"Khác người" kiểu Tôn Đông Á: Từ nỗ lực vượt qua định kiến vì cái tên thuần Việt cho đến những cuộc kiểm toán năng lượng định kỳ

Trọng Nghĩa | 10:59 26/08/2023

Trong ngành tôn thép, trừ Hoà Phát và Hoa Sen là 2 doanh nghiệp lớn có lợi thế cạnh tranh khác biệt, còn những doanh nghiệp ở quy mô nhỏ hơn đều chuộng cách đặt tên thương hiệu có yếu tố nước ngoài như Việt Nhật, Việt Đức, Việt Úc, Việt Hàn, Việt Sing,... Công thức đặt tên này được cho là giúp thương hiệu tạo được dấu ấn tốt hơn trong cảm quan của người tiêu dùng bởi tâm lý người Việt thường chuộng ngoại.

"Khác người" kiểu Tôn Đông Á: Từ nỗ lực vượt qua định kiến vì cái tên thuần Việt cho đến những cuộc kiểm toán năng lượng định kỳ

Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập vào tháng 11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005. Đến năm 2009, Tôn Đông Á chuyển từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất thép cán nguội, tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu, thép hộp mạ kẽm phục vụ cho ngành xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng giao thông, thiết bị gia dụng.

Là nhà cung cấp các sản phẩm tôn, thép,... kết quả kinh doanh của Tôn Đông Á cũng không nằm ngoài bức tranh màu xám chung của ngành trong năm qua.

Doanh thu hợp nhất Tôn Đông Á năm 2022 đạt 21.614 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021; Lợi nhuận sau thuế -276 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 1.210 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 204 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản đến cuối quý II/2023 đạt 10.347 tỷ đồng, được tài trợ gần 65% bởi nợ phải trả và 35% bởi vốn chủ sở hữu.

Bên ngoài bức tranh tài chính, Tôn Đông Á còn có những câu chuyện kinh doanh riêng của mình, xuất phát từ cách đặt tên "chẳng giống ai".

Ngay từ khi đặt nền móng xây dựng Tôn Đông Á đã hoạch định một hướng đi bài bản, trong đó 2 yếu tố căn bản là đầu tư công nghệ hiện đại để xanh hóa môi trường và đầu tư xây dựng thương hiệu.

Nói đến xây dựng thương hiệu. Trong ngành tôn thép, trừ Hoà Phát và Hoa Sen là 2 doanh nghiệp lớn có lợi thế cạnh tranh khác biệt, còn những doanh nghiệp ở quy mô nhỏ hơn đều chuộng cách đặt tên thương hiệu có yếu tố nước ngoài như Việt Nhật, Việt Đức, Việt Úc, Việt Hàn, Việt Sing,...

Công thức đặt tên này được cho là giúp thương hiệu tạo được dấu ấn tốt hơn hơn trong cảm quan của người tiêu dùng bởi tâm lý người Việt hay chuộng ngoại.

Đi ngược với xu hướng đó, Tôn Đông Á lại chọn cho mình một cái tên thuần Việt ngay từ khi sáng lập. Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thanh Trung đã xác định được khó khăn bởi cái tên thuần Việt, nhưng ông Trung cho biết, bản thân lại thích vì quan điểm Người Việt dùng tên Việt và phải cố gắng xây dựng có chỗ đứng trên thị trường.

"Trước đây, để người dân hiểu được chất lượng, thương hiệu sản phẩm Tôn Đông Á - một cái tên thuần Việt quả thật chúng tôi rất kiên trì mà vẫn chưa thoát khỏi được cái khó đó nên phải chấp nhận chiến đấu, tiếp tục kiên trì, nỗ lực 5 đến 7 năm nay. Đến nay số người hiểu được so với trước đây đạt được khoảng 40%, nhưng làm sao để có thể đạt được tương đồng 100% thì đó là câu chuyện mà công ty phải kiên trì, trong đó phấn dấu đầu tư tốt hơn nữa về chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là truyền thông để người dân hiểu”, ông Trung chia sẻ với Báo Công thương.

Nguồn: Tôn Đông Á

Không chỉ "khác người" với cái tên thuần Việt, tôn Đông Á còn mạnh tay đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị hiện đại ngay từ khi thành lập. Điều này dẫn đến suất đầu tư rất đắt, nhưng “đắt xắt ra miếng”.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, lãnh đạo Tôn Đông Á tự nhận thấy giá trị của việc đầu tư công nghệ tốt giúp cho sản xuất ổn định, đồng thời xanh hóa môi trường tốt nhất. Một phù hợp nữa là, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hệ thống sản xuất của Tôn Đông Á không bị nằm ngoài khỏi xu thế chung này.

Tính đến hết năm 2022, theo BCTC kiểm toán, giá trị còn lại TSCĐ hữu hình của Tôn Đông Á là 2.359 tỷ đồng. Trong đó, máy móc thiết bị 1.669 tỷ đồng, chiếm hơn 70%.

Suất đầu tư lớn, kéo theo khấu hao kéo dài, hệ quả tất yếu là giá thành sản phẩm cao. Tôn Đông Á làm như thế nào để giải được bài toán giá thành, khi sự cạnh tranh trên thị trường rất lớn?

Thứ nhất, công ty giữ vững định vị sản phẩm ở phân khúc chất lượng cao, dù thị trường có khó khăn.

Thứ hai, Công ty chủ trương tiết kiệm tối đa những chi phí không cần thiết, đặc biệt là chi phí về năng lượng.

Ông Lâm Vĩnh Hảo – Giám đốc chi nhánh Tôn Đông Á tại Thủ Dầu Một cho biết: Chi phí sử dụng năng lượng hàng năm của Tôn Đông Á khoảng là 600 tỷ đồng (trong đó: khí đốt là 276 tỷ, điện là 255 tỷ và chi phí hơi là khoảng 53 tỷ đồng). 

Do đó, việc kiểm toán năng lượng được Công ty thực hiện một cách xuyên suốt. Công ty đã thành lập ban kiểm toán năng lượng với đội ngũ có kỹ năng và chuyên môn về năng lượng, để có thể đánh giá được những thông số kỹ thuật, nguồn năng lượng tiêu thụ và dữ liệu năng lượng tiêu thụ lớn. 

Từ đó giúp công ty phân tích, đánh giá và chọn ra được những giải pháp quản lý và công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bối cảnh chung hiện nay, chi phí cho năng lượng dùng trong sản suất công nghiệp nặng ngày càng cao, giá điện, dầu liên tục biến động tăng. Doanh nghiệp nào quản lý tốt những chi phí này sẽ có lợi thế hơn về giá thành sản xuất.

Nguồn: Tôn Đông Á

Tháng 7/2023, Công ty đã thực hiện kiểm toán năng lượng do Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan năng lượng Hàn Quốc tổ chức thực hiện. Sau kiểm toán, Công ty đã phát triển một số kế hoạch và định hướng để tiếp tục triển khai tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới. Cụ thể:

- Tập trung nâng cao nhận thức và tạo động lực cho nhân viên về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng. Công ty sẽ tổ chức các khóa đào tạo và chia sẻ kiến thức về biện pháp tiết kiệm năng lượng và tăng cường ý thức trong sử dụng năng lượng hiệu quả.

- Đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và cải thiện hiệu suất hoạt động của các thiết bị, hệ thống, bao gồm: thay thế các thiết bị ánh sáng LED tiết kiệm năng lượng và một số các biện pháp về áp dụng tự động hóa để giảm năng lượng hao phí không cần thiết.

- Thiết lập hệ thống giám sát và đo lường năng lượng để theo dõi và đánh giá các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Việc làm này giúp Công ty xác định được các chỉ số và thiết lập mục tiêu tiết kiệm năng lượng cho từng bộ phận hoặc từng quy trình sản xuất.

- Thúc đẩy việc nâng cao tiết kiệm năng lượng trong chuỗi cung ứng và các đối tác của Công ty. 


(0) Bình luận
"Khác người" kiểu Tôn Đông Á: Từ nỗ lực vượt qua định kiến vì cái tên thuần Việt cho đến những cuộc kiểm toán năng lượng định kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO