Điện thoại Trung Quốc đã khác xưa
Tại cửa hàng Huawei trong một trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở phía bắc Hồng Kông tuần trước, nhiều người đổ xô đến chỗ Mate XT, điện thoại thông minh gập ba đầu tiên trên thế giới, có thể biến thành máy tính bảng cỡ lớn.
Sớm hôm đó, hiện tượng YouTuber IShowSpeed đã mua ba chiếc điện thoại có giá khởi điểm khoảng 2.800 USD này trong một buổi phát trực tiếp tại Thâm Quyến.
"Nó to quá!", YouTuber người Mỹ với hơn 38 triệu người đăng ký trên nói tại một cửa hàng Huawei đông đúc, bao vây bởi những người hâm mộ xung quanh.

Không phải iPhone, nhiều người đang chuyển sang mua sản phẩm của các tên tuổi Trung Quốc, tìm kiếm những tính năng và công nghệ vượt trội. Xu hướng này càng nổi bật hơn sau khi thuế quan phía Mỹ công bố có nguy cơ đẩy giá iPhone cao hơn, theo Rest of World.
"Những người mua điện thoại do Trung Quốc sản xuất đang tìm kiếm các tính năng tiên tiến", Steve Fok, người bán điện thoại tại trung tâm thương mại điện tử ở Hồng Kông, chia sẻ. Ngay cả những người sở hữu iPhone cũng mua một thiết bị Trung Quốc thứ hai để có thời lượng pin và công nghệ vượt trội, người này lưu ý.
Apple đã mất vị trí là nhà bán điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc — thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới — vào năm ngoái trước các đối thủ địa phương Vivo và Huawei.
Lượng hàng xuất xưởng hàng năm của Apple tại quốc gia này đã giảm 17%, mức giảm doanh số điện thoại thông minh hàng năm lớn nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2016.
Trên toàn cầu, mặc dù Apple vẫn giữ được vị trí hàng đầu, nhưng lượng hàng xuất xưởng của hãng đã giảm vào năm 2024 so với năm trước. Thị phần của hãng cũng giảm, trong khi thị phần của các thương hiệu Trung Quốc bao gồm Xiaomi, Oppo, Vivo, Honor và Huawei đã vươn lên trên trường quốc tế.
"Việc sở hữu một chiếc iPhone ngày nay không còn là biểu tượng địa vị như cách đây 5 đến 10 năm nữa. Apple đang tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc về các tính năng sáng tạo… mọi người đang chuyển sang các thiết bị đặc biệt hơn, như điện thoại màn hình gập Huawei", Francisco Jeronimo, phó chủ tịch phụ trách dữ liệu và phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC chia sẻ.
Thiếu AI đến thuế quan
Sự suy giảm của Apple tại Trung Quốc cũng đến từ khó khăn của công ty trong triển khai các khả năng AI. Tháng trước công ty thông báo sẽ trì hoãn việc nâng cấp AI cho Siri cho đến năm 2026.

Apple Intelligence cũng không có sẵn trong các mẫu iPhone 16 được bán tại Trung Quốc vì công ty này cần được cơ quan quản lý chấp thuận trước khi có thể cung cấp các dịch vụ AI.
Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc áp dụng các mô hình AI của DeepSeek và tinh thần ủng hộ sản phẩm trong nước nồng nhiệt có thể thúc đẩy nhiều người mua hướng đến các thương hiệu nội địa.
Kể từ năm ngoái, các mẫu máy mới nhất của Huawei có Xiaoyi, một trợ lý AI sử dụng công nghệ DeepSeek để củng cố mô hình AI của riêng công ty. Các thương hiệu khác như Oppo và Honor cũng đã tung ra các tính năng AI.
"Việc tích hợp AI vào điện thoại thông minh đang có tác động lớn", Jeronimo cho biết. "Vì vậy, trong cửa hàng, khi người mua được giới thiệu về các tính năng này, họ có khả năng sẽ chọn một thương hiệu Trung Quốc nếu như không thấy chúng có trên iPhone".
Giờ đây, kế hoạch áp thuế 54% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể khiến ngay cả người mua ở Mỹ cũng không muốn mua iPhone. Hầu hết iPhone được bán ở Mỹ đều được sản xuất tại Trung Quốc, vì vậy, theo một số ước tính, iPhone 16 rẻ nhất khả năng bị đội giá lên 1.142 USD. iPhone 16 Pro Max thậm chí có giá lên tới 2.300 USD.
Việc tăng giá mạnh đối với iPhone tại Mỹ cũng có thể mang lại cho Samsung của Hàn Quốc — nhà sản xuất điện thoại thông minh số hai thế giới — một lợi thế, vì quốc gia này phải đối mặt với mức thuế thấp hơn Trung Quốc.
Ở Hồng Kông, một số người mua cho tinh thần dân tộc là lý do khiến họ chuyển sang mua hàng Trung Quốc.
Ming Leung đã đổi chiếc iPhone X cũ của mình lấy chiếc Pura 70 Pro của Huawei vào tháng 10 năm ngoái. "Là một người Trung Quốc, tôi ủng hộ Huawei vì đây là thương hiệu Trung Quốc", anh chia sẻ với Rest of World.