mặt với thực trạng do đơn hàng xây dựng khan hiếm nên các nhà thầu đã đua nhau giảm giá để thắng thầu, thậm chí có nhiều đơn vị còn chấp nhận làm dưới giá vốn.
Cách ứng phó của Coteccons hiện tại là tập trung vào hiệu quả chất lượng của các dự án, quy mô dự án thay vì tập trung vào số lượng, chuyển dịch sang các dự án của doanh nghiệp FDI (trúng thầu nhà máy của Tập đoàn LEGO tại Bình Dương), "xoay trục" để được trao cơ hội tại những dự án hạ tầng có nguồn vốn đầu tư công như sân bay Long Thành.
Hay với Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Chủ tịch Lê Viết Hải cũng cho hay do các nhà thầu xây dựng đều thiếu trầm trọng công trình, đơn hàng nên các nhà thầu đã chấp nhận chạy đua về giá. Hòa Bình cũng không còn cách nào khác là phải tìm kiếm thêm các đơn hàng thuộc các công trình công nghiệp, hạ tầng, đầu tư công và nhà ở xã hội.
DN xuất khẩu đá thạch anh cao cấp gặp áp lực cạnh tranh
Tương tự, rủi ro về gia tăng áp lực cạnh tranh bao gồm cạnh tranh về đối thủ và sản phẩm cũng diễn ra ở các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng cho biết áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đá thạch anh sẽ ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái trong năm 2023, yếu tố giá được xem là một vấn đề quan tâm lớn của khách hàng, đặt ra những thách thức lớn đối với Vicostone khi đang ở vị thế sản phẩm phân khúc cao.
Ông bộc bạch, sản phẩm của Trung Quốc giá bằng 1/2 so với Vicostone do nguyên liệu rẻ, chất lượng thấp hơn nên không cạnh tranh được. Nếu bán ngang ngửa Trung Quốc thì Vicostone sẽ lỗ. Ông nhận định thị trường châu Á không cạnh tranh được và không có hi vọng kể cả có mất nhiều công sức hay có làm marketing.
Ông Năng cho hay, người Việt Nam vẫn có tâm lý sính ngoại và lựa chọn các sản phẩm đá thạch anh của nước ngoài với giá đắt gấp đôi, gấp 3, nên Vicostone sẽ không giảm giá do bán ít ở thị trường trong nước.
Thị trường chuyển phát cũng "chiến giá"
Viettel Post (VTP) mới đây đưa ra nhận định cuộc chiến giá cả sẽ còn tiếp diễn. Công ty cho biết giá dịch vụ trung bình của ngành chuyển phát đã giảm trung bình mỗi năm 13% trong giai đoạn 2019 – 2022. Cạnh tranh gay gắt hơn khi có những doanh nghiệp mới tham gia và một số sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada và Tiki) đang phát triển đội ngũ giao hàng của riêng họ.
VTP cho biết sẽ không áp dụng chiến lược giảm giá gay gắt như các công ty cùng ngành. Chiến lược của VTP là nâng cao chất lượng và tối ưu hóa chi phí hoạt động. Ngoài ra, VTP sẽ đề xuất Chính phủ điều tra và thực hiện áp dụng giá sàn đối với dịch vụ chuyển phát.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, động thái để “không cạnh tranh về giá” được thực hiện như sau: Viettel Post sẽ tái cơ cấu phân bổ trung tâm phân loại để nâng cao chất lượng, tối ưu hóa chi phí và đa dạng hóa rủi ro.
Cụ thể, VTP đang trong quá trình phi tập trung hóa mạng lưới phân loại từ 2 trung tâm chính - tại TP. HCM và Hà Nội - xuống cấp tỉnh. VTP sẽ thuê kho (khoảng 1.000 - 1.200 m2) tại mỗi tỉnh. Chiến lược của công ty là nâng cao chất lượng chuyển phát và đa dạng hóa rủi ro để tránh việc gián đoạn logistic như trong giai đoạn COVID-19.
Ngoài ra, VTP cũng kỳ vọng có thể tận dụng chi phí lao động địa phương tương đối thấp trong dài hạn. Thời gian giao hàng trung bình của VTP đã được cải thiện từ 62 giờ còn 43 giờ vào năm 2022, đặc biệt đối với các khu vực nội thành, VTP có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày.
VTP cũng có kế hoạch phân bổ lại mạng lưới bưu cục để tối ưu hóa chi phí. VTP đặt mục tiêu giảm số lượng bưu cục hoạt động không hiệu quả và khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng di động của VTP. Công ty sẽ tập trung phát triển mạng lưới điểm nhận và trả hàng gần các khu vực trung tâm (CBD) tại TP.HCM như chung cư, khu dân cư đông đúc. Ngoài ra, VTP còn được thừa hưởng hạ tầng từ mảng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại nhiều tỉnh thành.
Sức mua suy giảm cũng diễn biến rất rõ ở thị trường ô tô. Từ đầu năm 2023, các hãng xe tại thị trường Việt đã liên tục gia tăng sức cạnh tranh bằng hàng loạt các chương trình ưu đãi, giảm giá trên diện rộng đối với các mẫu xe đang chào bán nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường sau kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm ở những tháng đầu năm.
Trong đó, phải kể đến ưu đãi từ 50-100% phí trước bạ mà hãng xe Kia, Mazda, Nissan hay Mitsubishi đang áp dụng với hàng loạt các mẫu xe từ sedan đến gầm cao, với giá trị ưu đãi cao nhất lên tới hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu Pháp - Peugeot cũng gia tăng ưu đãi giảm giá từ 40 triệu lên 45 triệu đồng đối với toàn bộ chuỗi sản phẩm đang phân phối tại Việt Nam.
Với tình hình thực tế, chưa rõ cuộc chiến về giá đến thời điểm nào sẽ hạ nhiệt. Còn theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tình trạng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu có thể kéo dài đến đầu quý III/2023. “Tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh trong nửa đầu năm sau và dần hồi phục được đà tăng trưởng tính từ quý III/2023 nhờ tốc độ tăng lãi suất chậm lại trong năm sau khi lãi suất điều hành của Fed dần hạ nhiệt và biến động vĩ mô tại Việt Nam cũng dần ổn định, cải thiện niềm tin tiêu dùng của người dân, khu vực EU và Mỹ hồi phục tiêu dùng, đem lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu.