Báo cáo cập nhật mới đây của Chúng khoán KIS Việt Nam cho biết trong tháng 4, khu vực Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hoạt động thoái vốn quỹ. Cụ thể, khoảng 493,5 triệu USD đã bị rút ra khỏi khu vực trong tháng. Đi sâu vào diễn biến trên từng quốc gia, xu hướng rút vốn bất ngờ gia tăng ở Singapore – khu vực hầu như đón nhận dòng vốn vào đều mỗi tháng lại ghi nhận giá trị rút ròng cao nhất khu vực, lên tới 208,8 triệu USD.
Trái ngược với xu hướng chung, Indonesia vẫn duy trì lực cầu và thu hút lượng vốn vào nhẹ khoảng 4,8 triệu USD. Đối với ETF, Singapore cũng đảo chiều mạnh mẽ với giá trị thoái vốn lên đến 214,2 triệu USD. Theo sau đó là Indonesia và Thái Lan, lần lượt ghi nhận giá trị rút ròng khoảng 91,3 triệu USD và 76,2 triệu USD.

Tại Việt Nam, tháng 4 ghi nhận áp lực rút vốn nhưng đã hạ nhiệt đáng kể. Cụ thể, tổng giá trị rút ròng ghi nhận trong tháng ở mức 55,1 triệu USD (~ 1.430 tỷ đồng). Diễn biến thoái vốn trên các quỹ ETF tiếp tục gia tăng, với giá trị hơn 93,1 triệu USD (~ 2.420 tỷ).
Về hoạt động của các quỹ vào tuần cuối của tháng 4, áp lực rút vốn tập trung chủ yếu ở VANECK VIETNAM ETF (14,6 triệu USD) và CTBC VIETNAM EQUITY FUND (2 triệu USD). Ngược lại, lực cầu chỉ tập trung ở DCVFMVN30 ETF FUND (4,9 triệu USD).
Nhìn chung, KIS nhận định rằng xu hướng thoái vốn kéo dài ở Việt Nam phản ánh tâm lý thận trọng của dòng vốn ngoại, dù áp lực bán đã giảm bớt. Bên cạnh đó, việc dòng tiền tiếp tục rút khỏi các quỹ ETF cho thấy cấu trúc thoái vốn vẫn duy trì, có thể tạo áp lực lên thị trường, mặc dù vẫn có lực cầu đối ứng xuất hiện ở một số quỹ khác.
