Góc nhìn CTCK: Áp lực bán có thể gia tăng, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng

Năm Dòng Kẻ | 18:35 27/11/2023

Theo KBSV, trong kịch bản VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần quanh 107x, rủi ro phá vỡ vùng đáy ngắn hạn cần được tính đến.

Góc nhìn CTCK: Áp lực bán có thể gia tăng, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng
screenshot-2023-11-27-at-18.30.25.png

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá ảm đạm trong phiên đầu tuần. Sau quãng giằng co đầu phiên, lực bán được kích hoạt và trở nên áp đảo khiến đà giảm dần nới rộng về cuối phiên.

VN-Index đóng cửa phiên 27/11 giảm 7,55 điểm (-0,69%) xuống 1.088,06 điểm. Thanh khoản trở về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 10.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 44 tỷ đồng trên toàn thị trường.

vnindex_ind.png

Nhận định về thị trường trong những phiên tới, các CTCK đa phần đưa ra những nhận định trái chiều:

Giao dịch cẩn trọng

Chứng khoán BSC: Xu hướng hiện tại của thị trường không rõ ràng, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên giao dịch tới.

Duy trì xu hướng giảm

Chứng khoán TPS: VN-Index điều chỉnh trở lại và dễ dàng đánh mất mốc hộ trợ quan trọng là đường SMA 20 ngày cùng thanh khoản sụt giảm mạnh về mức thấp nhất trong tháng 11. Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang ở mức cao và dòng tiền mua mới chưa sẵn sàng trở lại khi đây là thời điểm mà khối lượng lớn của 2 phiên bắt đáy ngày 23-24/11/2023 sẽ về đến tài khoản.

Các chỉ số kỹ thuật về động lượng là MACD và RSI vẫn chưa có tín hiệu đảo chiều và vẫn duy trì xu hướng giảm, qua đó cho thấy rủi ro chỉ số tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn. Bên cạnh đó, đường SMA 50 ngày đang có sự dịch chuyển về sát đường SMA 200 ngày để tạo ra giao cắt tử thần (death cross).

Do đó, vùng cản quanh MA 200 ngày sẽ tiếp tục được củng cố và là kháng cự mạnh khi thị trường nỗ lực vượt qua. Hiện tại, mức 1.080 điểm vẫn được kỳ vọng sẽ là hỗ trợ gần nhất nâng đỡ cho chỉ số trong trường hợp áp lực điều chỉnh là vẫn còn.

Dấu hiệu tiêu cực hơn

Chứng khoán KBSV: VN-Index diễn biến giằng co trong phiên 27/11 trước khi dần suy yếu và giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Lực cầu bắt đáy từ chối nhập cuộc giá cao đã khiến cho chỉ số có một phiên điều chỉnh với thanh khoản thấp và trạng thái thị trường đang trở nên có phần tiêu cực hơn.

Trong kịch bản VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần quanh 107x, rủi ro phá vỡ vùng đáy ngắn hạn cần được tính đến. Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế đã mở trong nhịp hồi phục sớm và chỉ mở mua trở lại quanh ngưỡng hỗ trợ sâu 1.000 điểm (+/-15 điểm).

Áp lực bán có thể gia tăng

Chứng khoán VCBS: Ở cả khung đồ thị ngày và giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn chưa cho tín hiệu tích cực trở lại và vẫn đang hướng xuống, cho thấy áp lực bán vẫn có thể gia tăng trong ngắn hạn.

VN-Index đang nằm dưới đường trung bình đồng MA20 cùng với sự sụt giảm mạnh về thanh khoản cho thấy lực cầu vẫn đang khá rụt rè và chưa sẵn sàng tham gia lại thị trường sau những nhịp rung lắc mạnh. Thêm vào đó, góc tăng của VN-Index đối với vùng mây ichimoku đã hẹp lại khá nhiều cho thấy thị trường sẽ gặp khó trong thời gian tới.

Chưa có nhiều chuyển biến tích cực của thị trường nhưng sự phân hóa vẫn đang hiện diện, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ giao dịch lướt sóng T+ với tỷ lệ từ 20-30% đối với những cổ phiếu vẫn đang thu hút lực cầu tốt, kiểm tra thành công vùng hỗ trợ và đã khả dụng trong tài khoản.

Nhịp hồi sẽ tiếp diễn

Chứng khoán SHS: Nỗ lực vượt ngưỡng cản ngắn hạn 1.100 điểm vẫn chưa thành công mặc dù VN-Index đã có 2 lần vượt lên trên ngưỡng cản này trong nhịp hồi phục đang diễn ra. Xét dưới góc nhìn ngắn hạn thị trường đang trong nhịp hồi phục sau nhịp giảm rất mạnh vừa qua và SHS vẫn kỳ vọng nhịp hồi sẽ tiếp diễn.

Tuy nhiên, những nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào và trong trường hợp VN-Index không sớm lấy lại mốc 1.100 điểm thì nhịp hồi phục ngắn hạn của thị trường khả năng sẽ kết thúc và hỗ trợ của chỉ số sẽ là vùng đáy cũ vừa được tạo lập quanh 1.040 điểm.


(0) Bình luận
Góc nhìn CTCK: Áp lực bán có thể gia tăng, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO