"Sustainability Survey 2023" là khảo sát thường niên do Schneider Electric thực hiện trên 4.500 lãnh đạo cấp trung đến cấp cao trong khối doanh nghiệp tư nhân ở 9 quốc gia châu Á.
Tại Việt Nam, Schneider Electric đã tiến hành khảo sát 500 doanh nghiệp. Theo kết quả công bố, mặc dù 99% doanh nghiệp Việt Nam đặt ra các mục tiêu về phát triển bền vững, nhưng chưa đến một nửa số doanh nghiệp (47%) đã hoặc đang triển khai các chiến lược toàn diện để hiện thực hóa cam kết.
Khảo sát nhằm xác định khoảng cách giữa khát vọng và hành động hướng tới bền vững của các công ty trong khu vực châu Á, bằng cách so sánh các cam kết đã tuyên bố với khoản đầu tư hoặc hành động hữu hình trong thực tế.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ: "Chúng ta nhìn thấy sự gia tăng tích cực trong nhận thức và cam kết của doanh nghiệp Việt trong việc thiết lập các mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, khảo sát chỉ ra rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành động. Rất nhiều tổ chức có thể đang theo đuổi tính bền vững, nhưng vẫn thiếu một lộ trình tổng thể, và đang chỉ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, thay vì vạch ra một hành trình bền vững. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, khi mà xu hướng ESG sẽ đòi hỏi rất nhiều thay đổi".
Green Action Gap: Khoảng cách Xanh
Khảo sát của Schneider Electric đã sáng tạo ra thước đo Green Action Gap, nghĩa là "Khoảng cách Xanh". Thước đo này dùng để xác định khoảng cách giữa nhận thức và hành động cụ thể để thực hiện mục tiêuphát triển bền vững. Khoảng cách Xanh càng nhỏ, khát vọng về sự bền vững và hành động để đạt được các cam kết sẽ càng gần hơn.
Ở quy mô khu vực, Green Action Gap nằm ở mức 50%, tô đậm sự khác biệt giữa số công ty đã thiết lập mục tiêu bền vững (chiếm 94%) và số công ty đã triển khai kế hoạch bền vững của riêng mình (44%).
Tuy nhiên, khoảng cách này ở Việt Nam đang khá lớn, ở mức 52%, chỉ thấp hơn Hàn Quốc (58%). Khoảng cách nhỏ nhất trong khu vực khảo sát thuộc về Singapore (Đông Nam Á) ở mức 38%.
Các công ty tin rằng phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh (47%), tạo ra cơ hội kinh doanh mới (42%) và nâng tầm thương hiệu (41%). Quản trị rủi ro và các quy định của nhà nước tạo thành 5 yếu tố hàng đầu để thúc đẩy doanh nghiệp đưa ra quyết định về chiến lược bền vững.
Việc theo đuổi những chiến lược này đòi hỏi phải đầu tư dài hạn , nhưng kết quả mang lại là xứng đáng. Bên cạnh đó, phát triển bền vững đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài (97%) theo nhận định của hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc sát Ngoài ra, "phát triển bền vững" được xem là cánh cửa mở ra cơ hội kinh doanh (98%).
Dẫu vậy, khảo sát cũng đưa ra những con số ấn tượng: Khoảng 2/3 doanh nghiệp Việt khẳng định họ có đội ngũ tâm huyết để đưa ra các mục tiêu và chiến lược bền vững. Đa số (88%) tin rằng đầu tư của khu vực tư nhân vào chuyển đổi kinh doanh bền vững hiện đã đủ. Tuy nhiên, hơn một nửa cảm thấy rằng sự không chắc chắn hoặc khó khăn về chính sách là trở ngại lớn cho việc đầu tư nhiều hơn. Không ngạc nhiên khi hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam (86%) và trên toàn khu vực (trung bình 82%) tin rằng chính sách thưởng hay ưu đãi sẽ hiệu quả hơn là các hình phạt.
Mục tiêu bền vững ngắn hạn đang chiếm ưu thế
Khảo sát cũng tiết lộ rằng, mặc dù đại đa số các công ty đều có mục tiêu bền vững, nhưng 57% trong số này là các mục tiêu ngắn hạn, kéo dài trong bốn năm tới hoặc ít hơn. Dường như các công ty tự tin hơn trong việc đặt ra các mục tiêu chi tiết cho tương lai gần, nhưng lại gặp khó khăn trong việc biến các kế hoạch tổng thể thành hành động cụ thể.