“Sách mẫu” thời trang kiểu mới
Kể từ khi mạng xã hội oanh tạc, tạp chí Vogue đã không còn là nơi đầu tiên cập nhật xu hướng thịnh hành, những chiến dịch quảng cáo tốn kém đôi khi chỉ đem lại doanh thu tương đương một post Instagram của các influencer nổi tiếng.
Với công nghệ dễ tiếp cận, nội dung đa dạng, thu hút, mạng xã hội đã dần “thay chân” các hình thức truyền thống trở thành “sách tham khảo” thời trang phổ biến và nhanh chóng nhất. Những thuật toán thông minh “hiểu bạn hơn chính bạn” liên tục được cập nhật, giúp người dùng dù là ai, dù theo phong cách gì đều tìm được một cộng đồng (và cả hàng hóa “lồng ghép” trong đó) dành cho bản thân.
Đồng thời, các tiện ích tích hợp mua sắm cũng được đẩy mạnh trên mạng xã hội. Năm 2019, Instagram tận dụng lượt người xem Story khổng lồ để triển khai tính năng túi mua sắm. Hay Tiktok Shop, dù chỉ mới ra mắt vào giữa năm 2021, đã tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc và trở thành đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada,...
Bên cạnh đó, influencer cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng làm thay đổi bộ mặt thời trang trên mạng xã hội. Đặc biệt là hậu đại dịch, dư âm từ xu hướng “self-improvement” (tự cải thiện) thông qua các bài tập thể dục, cách ăn mặc, cải thiện ngoại hình,... trong thời gian giãn cách đã góp phần nâng vị thế của họ khi gắn liền với những giá trị tích cực đến cộng đồng.
Influencer dành được sự tín nhiệm cao ngất, thậm chí hơn cả hình thức quảng cáo bằng sao nổi tiếng. Công chúng tìm thấy cảm giác gần gũi như một người bạn ở influencer nhờ vào các bài đăng trên mạng xã hội gắn với đời sống thường ngày - lý do khiến họ quyết định tin tưởng và mua sắm theo.
Cứ như thế, các video phối đồ, “đập hộp” cùng mẫu câu quen thuộc “những món đồ nhất định phải có”, “các outfit hot hit dạo gần đây”đã trở thành kim chỉ nam thời trang trên mạng xã hội. Những xu hướng mới bắt đầu và lan tỏa từ đây, song song với sự đào thải các mốt lỗi thời diễn ra chỉ trong tích tắc. Người ta có thể phóng khoáng, năng động trong chiếc váy miniskirt, áo nịt ngực style y2k hôm nay, ngày mai đã trông thật mạnh mẽ, thanh lịch với quần tây, blazer kiểu menswear.
Vòng đời của một phong cách trở nên ngắn đến mức không thể rút thêm được nữa, thậm chí có những xu hướng chưa phổ biến đã lỗi thời. Đối với cá nhân người mặc, sự thay đổi ấy có thể gọi là “biến hóa đa dạng”. Nhưng theo tờ Glamour nhận định, nó “sẽ khiến tiềm thức của con người suy nghĩ về những bộ quần áo là ngắn hạn, đi ngược với giá trị bền vững của thời trang."
Dục tốc bất đạt
Trong bối cảnh đó, người dùng có cơ hội trải nghiệm “sàn runway” đúng nghĩa từ trên mạng lẫn ngoài đời. Vừa xem trình diễn trên các clip ngắn, livestream xong, họ lại phải vội vã rượt theo những hình mẫu ấy. Hậu quả là có những bộ quần áo chỉ mặc qua 1-2 lần đã bị xem là cũ. Còn tủ đồ thì vẫn không ngừng được lấp đầy để thỏa mong muốn hợp thời, bất chấp việc chi tiêu vô tội vạ mà không cân nhắc liệu rằng nó có thực sự phù hợp.
Không chỉ hại túi tiền, lối tư duy thời trang ngắn hạn ấy còn tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của người tiêu dùng. Họ luôn bị áp lực bởi những tiêu chuẩn về vẻ ngoài không thực tế, dẫn đến dễ xem thường thứ mình đang có, nghiện mua sắm và để giá trị ảo chi phối mọi thứ.
Tuy nhiên, mạng xã hội là một không gian mà ai cũng có thể biến cuộc đời mình trở nên đáng sống. Việc “không bỏ lỡ” đôi khi chẳng khiến họ đến gần hơn với thần tượng, mà chỉ có thể làm nên thành công của chiến dịch FOMO marketing (đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ) mà các nhãn hàng thời trang nhanh đang đẩy mạnh.
Ngân Anh (23 tuổi - Hà Nội) chia sẻ: “Mình từng theo đuổi rất nhiều phong cách mà influencer mình thích giới thiệu. Nhưng sau khi tốn cả đống tiền, mình nhận ra mình không thể thành công như họ chỉ vì cùng mặc một bộ đồ giống nhau.”
Bên cạnh đó, những sản phẩm thời trang nhanh cũng không có giá trị sử dụng lâu dài, thường trở nên nhăn nhó, mất form,... sau vài lần mặc. Theo Thanh Tâm (18 tuổi): “Dù giá rẻ nhưng chỉ được 1-2 lần xinh đẹp rồi vứt đi như vậy thì mình cảm thấy không đáng chút nào. Mua đồ đắt mà bền vẫn hơn.”
Một số ít người dùng có thể nhận ra hệ lụy khi theo đuổi xu hướng thời trang trên mạng xã hội. Thế nhưng nhìn vào thực tại, review quần áo đã trở thành làn sóng khắp mọi nền tảng, tiếp tay lan tỏa bất chấp những hậu quả do nó gây ra như ô nhiễm môi trường, vi phạm quyền con người khi thuê nhân công giá rẻ, điều kiện làm việc tồi tệ, v.v...
Cuộc đua thời trang nhanh vẫn sẽ tiếp diễn nếu chúng ta không hình thành tư duy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm. Sức mạnh của mạng xã hội nên được tận dụng vào việc truyền tải những thông điệp ý nghĩa, trở thành không gian phát triển tích cực của thời trang chứ không phải mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm ngắn hạn, tiềm ẩn những mối đe dọa đến cộng đồng.