Hé lộ 'núi nợ ngầm' 8,3 nghìn tỷ USD đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc

Chi Lan | 13:26 18/04/2023

Nợ LGFV đã tăng lên 57 nghìn tỷ NDT (8,3 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, tương đương 48% GDP của Trung Quốc, theo ước tính của IMF.

Hé lộ 'núi nợ ngầm' 8,3 nghìn tỷ USD đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc, một trong những quốc gia nợ nhiều nhất thế giới, vẫn chưa trải qua một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng một số vấn đề cũng xảy ra trong thời gian gần đây. 

Năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, chính phủ nước này đã phải đóng cửa một ngân hàng khu vực để ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi. Năm ngoái, làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản đã khiến nhiều người mua phản đối việc thanh toán thế chấp. 

Song, cả 2 sự việc đều đã được giải quyết và tâm lý thị trường cũng được xoa dịu. Nhiều người có thể lập luận rằng, Trung Quốc hiện là nơi an toàn cho các nhà đầu tư, sau khi Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các ngân hàng khu vực và các nhà phát triển có quá nhiều nợ. 

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có một “con voi ở trong phòng”, đó là các khoản vay từ phương tiện tài chính của chính quyền địa phương, hay còn gọi là LGFV. Trong nhiều năm, các thành phố của nước này đã sử dụng phương tiện này để tài trợ cho việc xây dựng hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Nợ LGFV đã tăng lên 57 nghìn tỷ NDT (8,3 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, tương đương 48% GDP của Trung Quốc, theo ước tính của IMF. 

screenshot-2023-04-18-at-13.16.40.png
Nợ LGFV của Trung Quốc có quy mô gần bằng nợ chính phủ và chính quyền trung ương. 

Các khoản vay thông qua LGFV có quy mô gần bằng nợ chính thức của các chính quyền trung ương và địa phương cộng lại. Không tính đến các khoản vay ngân hàng, những phương tiện này thường xuyên huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm khoảng 40% toàn bộ thị trường. Trong khi đó, số nợ trái phiếu chưa thanh toán của họ vào năm ngoái là khoảng 36 nghìn tỷ NDT. 

Hiện tại, các nhà đầu tư đang lo lắng vì năng lực trả nợ của LGFV còn… tệ hơn cả các nhà phát triển bất động sản khi mục đích của các phương tiện này là cung cấp các dịch vụ công chứ không phải tạo ra lợi nhuận. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu trung bình của 1.800 LFGV chỉ là khoảng 4,3%.

Điều tồi tệ hơn nữa là, sau khi lĩnh vực bất động sản suy thoái, các địa phương có thể không còn khả năng hỗ trợ LGFV khi cần thiết. Trước khi Covid-19 xảy ra, chính quyền địa phương có khoảng 20% thu nhập từ việc bán đất, năm ngoái, nguồn doanh thu quan trọng này đã giảm 23%. 

Song, chính quyền các địa phương vẫn phải dựa vào LGFV để giải quyết những vấn đề tài chính của họ. Năm 2022, khi các nhà phát triển thu hẹp quy mô để điều chỉnh dòng tiền, các thực thể LGFV mua hơn 1 nửa số đất thổ cư đã được bán và khiến bảng cân đối càng trở nên tệ hơn. 

Trong khi đó, các tỉnh nghèo hơn đang nỗ lực tìm kiếm gói cứu trợ của chính quyền trung ương. Trong một bài đăng đã bị xoá, Quý Châu cho biết họ đang chật vật giải quyết vấn đề nợ nần. Tháng 12, Zunyi Road & Bridge Engineering Construction Group, một LGFV địa phương, đã nhận được khoản cứu trợ 1 phần từ những người cho vay, hoán đổi các khoản vay ngắn hạn thành các khoản vay lãi suất thấp kỳ hạn 20 năm trị giá 15,6 tỷ NDT. 

1400x-1.png.jpeg
Quy mô nợ LGFV của các địa phương Trung Quốc. 

Trước đây, Bắc Kinh đã tung ra những gói cứu trợ quy mô lớn. Trong cuộc kiểm toán năm 2014, 2/3 khoản nợ của LGFV đã được công nhận là nợ phải trả của chính phủ. Trong 4 năm tiếp theo, hơn 12 nghìn tỷ NDT các khoản vay này đã được hoán đổi thành trái phiếu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, con số 57 nghìn tỷ NDT ở hiện tại thì có quy mô hoàn toàn khác, khiến Bắc Kinh như “đi trên dây”.  

Với một chút may mắn và niềm tin của nhà đầu tư, Trung Quốc cũng có thể sẽ xoa dịu cuộc khủng hoảng này. 

Xiaoxi Zhang, chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc của Gavekal Dragonomics, đã đưa ra một quan điểm thú vị. Các tỉnh nghèo như Quý Châu có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, nhưng khoản nợ LGFV của họ lại nhỏ hơn. Do đó, nếu nhà đầu tư trái phiếu ở những khu vực như vậy hoảng sợ, thì Bắc Kinh vẫn có thể hoán đổi các khoản vay của họ thành trái phiếu chính phủ.

Song, lập luận này cũng đặt ra dấu hỏi lớn. Liệu mối rủi ro tiếp theo được kích hoạt bởi những địa phương như Quý Châu hay không? Nếu không phải vậy, nguy cơ lại đến từ các tỉnh giàu hơn như Chiết Giang hay Giang Tô thì sao? Trong trường hợp đó, Bắc Kinh có thể không thể kiểm soát cú nổ lớn như vậy và “khoảnh khắc Minsky” của Trung Quốc có thể sẽ đến. 

LGFV đã giúp Trung Quốc xây dựng dịch vụ chất lượng, giá cả phải chăng cho người dân. Không như Mỹ, người dân nước này có thể đi tàu cao tốc và đường bộ với chi phí thấp. Nhưng nền kinh tế nước này đã ở giai đoạn phát triển đủ để các cơ quan tài chính phải tìm ra cách chi trả cho toàn bộ các cơ sợ hạ tầng đó. Bởi vậy, Bắc Kinh sẽ phải cực kỳ cẩn trọng. 

Tham khảo Bloomberg


(0) Bình luận
Hé lộ 'núi nợ ngầm' 8,3 nghìn tỷ USD đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO