Hết thời việc làm ở các công ty tư nhân là "bát vàng", người trẻ Trung Quốc vào cuộc đua tìm "bát sắt"

Minh Khôi | 19:00 19/03/2023

Nếu như trước đây công việc ở những công ty tư nhân được xem là "bát vàng" vì mức lương cao thì tình hình kinh tế khó khăn đang khiến người trẻ Trung Quốc thay đổi suy nghĩ.

Hết thời việc làm ở các công ty tư nhân là "bát vàng", người trẻ Trung Quốc vào cuộc đua tìm "bát sắt"

Cạnh tranh gay gắt để có chiếc "bát sắt"

Vẫn còn một năm nữa mới hoàn thành chương trình cao học nhưng Shen đã chuẩn bị cho kỳ thi công chức hàng năm, vì cô đặt mục tiêu đảm bảo một công việc “bát sắt” (iron bowl) - một phép ẩn dụ phổ biến mà người Trung Quốc dùng để mô tả một vị trí an toàn.

Mặc dù gần đây, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm việc làm trong chính quyền, một vị trí trong Bộ Ngoại giao vẫn là lựa chọn việc làm đáng mơ ước đối với những người trẻ tuổi có tinh thần ổn định như Norah Shen.

Trong nhiều thập kỷ, làm việc cho chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được coi là ổn định và thành công.

Sau đó, sự phát triển không ngừng của công nghệ đã tạo ra những công việc được coi là “bát vàng” (golden bowl) trong lĩnh vực tư nhân, cho đến khi các cáo buộc về tình trạng làm việc quá sức cho thấy không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng.

Và trong những năm gần đây, với quá nhiều biến động trong nền kinh tế, mong muốn kiếm được một công việc được trả lương đều đặn ở một cơ quan nhà nước - ngay cả khi ít hơn đáng kể so với mức lương tại công ty tư nhân - đã gia tăng.

Đang học thạc sĩ xã hội học tại Đại học Thượng Hải, Shen thừa nhận rằng cũng sẽ có rất ít lựa chọn việc làm trong lĩnh vực của cô.

“Tất nhiên, tôi vẫn lo lắng ngay cả khi vượt qua các kỳ thi. Dân số đang già đi nhanh chóng, chính phủ đang chịu rất nhiều áp lực tài chính, ngay cả công chức cũng phải đối mặt với tình trạng sa thải và cắt giảm lương,” cô nói.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm tinh giản bộ máy, Bắc Kinh đang cắt giảm 5% vị trí tại các cơ quan chính phủ, theo kế hoạch cải tổ chính phủ được quốc hội Trung Quốc thông qua hồi giữa tháng 3.

Cụ thể, việc cắt giảm sẽ diễn ra dần dần trong 5 năm tới.

Lucas Lin, một nhân viên 39 tuổi của Bộ Tài chính, cho biết anh không lo lắng về việc cắt giảm vì rất nhiều đồng nghiệp của anh sắp đến tuổi nghỉ hưu.

“5% trong 5 năm có nghĩa là 1% mỗi năm. Nó sẽ không có tác động lớn, vì sẽ có người nghỉ hưu và có thể sẽ hạn chế tuyển dụng”, Lin lý giải.

Điều này có nghĩa là sự cạnh tranh thậm chí còn lớn hơn đối với các công việc trong lĩnh vực dân sự.

Tổng cộng có 1,52 triệu ứng viên tham gia kỳ thi công chức quốc gia vào tháng 1 năm nay, chỉ cạnh tranh cho 37.100 vị trí - nghĩa là cứ 41 thí sinh thì có khoảng một người có thể được tuyển dụng, theo Tân Hoa xã.

Giải pháp hợp lý cho tình trạng thiếu việc làm

Trung Quốc hiện đang chịu áp lực lớn trong việc tạo đủ việc làm, khi con số cao kỷ lục 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đang gia nhập thị trường lao động trong năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị ở mức 5,6% trong tháng 1 và tháng 2, tăng nhẹ so với mức 5,5% trong tháng 12. Và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức cao 18,1% trong tháng 1 và tháng 2, tăng từ 17,1% trong tháng 12.

Năm 2013, khi nhậm chức, cựu thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết số lượng nhân viên chính phủ sẽ ít hơn trong nhiệm kỳ của ông.

Tuy nhiên, bộ máy hành chính công của Trung Quốc vẫn còn tình trạng dư thừa nhân viên, dẫn đến những lời chỉ trích về hiệu quả thấp và chi phí cao, theo nhà kinh tế học Liu Shengjun.

“Việc tinh giản hơn nữa là do lo ngại về chi phí. Có nhiều nhân viên đồng nghĩa với gánh nặng tài chính cao", ông nói. 

Peng Peng, chủ tịch điều hành của nhóm chuyên gia tư vấn Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, đồng ý rằng mặc dù đã có những cải cách trước đây, nhưng nhiều cơ quan ngày nay vẫn có các chức năng chồng chéo và do đó gây ra sự kém hiệu quả.

Hu Tao, đang học năm thứ 3 ngành khoa học máy tính tại Đại học Tứ Xuyên, cho biết hầu hết các bạn cùng lớp của anh đang cố gắng tránh sự cạnh tranh gay gắt bằng cách trì hoãn kiếm việc làm.

“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không đủ sức cạnh tranh nếu không có bằng cấp cao hơn, nhất là nếu chúng tôi muốn có một công việc được trả lương cao ở một thành phố lớn. Chỉ một số ít sinh viên hàng đầu trong lớp của tôi nhận được lời mời làm việc từ các công ty công nghệ hàng đầu như Tencent", anh nói.

Hu Tao cho viết, vì vậy, anh và nhiều bạn bè đang chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học, hoặc đăng ký các chương trình ở nước ngoài. 

Một số cũng định thi công chức. Nó chắc chắn không dẫn đến "bát vàng" nhưng làm công chức có những ưu điểm mà những công việc cũ không có được - chẳng hạn như không phải làm thêm giờ, và không sợ bị sa thải, Hu Tao lý giải cho quyết định thi công chức.

Nhà kinh tế Liu cảnh báo rằng “việc chính phủ tiếp nhận nhiều việc làm không phải là điều tốt, vì sẽ dẫn đến chi phí xã hội cao hơn”.

“Giải pháp hợp lý là thúc đẩy nền kinh tế thông qua cải cách và để nhiều công ty tư nhân tạo cơ hội việc làm hơn,” Liu nói.

Đối với Shen ở Thượng Hải, đảm bảo một vị trí trong cơ quan chính phủ dường như cũng là lựa chọn tốt nhất vì vị hôn phu của cô đã chọn làm nhân viên của một công ty công nghệ thông tin, công việc mà cô cho là có thu nhập cao hơn nhưng cũng căng thẳng và bấp bênh hơn.

“Anh ấy có thể kiếm được gấp nhiều lần tôi, nhưng nếu một ngày nào đó anh ấy bị cho nghỉ việc thì sao. Vì vậy, tôi muốn có một công việc an toàn để cân bằng cuộc sống và có thu nhập ổn định", Shen nói.


(0) Bình luận
Hết thời việc làm ở các công ty tư nhân là "bát vàng", người trẻ Trung Quốc vào cuộc đua tìm "bát sắt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO