Hiện tượng lạ của 3 ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ: Cùng được KPMG kiểm toán, không phát hiện vấn đề nhưng chưa đầy 1 tháng sau lại 'sập'

Nhất Lưu | 17:03 05/05/2023

Sau sự sụp đổ của SVB và việc FRB bán mình, các câu hỏi về chất lượng nghiệp vụ cũng như tính độc lập của KPMG đã gia tăng đáng kể trong những ngày gần đây.

Hiện tượng lạ của 3 ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ: Cùng được KPMG kiểm toán, không phát hiện vấn đề nhưng chưa đầy 1 tháng sau lại 'sập'

Hiện tượng lạ

Kể từ tháng 3, Mỹ đã chứng kiến tình trạng ba ngân hàng lớn sụp đổ: Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank (FRB). Điều này đã “phủ bóng đen” lên KPMG - công ty kiểm toán lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ.

Theo tờ Financial Times (FT), sau báo cáo về sự sụp đổ của SVB và việc FRB bán mình, các câu hỏi về chất lượng nghiệp vụ cũng như tính độc lập của KPMG đã gia tăng đáng kể trong những ngày gần đây. 

Nguyên do là bởi KPMG là công ty phụ trách kiểm toán cho cả 3 ngân hàng vừa gặp sự cố. Nhưng công ty này lại báo cáo sức khỏe của cả SVB, Signature Bank và First Republic Bank vẫn lành mạnh vào cuối tháng 2 vừa qua, theo FT. 

Francine McKenna, người từng làm việc tại KPMG và hiện đang là giảng viên tại trường kinh doanh Wharton của đại học Pennsylvania cho biết thực trạng còn nhiều nghi vấn và cần có hành động để hỗ trợ các cơ quan quản lý. 

Trong khi đó, Kecia Williams Smith, cựu kiểm toán viên, hiện đang cộng tác tại đại học bang North Carolina A&T chỉ ra: “Rất khó khi hi vọng rằng các kiểm toán viên có thể biết trước việc khách hàng đồng loạt ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng.

Mọi người chỉ có thể đặt câu hỏi về cách đánh giá rủi ro của các kiểm toán viên và liệu họ có thực hiện các thủ tục nghiệp vụ kiểm toán một cách phù hợp hay không?”. 

Theo các chuyên gia, để đánh giá công việc của KPMG, mọi người cần xem xét liệu các kiểm toán viên của công ty này có đủ độc lập với các ngân hàng mà họ kiểm toán hay không, liệu họ có chú ý đúng mức tới các chỉ báo và có kỹ năng phù hợp để đánh giá chất lượng báo cáo tài chính trong môi trường lãi suất tăng hay không?

Ngoài ra, những câu hỏi về vai trò của KPMG trong hệ thống tài chính như thế nào cũng có thể được quan tâm. 

Theo dữ liệu từ Ideagen Audit Analytics, KPMG là công ty kiểm toán duy nhất cho nhiều ngân hàng Mỹ hơn bất kỳ công ty nào trong Big Four (EY, Deloitte và PwC). 

Ngoài ra, nếu so sánh trên khía cạnh giá trị tài sản của các ngân hàng được kiểm toán thì KPMG cũng là công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất. Không chỉ là đơn vị kiểm toán cho Wells Fargo, Citigroup, Bank of New York Mellon và khoảng 30 ngân hàng niêm yết khác, KPMG còn phụ trách cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

screenshot-2023-05-05-114402.png

Williams Smith cho biết KPMG là đơn vị có “tiếng tăm”. Vì vậy với sự quan tâm lớn từ công chúng, có lẽ sẽ có nhiều sự giám sát hơn đối với công ty này. 

Theo FT, các ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công ty kiểm toán này. Được biết, các ngân hàng niêm yết đã trả cho KPMG hơn 325 triệu USD tiền phí vào năm 2021. Số tiền này chiếm 14% tổng mức phí KPMG thu được từ các công ty đại chúng, cao hơn mức 8% của PwC, 3% của EY và 2% của Deloitte.

Các cựu nhân viên của KPMG cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành ngân hàng. CEO của hai ngân hàng Signature và First Republic đều từng là partner ở KPMG.

Năm 2021, ngân hàng Signature đã bổ nhiệm Keisha Hutchinson, người dẫn đầu nhóm kiểm toán của KPMG tại Signature, trở thành Giám đốc quản lý rủi ro của ngân hàng này chưa đầy 2 tháng sau khi bà ký báo cáo kiểm toán của Signature. Các giáo sư cho biết nhiều khả năng cơ quan giám sát sẽ chú ý tới trường hợp này.

Theo quy định, thời gian nghỉ bắt buộc sẽ là 12 tháng trước khi một partner được công ty mà mình từng kiểm toán bổ nhiệm vào vị trí giám sát báo cáo tài chính - thường được hiểu là giám đốc tài chính hoặc người đóng vai trò kiểm soát tài chính của công ty đó. 

Làn sóng không đồng tình 

Báo cáo tuần trước của Fed đã tiết lộ một số điểm yếu trong hoạt động quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của SVB. Cả hai chu trình này đều cần được đánh giá bởi các chuyên gia kiểm toán bên ngoài ngân hàng.

Theo Jeffrey Johanns, giảng viên kiểm toán tại Đại học Texas và từng là partner ở PwC nhận định rằng đáng lẽ KPMG cần nhấn mạnh cho các nhà đầu tư biết những thiếu sót trên có khả năng ảnh hưởng đến kết quả tài chính của SVB.

Người gửi tiền đã ồ ạt rút tiền khỏi SVB do lo sợ ngân hàng này sẽ phải bán tháo số trái phiếu đang nắm giữ và có thể lỗ 15 tỷ USD - nguyên do là bởi lãi suất cao khiến giá trị thị trường của các trái phiếu này giảm mạnh. 

istockphoto-173033318-612x612.jpg

SVB cũng đã gắn mác "nắm giữ đến khi đáo hạn" cho số trái phiếu nói trên. Theo quy định, các ngân hàng sẽ được phép ghi nhận giá trị của những tài sản "nắm giữ đến khi đáo hạn" theo giá gốc miễn là họ có “ý định và khả năng” giữ chúng cho đến ngày đáo hạn.

Chính việc KPMG đồng tình với cách làm này của SVB đã khiến nhiều người chỉ trích, trong đó 1 nhóm nhà đầu tư nộp đơn kiện KPMG ra tòa.

Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB) đang lên kế hoạch một lần nữa đẩy mạnh việc kiểm tra trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Tháng trước, họ cho biết đợt kiểm tra năm 2022 sẽ tập trung vào việc liệu các ngân hàng có cần công bố thêm về rủi ro thanh khoản cũng như các sự kiện diễn ra từ cuối năm tài chính đến khi công bố báo cáo kiểm toán hay không. Ngoài ra họ cũng sẽ đánh giá liệu các kiểm toán viên có đủ chuyên môn cần thiết để giám sát các tổ chức tài chính phức tạp hay không. 

Giáo sư Williams Smith nói rằng việc lãi suất gia tăng đã khiến môi trường hoạt động của các ngân hàng thay đổi. Một câu hỏi đặt ra là liệu KPMG có đánh giá đúng điều này cũng như các rủi ro khác trong bước lập kế hoạch kiểm toán hay không.

Tham khảo FT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Hiện tượng lạ của 3 ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ: Cùng được KPMG kiểm toán, không phát hiện vấn đề nhưng chưa đầy 1 tháng sau lại 'sập'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO