Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 mới đây, trả lời câu hỏi của một vị cổ đông về định vị của thương hiệu Phúc Long và kế hoạch đưa Phúc Long ra thị trường quốc tế, đại diện Masan cho biết:
"Trong nước, lĩnh vực cà phê có nhiều đối thủ nhưng thị trường trà thì Phúc Long có lợi thế mạnh, do đó, đây sẽ là cơ hội của Phúc Long. Còn với việc phát triển ra toàn cầu thì trong năm nay, bước đầu tiên sẽ là xây dựng quy chuẩn, quy trình đi ra toàn cầu".
Trước đó, trong Báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Masan nhấn mạnh, từ khi trở thành một phần trong hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng, Phúc Long "đã tăng trưởng đáng kể" khi đứng thứ hai về doanh thu và đứng thứ nhất về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa.
Năm 2022, chuỗi này thu về 1.579 tỷ đồng doanh thu, với lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đạt 195 tỷ đồng. Riêng nhóm cửa hàng flagship đóng góp lớn vào doanh thu Phúc Long: đạt hơn 1.100 tỷ đồng/1.579 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận 330 tỉ đồng/195 tỷ đồng toàn chuỗi.
Trong cấu trúc doanh thu, doanh thu từ trà chiếm hơn 70% nhờ thương hiệu được yêu thích. Phúc Long cũng cho biết đã có những bước tiến trong việc tiếp cận khách hàng thông qua nhiều kênh, bao gồm dịch vụ giao hàng và tiêu dùng tại cửa hàng.
Theo Masan, các cửa hàng flagship đã mang lại hiệu quả kinh tế trong top đầu, trong đó, biên lợi nhuận (tính theo chỉ tiêu EBITDA trên doanh thu) cấp cửa hàng và công ty lần lượt đạt 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các chuỗi F&B trên toàn cầu. Khả năng tạo doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp 2-3 lần các doanh nghiệp nội cùng ngành hàng. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, mỗi cửa hàng flagship đã đạt biên lợi nhuận là 26%.
Với những con số trên, năm 2023, Phúc Long dự kiến sẽ mang lại 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu suất doanh thu cửa hàng mới như các cửa hàng hiện có.
Theo thống kê của Statista, quy mô thị trường trà tại Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 3,7 tỷ USD vào năm 2025. Và thực tế, trong khi hàng loạt tên tuổi ngoại du nhập như Gong Cha, The Alley (Đài Loan - Trung Quốc), Meet & More (Hàn Quốc) và đang loay hoay tìm chỗ đứng sau Covid-19, sự trỗi dậy của Phúc Long hoàn toàn là cơ sở để Masan khẳng định chuỗi đồ uống này đang sở hữu lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường trà trong nước và tiến ra quốc tế.
Nói thêm về cơ hội của Phúc Long trong giai đoạn tới, lãnh đạo Masan nhận định khách hàng mục tiêu của Phúc Long vẫn là khách hàng trẻ nên vẫn liên tục có khách hàng mới.
Để thu hút nhóm khách hàng này, Phúc Long sẽ liên tục xây dựng thương hiệu và hướng đến dịch vụ cá nhân hoá, có những hoạt động cao cấp hoá các dòng sản phẩm. Các biện pháp được doanh nghiệp đưa ra để nhằm hoàn thành mục tiêu về doanh số trong năm nay bao gồm:
- Bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.
- Xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.
Masan lần đầu rót vốn vào Phúc Long tháng 5/2021. Khi đó, doanh nghiệp này chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) để nắm 20% cổ phần, với định giá lần đầu là 75 triệu USD. Chỉ một năm sau đó, định giá của Phúc Long tăng gấp 6 lần lên gần 450 triệu USD, sau khi Masan chi hơn 6.100 tỷ đồng để mua thêm 65% cổ phần.
Tập đoàn này kỳ vọng đưa Phúc Long thành công ty trà và cà phê số một Việt Nam trong vài năm tới nhờ "hiệu quả vượt trội trên mỗi đơn vị cửa hàng đi kèm với đà tăng tốc mở mới điểm bán".
Ngoài Phúc Long, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, CEO Masan Consumer Holdings, ông Trương Công Thắng cũng tiết lộ sẽ đưa Chin-su, Omachi và Vinacafe 'go global' vào giai đoạn 2023 - 2027. Theo đó, người tiêu dùng khắp toàn cầu sẽ tiến gần hơn với việc tiếp cận ẩm thực Việt Nam thông qua các chiến lược bao phủ quốc tế của Masan.