Khi kinh tế Trung Quốc chững lại, Wagner nổi loạn: Tăng trưởng của Nga bị lu mờ

Hữu Hiển | 19:00 04/07/2023

Nga gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng cuộc binh biến ngắn ngủi của lực lượng Wagner và kinh tế giảm sút ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng xấu tới đà phục hồi mong manh.

Khi kinh tế Trung Quốc chững lại, Wagner nổi loạn: Tăng trưởng của Nga bị lu mờ

Kinh tế Nga đối mặt những 'cơn gió ngược'

Theo tờ Nikkei Asia, nền kinh tế Nga đang có những dấu hiệu ổn định khiêm tốn, hoạt động tốt hơn nhiều kỳ vọng, bất chấp các biện pháp trừng phạt nặng nề mà phương Tây áp đặt. Nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh và có thể dễ dàng bị chệch hướng bởi bất ổn trong nước hoặc tình trạng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc mà Nga hiện đang phụ thuộc đáng kể.

Cuộc nổi loạn ngắn ngủi của lực lượng Wagner vào cuối tháng 6 vừa qua đã thúc đẩy một đợt bán tháo cổ phiếu tạm thời trên Sàn giao dịch Moscow, trong khi đồng rúp chạm mức thấp nhất trong gần 15 tháng so với đồng đô la.

Ngoài rủi ro chính trị gia tăng, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự cải thiện của nền kinh tế Nga còn tiềm ẩn nhiều điểm yếu, trong đó có sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nền kinh tế của Trung Quốc.

Theo dữ liệu chính thức, tăng trưởng củaNga đã giảm 2,1% trong năm 2022 do bị đè nặng bởi các lệnh trừng phạt, nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với các dự đoán trước đó về mức giảm 12%.

Tháng 4/2023, Bộ Kinh tế Nga đã lần đầu tiên trong năm công bố mức tăng trưởng hàng tháng so với cùng kỳ năm trước, ở mức 3,3%, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu tháng 5 vẫn chưa được công bố. Nhưng các chỉ số tương lai đang có dấu hiệu đi lên và Ngân hàng Trung ương Nga (Bank of Russia) vào tháng 5 đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên mức từ 0,5% đến 2,0%, với lý do "nền kinh tế thích ứng nhanh hơn với môi trường mới".

Tuy nhiên, sự phục hồi mong manh của kinh tế Nga phải đối mặt với những cơn gió ngược đáng kể.

Lilit Gevorgyan - Phó giám đốc kiêm nhà kinh tế chính về Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập tại S&P Global Market Intelligence - cho biết: “Nga đang bước vào thời kỳ khó khăn về cấu trúc kinh tế do các lệnh trừng phạt. Dữ liệu kinh tế đang che đậy các vấn đề, chẳng hạn như mất đi lực lượng lao động lành nghề, tiếp cận công nghệ phương Tây, đầu tư tư nhân. Những điều này có thể khiến nền kinh tế Nga rơi vào bẫy tăng trưởng thấp trong nhiều năm tới."

Theo tờ Nikkei Asia, trong số các mối đe dọa trước mắt, vấn đề lớn nhất là sự suy giảm nhanh hơn dự đoán trong tài khoản thương mại, sự suy yếu của đồng rúp và giảm khả năng tiếp cận công nghệ nhập khẩu.

Ngân hàng Trung ương Nga ước tính rằng, thặng dư thương mại của nước này sẽ giảm từ 308 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 117 tỷ USD vào năm 2023. Mức sụt giảm có thể còn lớn hơn nếu nhu cầu đối với năng lượng xuất khẩu của Nga giảm do tình hình kinh tế Trung Quốc thiếu khởi sắc hoặc việc Ấn Độ xích lại gần hơn với Mỹ và nhóm G7.

screenshot-2023-07-04-160251.jpg
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 5/2023. Nguồn: Hải quan Trung Quốc

Nga ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo tờ Nikkei Asia, mặc dù Ấn Độ đã nổi lên như một khách hàng lớn mua dầu thô của Nga, nhưng sự phụ thuộc kinh tế của Moscow vào thị trường Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.

Trung Quốc có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong năm nay, khi hoạt động thương mại của Moscow với Liên minh châu Âu (EU) - vẫn là số 1 vào năm 2022 - bị thu hẹp do các lệnh trừng phạt.

Kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm 22% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga vào năm 2022, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, lên 190 tỷ USD.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, đà tăng trưởng mạnh mẽ vẫn được duy trì trong năm 2023, với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 94 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 5.

Chuyên gia Gevorgyan nhận định: "Ít nhất là trong ngắn hạn, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc vẫn tăng trưởng, đơn giản là vì Nga không thể đạt được mục tiêu thay thế hàng nhập khẩu như đã tuyên bố, và hàng nhập khẩu của Trung Quốc là mặt hàng hấp dẫn nhất để thay thế nguồn cung mất đi từ các thị trường hiện đang hưởng ứng cấm vận. Về vấn đề này, tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc dường như không có tác động lớn đến nhu cầu nhập khẩu của Nga."

Nhưng bà Gevorgyan cũng lưu ý rằng, sự phụ thuộc quá lớn có thể làm suy yếu những nỗ lực của Nga nhằm thiết lập quan hệ đối tác cân bằng hơn với Trung Quốc, ngoài việc là một nguồn cung cấp hàng hóa thuận tiện.

Bà Gevorgyan nói thêm: “Các điều khoản thương mại đối với Nga sẽ xấu đi do nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga yếu hơn, giá dầu thô giảm và đồng rúp yếu hơn.”

Theo Nikkei Asia, ngay trước cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner, đồng rúp đã mất 20% giá trị so với đồng đô la từ ngày 1/1 đến ngày 16/6.

screenshot-2023-07-04-160145.jpg

Các chiến binh Wagner rút khỏi trụ sở của Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don, Nga vào ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Nikkei Asia cho hay, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào một đối tác thương mại, cùng với ưu thế về năng lượng trong thương mại hỗn hợp, làm tăng tính dễ bị tổn thương của Nga trước bất kỳ sự chậm lại nào của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc bị đình trệ và các dấu hiệu suy yếu khác, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng do lo ngại về triển vọng kinh tế của nước này.

Tatiana Mitrova - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Trường Các vấn đề Công và Quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ) - lưu ý rằng, gần như tất cả các siêu dự án năng lượng mới của Nga đều nhắm tới thị trường Trung Quốc, bao gồm dự án Vostok Oil do Rosneft phụ trách và đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 do Gazprom phụ trách, mà Nga vẫn đang chờ thỏa thuận từ phía Trung Quốc.

"Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại hoặc nếu Trung Quốc không quan tâm đến các dự án này, chẳng hạn, do cân nhắc về an ninh năng lượng - tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu từ Nga - thì khả năng đầu tư nội địa của Nga sẽ chỉ tập trung vào khu phức hợp quân sự và thay thế nhập khẩu hàng tiêu dùng. Việc này sẽ không đủ cho tăng trưởng kinh tế", bà Mitrova nói.

Theo Nikkei Asia, vai trò của Trung Quốc như một nguồn thay thế hàng hóa thiết yếu nhập khẩu cũng có thể trở nên phức tạp, sau khi các lệnh trừng phạt và sự ra đi của các công ty phương Tây đòi hỏi phải tái cấu trúc nền kinh tế Nga.

Một cuộc khảo sát về kinh doanh của Viện Chính sách Kinh tế Gaidar có trụ sở tại Nga cho thấy, các nhà sản xuất Nga coi các nhà cung cấp Trung Quốc là nguồn thay thế phổ biến nhất cho thiết bị phương Tây. Kết quả khảo sát cho thấy, tính đến tháng 1/2023, 67% doanh nghiệp Nga đã chuyển sang sử dụng thiết bị từ Trung Quốc.

screenshot-2023-07-04-160922.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự tiệc chiêu đãi ở Điện Kremlin, Moscow, Nga vào ngày 21/3/2023. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, theo tờ Nikkei Asia, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp ngày càng tăng, điều này có thể làm suy yếu sự thay thế nói trên.

Ngày 23/6, Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với ba công ty Trung Quốc vì đã lách lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong gói trừng phạt thứ 11 của EU.

Chính phủ Nga hy vọng Trung Quốc ít nhất có thể cung cấp gói cứu trợ tạm thời trong bối cảnh Nga bị cô lập khỏi các thị trường vốn quốc tế, thể hiện qua lời kêu gọi đầu tư mới của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 5.

Nhưng Nikkei cho biết, các công ty nhà nước Trung Quốc có thể sẽ tiếp cận các khoản đầu tư mới một cách thận trọng, không chỉ do rủi ro cao từ khả năng bị trừng phạt thứ cấp, mà còn do tiềm năng tăng trưởng hạn chế của thị trường Nga.

Nguồn vốn tư nhân có thể sẽ cảnh giác với môi trường đầu tư kinh doanh đang xấu đi và những thay đổi gần đây về thuế tại Nga. Bộ Tài chính Nga đã đưa ra mức thuế bất ngờ 10% đối với các công ty lớn kiếm được doanh thu vượt mức trong năm 2021-2022. Các công ty nước ngoài rời khỏi Nga hiện được yêu cầu đóng góp cho ngân sách liên bang Nga.

Chuyên gia Gevorgyan nhận định, “việc mở rộng ảnh hưởng của nhà nước trong nền kinh tế, sự không chắc chắn về sự ổn định trong nước của Nga và mối quan hệ của nước này với phương Tây trong những năm tới” khiến các nhà đầu tư phải cảnh giác.

"Triển vọng lạc quan nhất là thương mại và đầu tư của Trung Quốc chỉ có thể giảm nhẹ tác động tiêu cực từ sự chia tách đau đớn của nền kinh tế Nga khỏi phương Tây sau ba thập kỷ hội nhập", bà Gevorgyan nói.


(0) Bình luận
Khi kinh tế Trung Quốc chững lại, Wagner nổi loạn: Tăng trưởng của Nga bị lu mờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO