"Tuýt còi" xe hợp đồng chạy như tuyến cố định
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xe khách hợp đồng mỗi chuyến chỉ được đón/trả khách tại một địa điểm đi/đến theo đúng hợp đồng. Xe hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên, hoặc trong 1 tháng có tổng trên 10 ngày đón/trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc một địa điểm cố định khác.
Về tỷ lệ số chuyến trong tháng xuất phát tại 1 điểm, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 2 phương án và giảm tần suất chuyến đi tối đa trong 1 tháng tại 1 điểm từ 30% xuống tối đa 10%.
Phương án 1, trong 1 tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Việc xác định số chuyến xe trong tháng căn cứ theo thông tin thiết bị giám sát hành trình, hợp đồng vận chuyển, hoặc các biện pháp khác.
Phương án 2, cơ bản các quy định như phương án 1, chỉ khác là sửa điểm đầu/cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp huyện.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc sửa đổi này nhằm đảm bảo dễ xác định địa điểm xuất phát và kết thúc, do theo quy định hiện hành khó xác định nếu không có công nghệ hỗ trợ.
Với xe kinh doanh vận tải khách du lịch, các đề xuất sửa đổi cũng tương tự như với xe hợp đồng tuyến cố định.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định liên quan tới xe du lịch, xe hợp đồng còn bộc lộ bất cập, khó khăn trong xử lý vi phạm, dẫn tới nhiều xe chạy trá hình như xe khách tuyến cố định.
Sở Giao thông Vận tải một số địa phương cũng nêu thực tế, một số quy định đối với loại hình xe hợp đồng, du lịch còn khó xác định trên thực tế để xử lý vi phạm, như xác định tỷ lệ số chuyến xuất phát, kết thúc cùng 1 điểm trong 1 tháng.
Có xe hợp đồng xuất phát tại nhiều địa điểm, như trong một ngõ, tuyến phố, rất khó xử lý, dẫn tới nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Làm rõ hướng tuyến cho xe khách cố định?
Việc góp ý cho Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quản lý xe hợp đồng “trá hình” chạy như tuyến cố định là cần thiết, nhưng tại dự thảo lại chưa đề cập đến việc phân rõ hướng tuyến cho xe cố định sẽ được triển khai như thế nào?
Trao đổi với Markettimes, lãnh đạo Phòng vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng: “Sở đồng ý việc quản lý chặt hơn đối với các xe hợp đồng bằng cách trong 1 tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại; phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới hành chính cấp xã/phường. Nếu thực hiện tốt điều này, các xe hợp đồng khó có thể hoạt động trá hình, đón trả khách như một tuyến xe cố định”.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, các xe hợp đồng họ đón trả khách tại nhà, nhưng họ cũng có nhiều điểm “gom” đón trả khách trái phép cũng cần siết chặt quản lý.
Liên quan đến vấn đề Dự thảo chưa đề cập đến việc quản lý xe khách cố định phải chạy theo các hướng tuyến như Hà Nội đã quy định, vị này cho rằng: "Bản chất việc phân hướng tuyến cũng chưa hẳn chính xác mà nên theo luồng tuyến và nhu cầu người dân".
Trước câu hỏi, vậy nếu phân theo luồng tuyến thì liệu có thể xảy ra tình trạng xe khách chạy xuyên tâm gây ách tắc giao thông thủ đô, hay có thể bến xe Mỹ Đình lại quá tải như năm xưa và dẫn đến chuyện mua bán lốt xe không?
Vị lãnh đạo này tỏ ra lúng túng và thừa nhận, "chỉ đến khi nào hạ tầng được đầu tư cải thiện thì mới có thể cho phép xe khách cố định chạy theo luồng tuyến".
Để làm rõ hơn việc quản lý xe khách cố định, Markettimes đã trao đổi với Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, ông Long cho biết: “Chúng tôi nhất trí quản lý xe hợp đồng theo hướng đề xuất tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP . Đối với xe khách tuyến cố định, hiện CSGT Hà Nội vẫn quản lý xe chạy theo đúng các hướng tuyến mà Hà Nội đã phê duyệt, triển khai từ tháng 1/2017. Tôi cho rằng, việc Hà Nội giữ nguyên phân tuyến xe khách cố định là cần thiết, tránh để giao thông Thủ đô thêm áp lực khi xe chạy khách xuyên tâm”.
Trao đổi Markettimes, Thiếu tá Phạm Văn Luyến, Phó đội trưởng đội CSGT số 6, Phòng CSGT Hà Nội khẳng định: “Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện cao điểm tổng kiểm tra xử lý xe khách từ 1/8/2023 của Thứ trưởng Bộ Công an. Sau 2 tháng qua, CSGT đội 6 đã tiến hành kiểm soát và xử phạt trên 230 trường hợp xe hợp đồng và xe khách cố định với các lỗi dừng đỗ sai quy định, đón trả khách sai quy định, đi vào đường cấm. Riêng đối với xe khách cố định, CSGT đội 6 cũng yêu cầu các xe chạy theo đúng hướng tuyến mà Hà Nội đã phê duyệt”.
Xe khách cố định tại Hà Nội được phân chia theo các hướng tuyến nào?
Để giảm ùn tắc cho thủ đô và tránh xe chạy xuyên tâm, từ tháng 1/2017 UBND TP. Hà Nội yêu cầu các xe phải phân luông theo đúng hướng tuyến Đông – Tây – Nam – Bắc.
Cụ thể, các tuyến của tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe: Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến xe Nước Ngầm.
Các tuyến của các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa sẽ chuyển về bến xe Mỹ Đình.
Các tuyến của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ chuyển về bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến của các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây chuyển về bến xe Gia Lâm.