Trên Fanpage của chương trình Shark Tank Việt Nam vừa chia sẻ lại những lần gọi vốn gây chú ý trong 7 mùa vừa qua. Trong đó có những lần các nàng hậu đi gọi vốn cho startup của mình.
Hoa hậu Trần Thị Quỳnh “săn” thành công cá mập
Tại Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên (2018), startup Lavita gây chú ý khi có Founder kiêm CEO là Hoa hậu Thể thao năm 2007 Trần Thị Quỳnh đi gọi vốn. Được biết nữ doanh nhân xuất thân từ một vận động viên bóng chuyền, sở hữu chiều cao ấn tượng.
Theo đó, đến với Shark Tank CEO Lavita kêu gọi 5 tỉ đồng cho hai gói đầu tư. Cụ thể, 1,5 tỉ đồng là để sở hữu 20% công ty Lavita hiện tại và 3,5 tỉ đồng cho 40% mô hình Lavita Express sắp ra đời. Thời điểm đi gọi vốn, Lavita của Hoa hậu Trần Thị Quỳnh sản xuất hơn 100 dòng sản phẩm bánh mỳ, bánh kem, bánh tiệc cung cấp cho hai siêu thị cao cấp và nhiều cửa hàng tại TP.HCM.
Tuy nhiên, các “cá mập” ngồi ghế Shark Tank mùa 1 đã cho rằng kiểu gọi vốn này rối rắm, phân chia chồng chéo và cho rằng việc gọi vốn có vấn đề vì đây là hai công ty với cổ đông khác nhau. Bên cạnh đó, các Shark cũng đề nghị Quỳnh nhận gói đầu tư vào Lavita trước rồi sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư Lavita Express.
Cuối cùng Founder của Lavita quyết định “bắt tay” với Shark Phú với 3 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần.
Tuy nhiên, thương vụ này sau cùng đã không thể đi đến ký kết đầu tư rót vốn. Chia sẻ trong một buổi phỏng vấn về quyết định dừng deal với Shark Phú, nữ doanh nhân Trần Thị Quỳnh cho biết: “Quyết định không tiếp tục với Shark vì Lavita muốn quay trở lại với chính mình và một hành trình tuy cũ mà mới. Đây là sự quay lại đầy quyến rũ nhưng không kém gian nan chỉ với mục đích duy nhất là trung thành và không ngừng chinh phục khách hàng cũ, biến cái tốt thành tốt nhất”.
Á hậu Thảo Nhi Lê đưa nước hoa chinh phục các Shark
Nếu mùa đầu tiên Shark Tank Việt Nam đón một nàng hậu vào “bể cá mập” thì Shark Tank mùa 7 cũng nhận được sự chú ý với sự xuất hiện của Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Thảo Nhi Lê. Mở màn màn gọi vốn, Thảo Nhi Lê đã khi để cả 5 Shark bịt mắt lại bằng khăn lụa để cảm nhận rõ hơn mùi hương của Centifolia - 1 trong 2 loại hoa hồng đắt đỏ nhất được sử dụng để tạo nên những dòng nước hoa cao cấp.
Thảo Nhi Lê cùng Romain Leclef (người Pháp, nhà đồng sáng lập) đến Shark Tank với mong muốn gọi vốn 100.000 USD cho 10% cổ phần. Nimai (tên của dòng nước hoa) được bắt đầu từ năm 2023 với số vốn đầu tư 300.000 USD. Giá bán dự kiến 170 USD (4 - 5 triệu đồng), với mục tiêu lợi nhuận là 70 USD, tương đương 41%. Kế hoạch năm đầu tiên sẽ sản xuất 2.000 chai và bán trên thương mại điện tử số lượng 1.500 chai. Đến Shark Tank, Nimai gọi vốn 100.000 USD cho 10% cổ phần.
Trước thương vụ này, các Shark đánh giá cao về chất lượng sản phẩm mà Á hậu Thảo Nhi Lê mang đến. Tuy nhiên, các Shark cho rằng nước hoa là một đại dương đỏ, thị trường đầy sự cạnh tranh, có rất nhiều thách thức nên không Shark nào quyết định “chốt deal”.
“Tôi nghĩ hai bạn sẽ làm được, hai bạn đến đây hơi sớm, Nimai đang trong giai đoạn thử nghiệm thôi, bạn có vẻ cần tìm một nhà đồng sáng lập ngay lúc này hơn là một nhà đầu tư”, Shark Phi Vân cho biết.