Sáng sớm một ngày cuối năm 2022, mưa tuyết rơi dày ở Fansipan, phủ trắng từ độ cao 2.800 m lên tới đỉnh nóc nhà Đông Dương. Cách đó hơn 6 km theo đường chim bay, bên trong một khách sạn ở chân phố Cầu Mây (Sapa), trong khi một nhân viên đang bận rộn làm thủ tục check-in cho đoàn khách miền Nam thì một nhân viên khác bất đắc dĩ phải từ chối yêu cầu đặt phòng qua điện thoại vì đã kín chỗ.
“Sapa, thị trấn xinh đẹp nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam đã phục hồi gần như hoàn toàn hoạt động du lịch trong năm qua, nhờ vào lượng khách nội địa”.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc điều hành khách sạn BB Sapa và resort BB Sapa, người đã có gần 20 năm gắn bó với ngành du lịch ở thị trấn này.
“Theo quan sát của tôi, trong khi khách Âu từ một số nước như Pháp, Úc, Bỉ, Tây Ban Nha trong năm 2022 mới đạt 20% đến 30% so với trước dịch và khách Châu Á ở các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc,… đang bắt đầu quay lại Sapa, thì đóng góp chính vào sự hồi phục của du lịch Sapa đến từ khách nội địa.
Trong tháng 7 và tháng 8, các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thị trấn đã đạt công suất bình quân 70% - 80% cả tháng, bằng với thời điểm kinh doanh tốt trước khi Covid ập đến”, ông Trí cho biết.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở Sapa mà nhìn chung trong cả nước, khách du lịch nội địa năm 2022 tăng đột biến và đạt mốc kỷ lục 96,3 triệu lượt du khách.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến khách Việt ưu tiên du lịch nội địa sau Covid-19 là bởi việc ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2022 còn nhiều hạn chế, chi phí cao, mức độ an toàn về dịch bệnh chưa đảm bảo.
Báo cáo của Outbox hồi cuối tháng 6 năm ngoái chỉ ra, du lịch trong nước từ 1 - 2 đêm được đánh giá ít gây lo ngại nhất, sau đó tới đi lại trong thành phố và du lịch trong nước dài hơn 2 đêm.
"Đó là lý do giải thích vì sao mùa hè vừa qua, du lịch nội địa nhộn nhịp. Nhờ chi phí hợp lý, sản phẩm đa dạng, mức độ an toàn về dịch bệnh cao, thậm chí cả "du lịch trả thù" cho những tháng ngày giãn cách nên được nhiều du khách lựa chọn đi trong nước”, Vnexpress dẫn lời ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting.
Du lịch Việt Nam có tính mùa vụ rõ rệt, lượng khách du lịch nội địa tập trung nhiều vào những kỳ nghỉ dài ngày Lễ Tết và mùa hè, khi học sinh, sinh viên được nghỉ học.
Đặc biệt, lượng du khách đã “bùng nổ” ngay vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022, khi các hoạt động đi lại được nới lỏng, nhu cầu đi du lịch của người dân tựa như một chiếc lò xo đang bị nén chặt được bật tung mạnh mẽ sau hơn hai năm dịch bệnh.
Một cách làm du lịch phổ biến hiện nay ở các địa phương Việt Nam đó là tổ chức các lễ hội, sự kiện, show biểu diễn hoành tráng vào một số dịp trong năm. Từ Bắc vào Nam, hàng loạt sự kiện được tổ chức nhờ sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn lớn trên địa bàn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Năm 2022, Hạ Long đón lượng khách trong dịp 30/04 – 1/5 tăng mạnh với Lễ hội Carnaval Hạ Long, sản phẩm mới Phố đêm du thuyền tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cùng nhiều khám phá sôi động tại tổ hợp Sun World Halong Complex...
Hay tại Sapa, dịp Quốc khánh diễn ra Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2022, Mùa giải Vó ngựa trên mây lần thứ 4 trong khuôn khổ lễ hội, Chợ tình Sapa... và nhiều sự kiện khác giúp địa phương này hút gần 98.000 lượt khách, tăng 755% so với năm 2020 và 225% so với năm 2021.
Tại Đà Nẵng, diễn ra loạt lễ hội, sự kiện lớn như Lễ hội Ẩm thực và Bia B'estival 2022, show diễn Trận chiến tại Vương quốc Mặt Trăng trên đỉnh Bà Nà; sự kiện Light up the sky tại Sky36... Bên cạnh đó, Sun World Ba Na Hills cũng tung hàng loạt sản phẩm mới như Thác Thần Mặt trời, Cổng Thời gian, Lâu đài Mặt Trăng... để thu hút du khách.
Ở Phú Quốc, theo thống kê trong 4 ngày từ 30/4-3/5/2022 đã có hơn 127.000 lượt khách đến với hòn đảo xinh đẹp này. Phú Quốc không chỉ có lợi thế về cảnh quan đẹp, mà với sự đầu tư của các tập đoàn lớn vào hàng loạt hạng mục vui chơi giải trí cao cấp như cáp treo Hòn Thơm, Safari, khu vui chơi giải trí casino... đã góp phần thay đổi diện mạo của nơi đây và giúp địa phương trở thành một trong những điểm đến thu hút bậc nhất trên cả nước.
Ngày 15/03/2021, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế, sớm hơn nhiều nước trong khu vực và đặt ra mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế cho năm 2022.
Đáng tiếc, đến hết năm 2022, số liệu theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Tổng Cục Thống kê, Việt Nam chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách quốc tế, đạt hơn 70% so với kế hoạch.
Du khách quốc tế mang lại nguồn thu chính cho du lịch Việt Nam. Báo cáo của McKinsey & Company đánh giá nhóm du khách nước ngoài chi “mạnh tay” hơn so với du khách trong nước. Năm 2019, lượng du khách quốc tế chỉ chiếm 17% nhưng lại chi hơn nửa, trung bình mỗi du khách nước ngoài chi 673 USD, trong khi du khách trong nước chỉ chi 61 USD.
Ngày 21/12/2022, trong Hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19; ngay sau đó, chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn".
Nhìn lại khoảng thời gian trước Covid 19, liên tục từ 2016 đến 2019, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 23%/năm và đạt đỉnh 18 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2019.
Không thể phủ nhận, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hơn trong năm 2022 bằng việc bao phủ vắc xin nhưng Covid vẫn được nhắc đến như một “hòn đá cản đường” khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua giảm sút.
Cần phải nhớ rằng, khách du lịch quốc tế của Việt Nam chủ yếu là người Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2019, theo thống kê, lượng du khách Trung Quốc chiếm tới 32%, tiếp theo là du khách Hàn Quốc, chiếm 24% tổng lượng quy mô thị trường. Cả hai quốc gia này, đặc biệt là Trung Quốc, trong năm qua vẫn thực hiện nhiều biện pháp hạn chế di chuyển do dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, suy thoái kinh tế cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chi tiêu và ngành du lịch.
Vậy nhưng những lý do trên sẽ là không đủ khi nhìn vào xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi du lịch Châu Á sau Covid – 19.
“Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19”, ông Chris Farwell đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phát biểu tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2022: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch”.
Đơn cử như Thái Lan, mặc dù mở cửa gần như cùng lúc với Việt Nam, quốc gia này vẫn kịp đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD. Tương tự, mở cửa du lịch sau Việt Nam chỉ khoảng một tháng, Malaysia đã đạt trên 9 triệu lượt khách quốc tế, mặc dù mục tiêu đặt ra chỉ là 2 triệu.
Cũng phải nói thêm rằng, 2 tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước Covid-19, trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước Covid-19.
Ngoài nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân chủ quan được các chuyên gia nhắc đến trong hội nghị liên quan đến chính sách visa du lịch. Theo các chuyên gia, việc chỉ miễn visa du lịch cho 24 quốc gia với thời gian 15 ngày từ khi mở cửa đến nay gần như chưa có sự thay đổi, thủ tục nhập cảnh rắc rối, thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, các hoạt động xúc tiến du lịch còn chưa phát huy được hiệu quả.
Oxalis – Doanh nghiệp du lịch mạo hiểm tại Phong Nha, Quảng Bình nổi tiếng với tour thám hiểm hang động Sơn Đoòng là một doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và rất nặng nề bởi Covid, vì trước dịch bệnh, hơn 70% doanh thu của họ đến từ khách quốc tế.
Oxalis chủ yếu bán tour trực tiếp cho khách theo hình thức B2C (Business to Customer) nên trong 3 năm Covid-19, doanh nghiệp này gần như bị ngắt kết nối với khách du lịch.
“Khách biết không thể đi du lịch Việt Nam do đó cũng không tìm kiếm thông tin du lịch ở Việt Nam trước tháng 3/2022. Trong năm 2022, Oxalis đã phải tăng chi phí marketing gấp đôi so với trước đây để tìm kiếm lại nguồn khách du lịch. Hiện tại tình hình kinh doanh của Oxalis cơ bản đã trở lại bình thường như trước dịch”, ông Nguyễn Châu Á, CEO Oxalis cho biết.
Sau khi Việt Nam mở cửa, lượng khách quốc tế tham gia tour Oxalis tăng dần theo từng tháng, từ 2% tháng 3 lên đến 40% tháng 8 năm 2022 và hiện nay khách quốc tế chiếm tỷ trọng 70% trên tổng số khách tham gia các tour do Oxalis vận hành. Tổng số khách Oxalis đón trong mùa tour 2022 là 12.573 khách, trong đó khách trong nước chiếm 66% và khách quốc tế chiếm 34%.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá, ở tầm quốc gia, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế là có cơ sở, dựa vào tín hiệu hồi phục từ các thị trường lớn. Thực tế các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn thế.
“Tốc độ hồi phục phải mạnh mẽ hơn thì mới có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu ngành du lịch Việt Nam không thể đạt được theo từng phân kỳ như vậy thì chúng ta sẽ không thể bắt kịp được nhịp phục hồi của các quốc gia lân cận”, ông Dũng lo ngại.
Tại Hội nghị “Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch”, các chuyên gia cho rằng hành vi của du khách đã thay đổi so với trước Covid-19. Vì thế, để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách năm 2023, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách... cần phải thiết kế lại từ đầu.
Khác với năm 2022, các chuyên gia nhận định thị trường nội địa năm 2023 sẽ có nhiều thử thách hơn khi các nhu cầu kết nối gia đình và nghỉ dưỡng sau dịch bệnh đã được giải quyết nên sẽ khó có sự bùng nổ đột biến. Ngoài ra, kinh tế trong nước giai đoạn cuối năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của người dân đối với hoạt động du lịch trong nửa đầu năm, thậm chí cả năm 2023.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc BB Hotel Sapa không khỏi e ngại về tác động của khủng hoảng kinh tế, suy thoái, giảm việc làm, thu nhập có thể khiến khách Việt cắt giảm chi tiêu không thiết yếu và các quyết định đi du lịch, trong khi thị trường Sapa vốn dựa nhiều vào du khách nội địa.
“Tuy nhiên, với khách du lịch chất lượng từ những thị trường như Isarel, Châu Âu suy thoái kinh tế sẽ không ảnh hưởng quá nhiều”, ông Trí nhận định.
CEO Oxalis Nguyễn Châu Á cho rằng khi Trung Quốc mở cửa thị trường, khách du lịch Đông - Bắc Á sẽ hồi phục một cách nhanh chóng. Khách du lịch các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thường đi theo đoàn và được các công ty du lịch sắp xếp chương trình tour cũng như các thủ tục visa nhập cảnh nên nhóm khách này về cơ bản sẽ không gặp khó khăn đối với việc đến Việt Nam du lịch.
Bên cạnh đó, thị trường Châu Âu, Úc, New Zealand và Bắc Mỹ sẽ phục hồi khá chậm vì phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine,...
Ông Châu Á phân tích về lợi thế du lịch của các quốc gia trong khu vực so với Việt Nam:
- Thứ nhất, chính sách nhập cảnh cởi mở hơn;
- Thứ hai, nguồn ngân sách quảng bá du lịch lớn;
- Thứ ba, lợi thế “dẫn khách” từ những người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại các quốc gia này. Chẳng hạn như ở Chiang Mai Thái Lan, tỉnh có hai triệu dân thì có đến một triệu người nước ngoài đang sinh sống, làm việc và nghỉ hưu tại đây – theo ông Châu Á - những người này, đã góp sức vào công cuộc quảng bá Chiang Mai đến bạn bè và người thân của họ ở quê nhà.
- Thứ tư, sản phẩm du lịch mới mẻ, phù hợp với thị hiếu, thói quen và sở thích thu hút nhóm du khách Châu Âu và Bắc Mỹ.
Vấn đề nới lỏng chính sách cấp thị thực được nhiều chuyên gia nhắc đến trong các diễn đàn, hội nghị như một giải pháp cho việc thu hút khách du lịch quốc tế. Nhất là với thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, các chuyên gia kiến nghị tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày và mở rộng cấp thị thực điện tử.
Bên cạnh đó, báo cáo của Mc Kinsey & Company cũng đưa ra một số các biện pháp để kích hoạt phục hồi ngành du lịch Việt Nam như cân nhắc mô hình giá mới để phục hồi nhu cầu, áp dụng công nghệ số, tạo dựng nền tảng cho nhu cầu của du khách nước ngoài đến Việt Nam, bổ sung những trải nghiệm mới cho du khách, không chỉ dừng lại ở cơ sở lưu trú, và ‘phân bố lại’ đầu tư cho du lịch hướng tới những điểm đến đa dạng, phi truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc điều hành BB hotel và BB resort cho biết mục tiêu tăng trưởng của khách sạn và resort năm nay là 15% so với 2022.
Còn tại Oxalis, nhận định xu thế khách du lịch trên thế giới đang hướng đến du lịch thiên nhiên và chọn du lịch nông thôn làm điểm đến trong 2023, Oxalis đã có những điều chỉnh trong sản phẩm nhằm hướng đến cộng đồng nhiều hơn. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã đồng hành cùng xã Tân Hóa (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xây dựng mô hình “Làng du lịch cộng đồng”.
Mặc dù đây không phải ý tưởng mới, nhưng với kinh nghiệm cùng thương hiệu và năng lực của Oxalis, sản phẩm du lịch cộng đồng tại Tân Hoá hứa hẹn sẽ thu hút thêm khách nước ngoài đến với Quảng Bình.
Bên cạnh thám hiểm hang động, Oxalis cũng ra mắt sản phẩm du lịch mạo hiểm mới cho năm 2023 là tour lái xe địa hình ATV khám phá ngôi nhà của Kong, đưa du khách khám phá khu rừng lim quý hiếm của Tân Hoá.