Khai mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

PV | 10:15 15/02/2022

Sáng ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 8. Theo dự kiến chương trình, phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/2 để tập trung cho công tác lập pháp, cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Khai mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
Phiên họp sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/2.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ nội dung phiên họp lần này là rất quan trọng, nhất là công tác lập pháp.

Theo đó, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đó tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, hai dự án luật này đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Đồng thời tổ chức các hội nghị, khảo sát thực tế, làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với Bộ, ngành hữu quan để trao đổi thống nhất về các vấn đề lớn của dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong giai đoạn này của công tác lập pháp dù vai trò chủ trì là của cơ quan thẩm tra nhưng vẫn rất chú trọng vai trò của cơ quan trình, Chính phủ, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn hoặc một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, sự phối hợp giữa cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nội dung được đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, nhất là việc phân chia lợi ích giữa các bên khi chuyển giao kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó còn có quy định về thu hẹp phạm vi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn ý kiến khác nhau; về các nội dung lớn trong từng nhóm quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, Luật Khoa học, công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá… mà qua rà soát cho thấy có liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên là vấn đề mới phát sinh, đặt ra vấn đề giải quyết như thế nào, có nhất thiết phải sửa luật liên quan?

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cho ý kiến đối với hai dự án luật lần này là một bước để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2022 tới. Do đó, bên cạnh việc cho ý kiến tiếp thu, giải trình, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những công việc tiếp theo trên cơ sở quy định của pháp luật để khi đưa dự án ra thảo luận trước Quốc hội bảo đảm cao nhất về mặt chất lượng chất và tiết kiệm nhất về thời gian.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với những dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trước khi tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trước khi trình Quốc hội thông qua cần có cách thức để lấy ý kiến của Phòng Thương mại, công nghiệp Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, tuy nhiên trước đây chưa đảm bảo yêu cầu và Chính phủ phải trình lại. Để có căn cứ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án luật này vào dự kiến chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung xem xét kỹ lưỡng về điều kiện, hồ sơ, tài liệu, nội dung chính sách đề ra trong dự án luật có đảm bảo khắc phục được hạn chế, bất cập, giải quyết được vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cũng là thể chế hóa được tinh thần, chủ trương của Đảng liên quan đến Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Về xem xét các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chủ tịch Quốc hội cho biết việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã Phổ Yên nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và nguyện vọng của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Đây là hai đề án trong tổng số 107 danh mục đề án, kế hoạch và nhiệm vụ lớn thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV nhằm thực hiện Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo về công tác dân nguyện là nội dung thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian của phiên họp không nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc xem xét 8 nội dung lớn và cụ thể, do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan hữu quan tập trung cho phiên họp để bảo đảm hòan thành phiên họp với chất lượng cao nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khai mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO