Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho hay, trong khoảng 5 đến 10 năm nay, Việt Nam là điểm sáng về phát triển bất động sản công nghiệp. “Đây là một thế mạnh mà chúng ta có quyền để tự hào”, bà Trang Lê nói.
Tỷ trọng đóng góp trong ngành này còn lớn. Việt Nam không có lý do gì để dừng lại mà cần phải phát triển thêm. Trong quá trình sản xuất, câu chuyện chuyển đổi xanh hoá là quan trọng. Theo bà Trang, Việt Nam có thế mạnh riêng nên tiếp tục phát triển mạnh xanh hoá hơn, tự động hoá nhiều sơn song song với việc phát triển ngành khác.
Nếu như vấn đề xanh hóa được đặt ra trong 5 năm trước thì chỉ là vấn đề được cân nhắc để làm thì bây giờ là điều bắt buộc phải làm. Các nhà đầu tư đã có lộ trình rõ ràng và có những dự án đạt tiêu chuẩn xanh.
Theo bà Trang Lê, Việt Nam đang ở giai động đầu thử nghiệm mô hình công nghiệp sinh thái. Theo đó, việc đưa các mô hình này vào thực tiễn sẽ còn nhiều khó khăn.
Đầu tiên, có thể kể đến là chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính cho các nhà đầu tư. Việc chuyển đổi xanh tốn kém ở giai đoạn đầu, cần có sự hỗ trợ nhất định để đưa mô hình xanh hoá đi vào thực tiễn. Hiện nay chủ yếu xuất phát từ khối tư, nhưng để nhận rộng thì không phải ai cũng đủ nguồn lực.
Tiếp đến là hiện chưa có những quy định chuyên sâu, cụ thể. Chính sách hỗ trợ phải rõ ràng mới có thể dễ dàng đưa mô hình công nghiệp sinh thái vào thực tiễn được.
Chuyên gia JLL cho rằng, Việt Nam đang sở hữu cơ hội ngàn năm có một trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt nên cần làm nhanh hơn để không bị “lỡ nhịp”. Chẳng hạn, câu chuyện nâng cao năng lực nguồn lao cần phải đẩy nhanh tốc độ. Bởi lẽ, hiện khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, sự cạnh tranh là rất lớn.
“Nếu nhà đầu tư phải đợi những thay đổi của Việt Nam trong 1-2 năm nữa có thể họ sẽ đi tới các nước khác. Lúc này, Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp phát triển”, bà Trang Lê nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, là nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có vị thế đặc biệt để dẫn đầu sự chuyển đổi theo xu hướng xanh và bền vững hơn của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, thách thức của quá trình chuyển đổi không hề nhỏ.
Có thể kể đến như hạn chế về nguồn lực, cách biệt công nghệ và nhận thức còn hạn chế. Khung pháp lý toàn diện cho khu công nghiệp sinh thái và các khía cạnh bền vững liên quan cũng đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có quy định rõ ràng về việc tái sử dụng và bán nước thải đã qua xử lý… Hơn thế, việc thiếu các biện pháp khuyến khích tài chính làm cho những thách thức trên trở nên to lớn hơn.
Để vượt qua và duy trì động lực phát triển, thứ nhất, cần thúc đẩy, phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.
Thứ hai, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng lộ trình toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ để đạt được mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050.
Thứ ba, có cơ chế thúc đẩy thị trường tài chính xanh, cung cấp các ưu đãi và hỗ trợ tài chính cụ thể cho việc áp dụng công nghệ xanh, cũng như các phương án tài chính xanh dễ tiếp cận là những bước quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Việc thiết lập một thị trường mở cho việc mua bán tín dụng carbon và khí thải cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.
Thứ tư, với khu vực tư nhân, các nhà phát triển và đầu tư đóng vai trò rất quan trọng thông qua việc tích hợp các hoạt động bền vững vào các dự án. Cách tiếp cận này cho phép các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển ngày càng tăng trong tương lai cũng như đóng góp vào các mục tiêu bền vững chung của đất nước.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là, khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn của các khu công nghiệp sẽ được cải thiện bằng cách kết hợp các dịch vụ giá trị gia tăng, bao gồm thủ tục pháp lý, xây dựng hoàn thiện, nguồn nhân lực và quản lý dự án. Chiến lược toàn diện này đảm bảo ngành công nghiệp Việt Nam không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu mà còn phát triển thịnh vượng trong nền kinh tế xanh toàn cầu.