Mới đây, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan này đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan khi xây dựng cấu hình thiết bị y tế, không được nêu bất cứ điều kiện nào làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Được biết, yêu cầu nói trên nhằm đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, có nhiều hàng cung ứng của một mặt hàng cần mua sắm trong đấu thầu theo quy định.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, hiện nay việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế gặp quá nhiều khó khăn.
Cụ thể, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết nhiều đơn vị thẩm định giá từ chối thẩm định giá mặc dù đã ký kết hợp đồng với chủ đầu tư (như dự án Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn; dự án đầu tư, xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã Quảng Nam) với lý do không tìm được báo giá từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất thiết bị y tế.
Vướng mắc, tồn tại nêu trên đã khiến cho một số dự án như Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, Quế Sơn, khối nhà điều trị kỹ thuật cao 7 tầng thuộc Bệnh viện đa khoa Quảng Nam... đã hoàn thành công tác xây lắp, nhưng phần thiết bị y tế vẫn chưa thoàn thành công tác thẩm định giá, nên công trình chưa thể đưa vào sử dụng.
Theo ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế, khá nhiều dự án y tế đang triển khai trên địa bàn. Không chỉ các dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà dự án đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn Quảng Nam (vốn ADB) cũng đang gặp vướng mắc về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế do các thông tư chênh nhau hoặc chưa ban hành thông tư mới nên chưa thể tháo gỡ khó khăn cho việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, Thông tư số 14, ngày 30/6/2023 của Bộ Y tế về Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập đã hết hiệu lực ngày 31/12/2023, nhưng hiện nay chưa có văn bản quy định hướng dẫn chuyển tiếp công việc này.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc nói trên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 39, ngày 22/1/2024 đề nghị Sở Y tế sớm có văn bản gửi Bộ Y tế ban hành thông tư thay thế Thông tư số 14.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành quan tâm hướng dẫn thực hiện các dự án có phần thiết bị y tế. Trong đó, đề xuất trọng tâm nhất là thành lập hội đồng lựa chọn cấu hình thiết bị, nhất là trong công tác lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế để làm cơ sở phê duyệt dự toán triển khai đấu thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế và có văn bản gửi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn hoặc thông tư thay thế Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023.
Hội Thẩm định giá Việt Nam chỉ rõ nguyên nhân
Trước đó, liên quan đến những tồn tại, vướng mắc trong công tác thẩm định giá thiết bị y tế, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) đã có văn bản chỉ rõ những tồn tại và nguyên nhân đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước và để chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của đơn vị mình, giúp hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá đạt hiệu quả.
Cụ thể, theo VVA, đối với hồ sơ mua sắm tài sản mới, đơn vị thẩm định giá không cung cấp Biên bản khảo sát thông tin trong quá trình thu thập báo giá (Yêu cầu phải có xác nhận của đơn vị báo giá).
VVA đánh giá, nguyên nhân của vướng mắc trên xuất phát từ việc thực tế, trong quá trình đơn vị thẩm định giá thu thập báo giá thì không thể thực hiện Biên bản khảo sát thông tin trong quá trình thu thập báo giá (có xác nhận của đơn vị Báo giá) vì các đơn vị báo giá sẽ không đồng ý ký xác nhận vào Biên bản khảo sát thông tin. Do đó việc thực hiện Biên bản khảo sát thông tin trong quá trình thu thập báo giá (có xác nhận của đơn vị Báo giá) là rất khó thực hiện đối với đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, qua các hồ sơ thanh tra, các đơn vị chức năng yêu cầu đơn vị thẩm định giá phải cung cấp Biên bản khảo sát thông tin trong quá trình thu thập báo giá (có xác nhận của đơn vị Báo giá).
Bên cạnh đó, cũng theo VVA, đối với thiết bị y tế chuyên dụng (nhập khẩu) sử dụng các báo giá nhưng không xác minh tính xác thực của báo giá.
Đối với trường hợp trên, VVA cho rằng trong thực tế, các đơn vị cung cấp (hoặc nhà nhập khẩu) độc quyền muốn báo giá nào cũng được không bị khống chế giới hạn gây rất nhiều khó khăn có các đơn vị thẩm định giá trong quá trình thu thập thông tin.
Ngoài ra, trong thực tế, theo VVA có không ít trường hợp đối với các tài sản chuyên dùng, tài sản đặc biệt trên thị trường vô cùng hạn chế về thông tin thị trường; do đó, đơn vị thẩm định giá không thu thập được đầy đủ 03 bảng báo giá theo quy định.
Theo VVA đánh giá, đối với các thiết bị máy móc, tài sản chuyên dùng, độc quyền rất khó khăn trong quá trình thu thập 03 báo giá, thậm chí có những tài sản thực tế không thể thu thập được báo giá trên thị trường. Trường hợp này nếu thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá phải có 03 đơn vị báo giá thì trên thực tế không thể thực hiện được.