OnPoint là một trong những startup nổi bật nhất Việt Nam trong 3 năm Covid-19. Trong khi cả thị trường bước vào ‘mùa đông gọi vốn’ đầy khắc nghiệt, thì DN thành lập vào 2017 này không chỉ hoàn tất được 2 lần gọi vốn Series A (2020) và B, mà ở lần gọi vốn gần nhất trong năm 2022, họ còn nhận được tới 50 triệu USD.
Nhà đầu tư duy nhất của OnPoint của vòng Series B là SeaTown Private Capital Master Fund, quỹ đầu tư trực thuộc SeaTown Holdings International, một thành viên của Temasek Holdings (Singapore). Đây được đánh giá là một trong những thương vụ rót vốn tư nhân lớn nhất trong ngành hỗ trợ TMĐT tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2018 – 2022.
Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Quang - Founder kiêm CEO OnPoint, năm 2022 không chỉ toàn màu hồng với OnPoint lẫn ngành TMĐT.
“2022 là năm thứ 10 mà tôi hoạt động trong ngành TMĐT. Sau 5 năm khởi sự với OnPoint, đam mê khởi nghiệp của tôi vẫn còn đó. Đầu năm 2022, ước muốn của tôi là sẽ có sức khoẻ để chăm sóc tốt hơn cho gia đình và gắn kết mọi người trong công ty. Mục tiêu cụ thể hơn với bản thân là sẽ cố gắng gọi vốn và chạy bộ. Lúc đó, vẫn có quá nhiều thứ không chắc chắn. Cuối cùng, mục tiêu gọi vốn đã thành công.
OnPoint bắt đầu đi gọi vốn gần cuối 2021. Thời điểm đó, giới khởi nghiệp chính thức bước vào ‘mùa đông gọi vốn’ nên các startup gọi vốn rất khó. Sau một vài tháng không nhận được kết quả như mong muốn, là một người thích mọi thứ đều chuẩn chỉnh, tôi bắt đầu hoài nghi bản thân mình: Hay là mình có vấn đề gì đó nên các Nhà đầu tư không đoái hoài?.
Cũng may, dù hơi hoang mang song cuối cùng chúng tôi vẫn giữ được bình tĩnh, cố gắng nỗ lực thêm có thể và ngồi đợi kết quả. Rồi gần giữa 2022, chúng tôi cũng nhận được niềm vui từ Nhà đầu tư. Trong tháng 9, 10 và 11, OnPoint đã có nhiều khách hàng mới đầy tiềm năng”, ông Trần Vũ Quang chia sẻ trong tọa đàm nhỏ ở buổi tiệc tất niên đầu năm 2023 của Endeavor Việt Nam.
OnPoint đang là nhà cung cấp dịch vụ TMĐT số 1 tại Việt Nam. Sứ mệnh của OnPoint là phát triển một hệ sinh thái để cung cấp các dịch vụ bán hàng toàn diện và đa kênh trên các nền tảng thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến hiệu quả và bền vững.
Ông Trần Vũ Quang đã trở thành thành viên của mạng lưới Endeavor toàn cầu năm 2022 và vừa nhận giải thưởng “Doanh nhân trẻ tiêu biểu của TP. HCM”.
Trước khi thành lập OnPoint, ông Quang từng làm việc tại McKinsey và từng là trợ lý điều hành cho Chủ tịch Tập đoàn VinGroup. Sau đó, Trần Vũ Quang gia nhập vào đội ngũ Lazada và là C-Level Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất ở vị trí Giám Đốc Thương Mại tại Lazada. Ông có bằng Cử nhân tại Reed College – Mỹ; chuyên ngành Kinh tế.
Tiếp dòng câu chuyện, TMĐT tăng trưởng tốt qua nhiều năm, song vị CEO của OnPoint cũng thú nhận: bản thân chưa nhìn được vòng đời của thị trường TMĐT Việt Nam. Trong năm 2022, các sàn TMĐT đã tập trung vào lợi nhuận, chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá như trước Covid-19. Nhưng không ai biết được 1-2 năm tới, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ như thế nào?
“2022 là một năm thú vị và hay ho để mọi người nhìn lại bản thân và DN, để làm tốt hơn. Với tôi, lúc thị trường tốt thì chẳng có gì nhiều để nói”, CEO OnPoint khẳng định.
Cũng theo ông, nói về TMĐT là nói về các sàn. Theo thời gian, cách người tiêu dùng muốn xem nội dung sản phẩm hay giải trí trên các sàn cũng đã thay đổi. Trong 2023, xu hướng lên online mua hàng của người tiêu dùng Việt chắc chắn sẽ tăng trưởng – nhưng có thể không phi mã, nên tăng trưởng ở các sàn lớn có thể chỉ 20% và các sàn nhỏ/mới khoảng 50%.
Theo đó, các sàn TMĐT sẽ cố tối ưu nhân sự, chi phí hoạt động, dòng tiền để có lãi hoặc hòa vốn. Và do không còn nhận được nhiều khuyến mãi và hỗ trợ từ các sàn, các nhãn hàng có thể sẽ chuyển lên các kênh mới như social commerce – giống TikTok và Facebook. Tuy nhiên, các nhãn hàng sẽ tiếp cận các kênh mới này một cách thận trọng, vì chi phí hoạt động trên TikTok hay Facebook cũng khá cao.
“Năm 2023, chắc chắc, các bên trong hệ sinh thái TMĐT Việt Nam sẽ không thử lung tung mà sẽ tập trung vào những thứ có thể mang lại giá trị thiết thực cho khách hàng. Về bản chất, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng, nhưng sẽ không phát triển ồ ạt và dễ dàng như trước. Theo quan điểm của tôi, thì tăng trưởng chung của thị trường TMĐT sẽ từ 15% đến 20%.
Tuy nhiên, những câu hỏi như: số người mua hàng lên online sẽ tăng cụ thể như nào, thu nhập của họ có gia tăng hay không, các nhãn hàng có chuyển từ sàn này sang sàn kia hay không…; vẫn rất khó dự đoán chính xác”, ông Trần Vũ Quang bày tỏ.
Về mục tiêu của bản thân trong 2023, ông luôn tự nhắn nhủ mình là ‘phải quan tâm tới khách hàng và nhân viên nhiều hơn, nói không với những thứ chưa cần thiết’. Các lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ ‘ăn nhau’ ở khả năng triển khai, kiên trì và kỷ luật, chọn cái gì phải làm đến cùng, đủ tập trung…