Hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp, dòng vốn ngoại có rời khỏi Việt Nam khi chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp?

Minh Vy | 06:40 25/05/2023

Theo chuyên gia, các mức lãi suất điều hành đã giảm về ngang bằng trước thời điểm xảy ra tình trạng căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng. Quyết định này của cơ quan quản lý đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp, dòng vốn ngoại có rời khỏi Việt Nam khi chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp?

Chiều ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm thêm một loạt mức lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5.

Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, NHNN đã có tới 3 đợt giảm lãi suất điều hành, một động thái quyết liệt trong nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia - ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích & Nghiên cứu Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – VCBS để có thêm góc nhìn về quyết định này của NHNN.

Thưa ông, vì sao NHNN lại có động thái giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này

Ngày 23/05/2023 NHNN phát đi tín hiệu giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm với mức giảm 50 điểm cơ bản. Như vậy, các mức lãi suất điều hành đã giảm về ngang bằng trước thời điểm xảy ra tình trạng căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng quyết định này của cơ quan quản lý đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên một số căn cứ.

Thứ nhất, dựa trên bối cảnh thuận lợi nhiều NHTW lớn điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.

Thứ hai, trong nước áp lực CPI hạ nhiệt đã hạ nhiệt đáng kể đi cùng với tỷ giá ổn định, nguồn cung ngoại tệ tốt hơn so với cùng kỳ.

Như vậy, NHNN thể hiện định hướng nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó.

Việc giảm lãi suất điều hành sẽ có tác động thế nào tới nền kinh tế?

Tính đến ngày 27/4, tăng trưởng tín dụng đạt 3,04% cho thấy nhu cầu tín dụng nền kinh tế thấp với dự báo nền kinh tế đặc biệt là hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Cùng lúc, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 80-100 điểm tuỳ từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng vừa và nhỏ lên tới 150 điểm-180 điểm. Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.

Như vậy, có thể kỳ vọng giai đoạn tới đây mặc dù có độ trễ, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đặc biệt trong các tháng cuối năm. Đi cùng với các biện pháp quyết liệt từ các chính sách tài khoá như giảm thuế, tăng lương, tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giải ngân đầu tư công, cơ quan quản lý đang cho thấy quyết tâm trong việc hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.

Tác động với riêng thị trường chứng khoán thì sao thưa ông? Ngành nào sẽ được hưởng lợi nhất?

Trước hết, việc các quyết định điều hành từ phía cơ quan quản lý khá nhất quán trong thời gian qua với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ sự phục hồi của tăng trưởng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có định hướng giảm mặt bằng lãi suất, được đánh giá là thông tin và động thái điều hành tích cực đối với nền kinh tế nói chung cũng như thị trường nói riêng. Đây có thể xem như yếu tố nền tảng và là một điều kiện cần quan trọng để thị trường tiếp tục duy trì trạng thái ổn định và sau đó tạo đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Mặc dù vậy, xét về diễn biến trong ngắn hạn, do đặc thù của thị trường cổ phiếu là nơi phản ánh kỳ vọng cộng với việc thị trường, theo tôi, là không còn quá bất ngờ với kịch bản lãi suất điều hành sẽ tiếp đà giảm, tôi đánh giá quyết định giảm lãi suất lần này không có nhiều tác động lên trạng thái hiện tại của thị trường.

Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận rằng việc Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành sẽ chưa khiến mặt bằng lãi suất cho vay và huy động hạ nhiệt ngay, trong khi đây mới là yếu tố tác động trực tiếp đến thị trường cổ phiếu vì liên quan đến chi phí vốn/chi phí cơ hội khi tham gia đầu tư. Và thực tế là, trong hai lần giảm lãi suất trước của NHNN, thị trường chứng khoán cũng không ghi nhận diễn biến đột phá đáng kể nào. Do đó, trong lần giảm lãi suất điều hành của NHNN này, nhiều khả năng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán cũng sẽ ở mức hạn chế, có thể sẽ chỉ diễn ra trong nửa phiên đến một phiên.

Về cơ bản, khi mặt bặt lãi suất giảm thì đa số các ngành nghề đều sẽ được hưởng lợi chung với mặt bằng chi phí vốn kỳ vọng sẽ giảm bớt, đặc biệt ở các nhóm hiện đang có vay nợ nhiều. Trong đó, tôi cho rằng sự nổi bật có thể sẽ đến từ một số nhóm ngành có thể chủ động tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn và dễ dàng hơn thông qua việc chứng minh được năng lực triển khai dự án mới và phương án mở rộng sản xuất kinh doanh bất chấp bối cảnh khó khăn chung, tôi đặc biệt chú ý đến các nhóm ngành mang tính đặc thù ở Việt Nam và/hoặc được sự ưu tiên thúc đẩy từ chính sách như Bất động sản Khu công nghiệp, Xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đầu tư công; Nông nghiệp.

Lãi suất tiền gửi đã giảm liên tục thời gian qua và sau khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ còn giảm nữa. Vậy thì sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm có sụt giảm, dòng tiền sẽ trở lại với các kênh đầu tư?

Giai đoạn này, doanh nghiệp và người dân đều đang dần cảm nhận những khó khăn của nền kinh tế do đó động thái thận trọng, lựa chọn những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ giống như gửi tiết kiệm là một lựa chọn dễ hiểu. Như vậy tôi cho rằng dòng tiền sẽ chỉ thực sự trở lại với các kênh đầu tư rủi ro cao hơn khi nhìn nhận thấy các dẫn báo cho thấy nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Việt Nam đã có 3 lần giảm lãi suất trong khi FED vẫn chưa biết khi nào giảm. Chênh lệch lãi suất VND – USD đang ngày càng thu hẹp. Vậy rủi ro dòng tiền đầu tư của nước ngoài chảy ra khỏi Việt Nam có đáng lo ngại?

Sự chuyển dịch của dòng tiền với Việt Nam là một vấn đề được thị trường luôn quan tâm và theo dõi sát sao. Theo tôi đây cũng chính là một trong những lý do khiến cơ quan quản lý luôn luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến lãi suất điều hành. Ở thời điểm hiện tại, bối cảnh thị trường ngoại tệ có phần thuận lợi hơn khi nguồn cung ngoại tệ đang tích cực hơn đáng kể so với cùng kỳ. NHNN kể từ đầu năm đến nay đã thực hiện mua vào thành công hơn 6 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối Việt Nam lên quanh mức khoảng 90 tỷ USD. Tuần qua, NHNN cũng đã tiến hành giảm giá mua ngoại tệ áp dụng tại Sở Giao dịch NHNN xuống 50 đồng về mức 23.400 đồng.

Cũng cần lưu ý thêm trong suốt nhiều năm trở lại đây, việc Việt Nam duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô luôn là điểm cộng thu hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài và có quyết định điều hành trong giai đoạn vừa qua đang cho thấy được quyết tâm duy trì sự ổn định hợp lý trong giai đoạn đầy khó khăn, biến động của nền kinh tế thế giới.

Rõ ràng là khi Việt Nam vẫn đang chứng minh với thế giới là một điểm sáng về sự ổn định và tăng trưởng trong tương quan với các nước khác thì sẽ cũng là không bất ngờ khi dòng tiền tiếp tục tìm đến và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp, dòng vốn ngoại có rời khỏi Việt Nam khi chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO