Năm 2022, Bệnh viện Tâm Anh đã có lãi trở lại
Trong hệ sinh thái y dược của “đại gia” Ngô Chí Dũng, CTCP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh (BV Tâm Anh) có tuổi đời lớn nhất (thành lập tháng 9/2007). Tuy nhiên, sự “hiện diện” của ông Ngô Chí Dũng tại đây kín đáo hơn rất nhiều khi không trực tiếp nắm giữ cương vị Tổng Giám đốc hay người đại diện theo pháp luật dù sở hữu 50% cổ phần (theo ĐKKD thay đổi ngày 1/12/2016).
BV Tâm Anh có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2022 mức hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 80% với số dư gần 1.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm ở mức 355 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ chủ yếu do lỗ luỹ kế 145 tỷ đồng.
Số lỗ của BV Tâm Anh chủ yếu phát sinh trong năm 2021 khi bệnh viện này lỗ 198 tỷ đồng. Năm 2022, tình hình đã khả quan hơn với doanh thu tăng 63% lên hơn 1.200 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của bệnh viện này kể từ khi hoạt động. Giá vốn và các chi phí tăng chậm hơn giúp BV Tâm Anh chuyển từ lỗ sang lãi hơn 19 tỷ đồng.
VNVC doanh thu khủng nhưng lợi nhuận mỏng
Một cái tên rất đáng chú ý khác trong hệ sinh thái của “đại gia” Ngô Chí Dũng là VNVC - một trong những hệ thống tiêm chủng lớn nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp này tên đầy đủ là CTCP Vacxin Việt Nam, thành lập ngày 11/11/2016, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động y tế dự phòng và tiêm phòng. Sau 7 năm hoạt động, hệ thống VNVC có khoảng hơn 100 trung tâm tiêm chủng.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của VNVC là 10 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Hà góp 3 tỷ đồng (30%), Nguyễn Thị Xuân góp 3 tỷ đồng (30%) và ông Ngô Chí Dũng góp 4 tỷ đồng (40%).
Ông Ngô Chí Dũng (SN 1974) đồng thời cũng là người đại diện Pháp luật kiêm CT HĐQT Công ty. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến ngày 10/7/2020, vốn điều lệ của VNVC được tăng lên 140 tỷ đồng nhưng không rõ cơ cấu cổ đông góp vốn.
Tài sản của VNVC chủ yếu được hình thành từ nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này thường xuyên chiếm khoảng 90% tổng tài sản và cao hơn vốn chủ sở hữu nhiều lần. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của VNVC lên đến gần 2.700 tỷ trong khi tổng tài sản chưa đến 3.000 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ vay tài chính ở mức hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tài sản của VNVC phần lớn là các khoản phải thu với số dư tính đến cuối năm 2022 ở mức hơn 1.100 tỷ đồng (chiếm gần 37%), gấp đôi so với đầu năm. Ngược lại, tồn kho của chuỗi tiêm chủng này lại giảm mạnh từ mức gần 1.100 tỷ hồi đầu năm xuống còn gần 650 tỷ đồng vào cuối kỳ.
Với thương hiệu được định hình mang tính “quốc dân”, VNVC tạo ra doanh thu “khủng”. Năm 2022, doanh thu của chuỗi tiêm chủng này giảm nhẹ gần 8% so với năm trước xuống mức 7.283 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi ngày thu gần 20 tỷ đồng.
Trước đó, VNVC đã liên tục tăng trưởng doanh thu qua từng năm từ con số vỏn vẹn 32 tỷ năm 2017 lên gần 7.900 tỷ đồng vào năm 2021.
Doanh thu khủng nhưng lợi nhuận của VNVC lại không mấy ấn tượng, thậm chí giai đoạn 2 năm đầu (2017-2018) còn thua lỗ.
Năm 2022, chuỗi tiêm chủng này lãi kỷ lục nhưng chỉ ở mức 265 tỷ đồng. Mức lợi nhuận đã tăng gấp 2,2 lần năm trước nhưng biên lãi ròng vẫn chỉ gần 4%, tức là 100 đồng doanh thu mang về chưa đến 4 đồng lãi.
Ngoài BV Tâm Anh và VNVC, hệ sinh thái y dược của ông Ngô Chí Dũng còn có một cái tên rất đáng chú ý là CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy).
Ông Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của doanh nghiệp này.
Sau hơn 1 thập kỷ hoạt động, Eco Pharma đã và đang là cái tên rất đáng chú ý trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng. Vào khung giờ vàng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), người tiêu dùng từng rất quen thuộc với loạt quảng cáo về các sản phẩm chức năng như Sâm Alipas Platinum, Sâm Angela Gold, Jex Max, Qik Hair, Otiv... tất cả đều là sản phẩm của doanh nghiệp này.