‘Hố đen’ bên trong Binance: CEO tư lợi tiền của khách hàng, nhân viên không được phép tiết lộ nơi làm việc, có thời gian hoạt động như tổ chức 007

Huệ Anh | 13:49 17/08/2023

Có gì bên trong Binance - Sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới?

‘Hố đen’ bên trong Binance: CEO tư lợi tiền của khách hàng, nhân viên không được phép tiết lộ nơi làm việc, có thời gian hoạt động như tổ chức 007
cover.png

Cuối năm 2022, founder kiêm CEO Binance Changpeng Zhao dường như có cả thế giới. 

Sam Bankman-Fried, cựu CEO sàn giao dịch tiền số FTX (đối thủ lớn nhất của Binance) đã đến gặp Zhao vào tháng 11 năm ngoái nhằm thuyết phục Binance bảo lãnh cho sàn giao dịch của mình. Cái lắc đầu thẳng thừng của Zhao khiến số phận FTX an bài. 

Ngày 10/11, một ngày trước khi đế chế tiền số của mình nộp đơn xin phá sản, Bankman-Fried đã đăng dòng tweet thay lời muốn nói với đối thủ cạnh tranh: “Bạn đã thắng rồi đấy”.

Sự sụp đổ của FTX khiến Binance trở thành công ty dẫn đầu về tài sản kỹ thuật số, đồng thời kiểm soát hơn một nửa thị trường đang vượt dốc đi lên vào cuối năm 2022. Nếu có thể vượt qua các quy định ngặt nghèo hậu FTX, Binance chắc chắn sẽ trở thành nơi lý tưởng để các nhà đầu tư giao dịch. Zhao cũng có thể tự khẳng định mình là “gương mặt đại diện” của tiền số - danh xưng mà bất cứ ‘ông trùm’ nào cũng khao khát. 

“Trước đây, nhiều người coi Sam Bankman-Fried là người đi đầu, song kể từ khi sàn của y sụp đổ, Zhao trở thành vị cứu tinh tiềm năng trong tương lai toàn ngành”, Charley Cooper, cựu giám đốc Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai, cho biết. 

q1.png

Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh giá trị các loại tiền số như Bitcoin đang dần ổn định, Binance lại gặp khó. Quy mô quá lớn đồng nghĩa với việc công ty này sẽ lọt tầm ngắm của giới chức - những người muốn đảm bảo thị trường tài chính rộng lớn không phải chịu thêm bất kỳ cú sốc lớn nào. 

Vấn đề không chỉ đơn thuần nằm ở quy mô của Binance. Người ta lo ngại rằng công ty này sẽ tác động một lực lớn lên toàn ngành công nghiệp ủng hộ tài chính phi tập trung - nơi không có một cá nhân hoặc tổ chức nào có thể siết chặt quản lý. 

“Những khó khăn của Binance cho thấy thách thức mà ngành công nghiệp tiền số phải đối mặt”, Charles Storry, người đứng đầu bộ phận phát triển dự án DeFi, nói. 

Đại diện Binance cho rằng những sự “cạnh tranh lành mạnh” là tốt cho ngành và bản thân công ty cũng đang tập trung phát triển “tổng thể”. Tuy nhiên, không ai biết liệu tiền số có thể trở thành một phần của lĩnh vực tài chính truyền thống hay không, hay chỉ đơn thuần là đồng coin được yêu thích bởi những người muốn tách ra khỏi bộ máy nhà nước.

t1.png

Trong một thông điệp gửi đi vào cuối năm 2017, ngay sau khi sàn giao dịch tiền số của mình ra đời, Zhao nói chắc nịch rằng: “Mọi thứ nhân viên làm đều phải nhằm mục đích giúp Binance tăng trưởng. Những thứ khác như lợi ích, thu nhập, thoải mái… chỉ đứng thứ hai thôi”, CZ khẳng định.

Sinh ra tại Trung Quốc, Zhao từ sớm đã nghiên cứu khoa học máy tính và phần mềm giao dịch trước khi chuyển hướng sang tiền số vào năm 2013. Dần dần, ông được biết đến nhiều hơn nhờ biệt danh “CZ” - viết tắt của Changpeng Zhao. 

Dưới trướng CZ, Binance nhanh chóng trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. Đến tháng 1/2018, tức chỉ sau 6 tháng tồn tại, công ty đã chiếm 26% thị phần và sở hữu mạng lưới nhân viên rộng khắp tại ít nhất 27 quốc gia trong vòng 1 năm.

“Chúng tôi dành 2% thời gian để đưa ra quyết định và 98% thời gian để thực hiện chúng”, CZ nói trong một cuộc họp. “Lợi thế cạnh tranh có được ngày hôm nay đều do Binance đã nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu của mình”. 

q2.png

Theo FT, Zhao đã xây dựng được một mạng lưới người theo dõi trung thành, đủ để bảo vệ mình trước “FUD” (Viết tắt của Sợ hãi, Không chắc chắn và Nghi ngờ”. Binance Angels, “tình nguyện viên” giúp hỗ trợ cộng đồng Binance và thúc đẩy tiền số cũng đóng vai trò quan trọng. 

“Binance Angels tổ chức các sự kiện, giúp mọi người hiểu luật và quản lý thông tin. Đây đều là những đại sứ đầy nhiệt huyết đã hỗ trợ cộng đồng Binance theo nhiều cách khác nhau”, một người trong ngành nói. 

Những năm đầu, Binance giống một startup ôm tham vọng thay đổi thế giới. Hè 2018, Zhao thậm chí còn mạnh tay chi tiền cho nhân viên du lịch Thái Lan ăn mừng 1 năm hoạt động đáng nhớ. Ông đứng trên bãi biển, trước khoảng 100 nhân sự cốt cán, phấn khởi diễn thuyết về cột mốc quan trọng. 

Cũng trong năm đó, Binance ra thông báo cảnh báo nhân viên giới hạn mạng xã hội ở mức riêng tư, tắt gắn thẻ và phát tán thông tin cá nhân. “Chỉ dành mạng xã hội để liên lạc với gia đình và bạn bè. Hãy đảm bảo rằng không có bất kỳ người lạ nào xuất hiện trên tài khoản Facebook, Twitter, LinkedIn và Instagram”, Binance viết, đồng thời khẳng định việc hồ sơ cá nhân bị rò rỉ sẽ tạo cơ hội cho các cuộc tấn công có chủ đích. 

Theo chia sẻ của He Yi, đồng sáng lập ít được nhắc đến của Binance, công ty từng có khoảng thời gian không khác gì một ‘tổ chức 007’. Nếu nhân viên đăng tải trên mạng xã hội thông tin mình là nhân viên Binance, người đó sẽ ngay lập tức bị sa thải. 

“Chỉ có cơ quan chính phủ mật mới không cho phép bạn khai nơi làm việc. Tại một tổ chức tài chính, điều này không bao giờ xảy ra”, một người trong ngành nói.

q5.png
t2.png

Đà tăng trưởng sớm và nhanh chóng của Binance chủ yếu đến từ sự không chắc chắn về quy định tiền số. Tự mô tả bản thân là người “được thúc đẩy bởi tự do”, Zhao tuyên bố mình không thích “rất nhiều các quy tắc”.

“Tiền số là gì? Đó có phải chứng khoán, hàng hóa hay thứ gì đó khác không?”, CZ nói. “Tôi không quan tâm lắm việc các nước cố đưa ra định nghĩa về tiền số, dù một số trong số đó có thể được coi là luật”. 

Hệ luỵ của thái độ có phần “ngông cuồng” đã khiến Binance phải trả giá. Hồi năm 2017, việc Trung Quốc bắt đầu siết chặt hoạt động liên quan đến thị trường tiền số khiến hơn 60 sàn giao dịch rơi vào tầm ngắm. Nhiều sàn có trụ sở tại Trung Quốc phải thông báo chuyển ra nước ngoài để tránh bị đóng cửa. Binance cũng khẳng định chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại quốc gia này, đồng thời mở rộng sang thị trường Nhật Bản dù không xin được giấy phép.

“Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính đang phát triển nhanh và không được kiểm soát, các cơ quan quản lý cần phải cần đặc biệt chú ý”, Jon Cunliffe, quan chức thuộc Ngân hàng Trung ương Anh, nói.

Vào năm 2018, cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản cảnh báo Binance không nên thực hiện các giao dịch cho người dân nếu giấy phép hoạt động chưa được phê duyệt. 

Cơ quan tiền tệ Singapore cũng đưa Binance vào diện cảnh báo rằng sàn giao dịch này không được cấp phép tại quốc đảo, trong khi phía Hà Lan phạt Binance hơn 3 triệu Euro vào năm ngoái.

“Chúng tôi cảm thấy mình giống như những kẻ làm đảo lộn hệ thống tài chính, để rồi bị mọi quốc gia hắt hủi”, một cựu nhân viên Binance nói. 

q3.png

Đến tháng 6 năm nay, giới chức Pháp quyết định mở một cuộc điều tra Binance với cáo buộc quảng cáo bất hợp pháp dịch vụ tới người tiêu dùng và không ngăn chặn hành vi rửa tiền tiềm ẩn. Đáp lại, phía công ty khẳng định mình hoạt động hợp pháp và vẫn trong quá trình hợp tác với chính quyền.

Đầu năm nay, đến lượt Binance.US (chi nhánh của Binance tại Mỹ) đối mặt với sự giám sát đỉnh điểm sau đề xuất mua tài sản trị giá 1 tỷ USD của công ty cho vay tiền số Voyager Digital.

“Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị quan trọng bậc nhất. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) lo ngại về bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến Trung Quốc”, Financial Times dẫn lời một cựu quan chức của CFIUS.

Ngày 27/3, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai CFTC còn gửi đơn kiện lên tòa án liên bang, cáo buộc Binance và một số lãnh đạo thường xuyên phá vỡ các quy tắc về giao dịch trong quá trình trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. CFTC cũng tố Binance đã hướng dẫn khách hàng Mỹ dùng VPN để lách luật sử dụng các dịch vụ của sàn.

Không dừng lại ở đó, phía Binance còn nhận cáo buộc xử lý sai lệch tiền của khách hàng. Việc công ty này gian dối với giới chức quản lý và các nhà đầu tư Mỹ về quy mô hoạt động cũng được cho là có thể khiến ngành công nghiệp tiền số đứng trước nguy cơ bị tái thiết lập.

Cáo buộc đánh dấu vụ kiện thứ hai của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) trong năm nay nhằm vào Binance khi cho rằng sàn giao dịch này trốn tránh trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ. Cơ quan quản lý từ lâu đã coi Binance, với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày lên tới hàng chục tỷ USD, là mục tiêu chính trong công cuộc thúc đẩy ngành công nghiệp tiền số sao cho minh bạch và quy củ.

q4.png

Trong đơn khiếu nại dài 136 trang, SEC cho biết Binance đã trộn lẫn hàng tỷ USD tiền của khách hàng, sau đó bí mật gửi chúng đến một công ty riêng biệt có tên Merit Peak Limited được kiểm soát bởi nhà sáng lập Binance Changpeng Zhao.

Khiếu nại cũng khẳng định Binance đánh lừa nhà đầu tư về hệ thống phát hiện, kiểm soát các giao dịch thao túng cũng như nỗ lực hạn chế người dùng Mỹ trên nền tảng quốc tế. Những người này chỉ có quyền truy cập Binance.US - một công ty được thành lập riêng biệt để hoạt động tại Mỹ.

“Binance và ông Zhao đã làm giàu cho mình hàng tỷ USD trong khi khiến tài sản của các nhà đầu tư đứng trước rủi ro”, các nhà quản lý cho biết trong một vụ kiện dân sự đệ trình lên Tòa án Quận Liên bang ở Washington.

Được biết CFTC đang tìm cách trục xuất vĩnh viễn Binance ra khỏi Mỹ. Cơ quan này và SEC thường xuyên phối hợp cùng điều tra, song chưa rõ cái tên nào sẽ đóng vai trò chính trong việc quản lý các giao dịch tiền số.

*Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

Theo: Financial Times 


(0) Bình luận
‘Hố đen’ bên trong Binance: CEO tư lợi tiền của khách hàng, nhân viên không được phép tiết lộ nơi làm việc, có thời gian hoạt động như tổ chức 007
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO