Thị trường khép lại tuần giao dịch đầy biến động khi VN-Index mất gần trăm điểm. Theo chuyên gia, nguyên nhân của đà giảm này là gì?
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM CTCK DSC: Nguyên nhân chính khiến thị trường giảm nhanh và sốc đến như vậy sau khi tạo đỉnh vào tháng Tư chủ yếu do hiện tượng bị hụt dòng tiền, do sự dịch chuyển, cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư.
Với chất xúc tác bên ngoài đến từ cuộc đua tăng lãi suất của các Ngân hàng trung ương, trong nước là việc siết chặt các quy định về thị trường trái phiếu, cùng với đó là mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay đang tiếp tục tăng lên khiến làn sóng dịch chuyển kênh đầu tư, tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro diễn ra mạnh mẽ.
Một trong những biểu hiện của xu hướng lớn nói trên là việc xử lý các vi phạm lớn trong việc phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp. Có thể những sự kiện trên chưa phải là những sự vụ phát sinh cuối cùng, đó là hệ quả của một quá trình dài, các thị trường tài sản có rủi ro nói chung trong thị trường đầu cơ giá lên được hình thành trên nợ vay, với tiêu chuẩn lỏng lẻo.
Khi tin đồn và bây giờ đã trở thành tin chính thức gây tâm lý kém tích cực đến thị trường và kích hoạt làn sóng bán tháo. Một nguyên nhân khác nữa, cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là hiện tượng giảm đòn bẩy (deleveraging). Hiện tượng margin call khi giá giảm sâu làm diễn biến thị trường càng thêm kém tích cực.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng phòng phân tích CTCK VNDirect: Đà giảm tiếp tục nới rộng trong những phiên sau đó trước làn sóng call margin tại nhiều cổ phiếu. Thông tin hỗ trợ trong tuần vừa qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 4 ngân hàng bao gồm: VP Bank, MB, HD Bank và Vietcombank.
Tuy nhiên, thông tin này đã bị lấn át bởi sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng bất chấp động thái bơm ròng của NHNN trong những phiên gần đây, thể hiện qua việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt vượt mức 8%.
Cùng với đó, những tin đồn chưa được xác thực xuất hiện gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh và bán tháo cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo tôi, diễn biến giảm điểm trong tuần qua có nhiều yếu tố tác động, song chủ yếu tới từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi có thêm những thông tin kém tích cực của thị trường trong nước và quốc tế, liên quan tới tin đồn về rủi ro thanh khoản tại ngân hàng Credit Suisse hay các sự kiện gần đây của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trước đó, động thái tăng lãi suất của FED thêm 75 điểm cơ bản và dự báo suy thoái kinh tế Mỹ sẽ tới trong thời gian gần cũng khiến Ngân hàng Nhà nước phải nâng hầu hết các lãi suất điều hành chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư có xu hướng chuyển dịch về các kênh đầu tư có tính an toàn cao hơn như kênh tiền gửi. Vì vậy, dòng tiền thị trường đang có xu hướng thu hẹp hơn so với thời điểm trước đây.
Tâm lý thị trường có phần bất ổn trước những thông tin tiêu cực. Theo ông, liệu mốc hỗ trợ tâm lý có được giữ vững trong tuần tới ?
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường đầu tuần tới có thể sẽ là “thập diện mai phục” với hàng loạt yếu tố tiêu cực từ thị trường thế giới, thông tin xử lý sai phạm tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, những lo ngại về sự ổn định của các ngân hàng liên quan.
Bên cạnh đó, áp lực bán ký quỹ bắt buộc (Force Sell) cũng sẽ rất lớn. Theo đó, khi bối cảnh ngày càng xấu đi, các công ty chứng khoán chủ động giảm danh mục các mã cho vay, nâng tỷ lệ ký quỹ và xử lý kiên quyết hơn với các quyết định bán bắt buộc.
Trong ngắn hạn, thị trường đang trong trạng thái hoảng loạn. Thật khó để dự báo rằng thị trường sẽ rơi về đâu và sẽ tạo đáy khi nào, cá nhân tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư của mình quan sát và chỉ nên tham gia khi các rủi ro thực sự lắng xuống, không cố đoán đáy làm gì.
Tôi cho rằng, thị trường dù có những nhịp "nhúng" xuống nhưng vẫn sẽ kết tuần trên ngưỡng 1.000 điểm, sau đó khép lại tháng 10 và năm 2022 ở trên ngưỡng này. Vùng quanh 1.000 điểm có khối lượng tích lũy rất lớn và mang tính then chốt tiếp theo trong nhịp rơi này. Nếu xuyên thủng ngưỡng 1.000 điểm, vòng xoáy cắt lỗ và call margin tiếp theo sẽ được kích hoạt và khi đó, thị trường sẽ rơi vào trạng thái mất hoàn toàn niềm tin.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Về dự báo tuần sau, tôi cho rằng áp lực bán giải chấp có thể xuất hiện trong các phiên đầu tuần và VN-Index có thể tiếp tục giảm về quanh vùng 1.000 điểm, thậm chí thấp hơn nếu tâm lý bán mạnh của nhà đầu tư vẫn xuất hiện.
Tuy nhiên, tôi cũng kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ sớm xuất hiện và giúp chỉ số tìm lại các vùng cân bằng, do các thông tin ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư gần đây đã xuất hiện và diễn biến điểm số thị trường cuối tuần qua đã phản ánh một phần. Vì vậy, VN-Index có thể sẽ xuất hiện một vài phiên tăng giá vào những ngày cuối tuần tới.
Những phiên giảm sâu liên tiếp đưa VN-Index về gần mức 1.000 điểm, tương đương P/E trailing khoảng 11 lần. Mức định giá khá rẻ so với quá khứ, song có thực sự hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại?
Ông Đinh Quang Hinh: Đà giảm mạnh thời gian qua đã khiến định giá của chỉ số VN-Index rơi về mức P/E xấp xỉ 11 lần, gần tương đương với giai đoạn đáy Covid hay giai đoạn cuối 2012 (giai đoạn lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao).
Để so sánh giữa thời điểm hiện tại với các thời điểm đó là “khá khiên cưỡng”, tuy vậy sự so sánh cũng phần nào cho thấy đà giảm thị trường vừa qua đã có phần thái quá, chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như HPG hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần. Điều này là rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như COVID-19, hay giai đoạn đóng băng BĐS và nợ xấu cao (2011-2022).
Tuy vậy, ngay kể cả những giai đoạn đó, sau khi giảm điểm sâu thì thị trường thường chứng kiến những nhịp phục hồi mạnh. Điều này là do thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu và nhiều cổ phiếu về định giá rất hấp dẫn, kích hoạt lực cầu bắt đáy.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Quan sát định giá thị trường, VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E là 11,1 lần và P/B là 1,7 lần. Mức định giá này đang tiến gần về vùng trung bình 3 năm thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn và sát mức thấp nhất trong 30 tháng gần đây (P/E 10,2 lần và P/B 1,5 lần). Đặc biệt, tại nhóm VN30, trên 70% cổ phiếu đang được giao dịch tại mức P/B rẻ hơn so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19 và gần 50% doanh nghiệp đang có hiệu quả kinh doanh cải thiện cùng thời điểm.
Vì vậy, việc xác định vùng đáy của VN-Index sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Quan sát đồ thị kỹ thuật phiên cuối tuần qua, lực cầu bắt đáy mặc dù đã xuất hiện (thể hiện ở việc thanh khoản khớp lệnh cao hơn khoảng 30% so với trung bình 10 phiên), song chỉ số vẫn giảm khá sâu (gần 3,6%). Như vậy, hiện vùng đáy của chỉ số chưa được thiết lập và khả năng áp lực giảm giá vẫn có thể xuất hiện trong tuần tới.
Thị trường "chao đảo" vì những tin đồn, nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?
Ông Bùi Văn Huy: Thị trường hiện tại có phần kém tích cực bởi yếu tố tâm lý, sự thiếu thốn dòng diền và sự dịch chuyển của các dòng tiền lớn. Đối với vĩ mô Việt Nam, dù chịu nhiều áp lực, nhưng vẫn ổn định và được xem là điểm sáng trong khu vực. Chúng ta cũng thấy diễn biến các thị trường Đông Nam Á ra sao trong thời gian gần đây và nếu giải quyết được sự hẫng hụt dòng tiền, thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng diễn biến tương tự.
Riêng đối với thị trường chứng khoán, tôi cho rằng những gập gềnh trong chu kỳ này có thể chưa kết thúc và có thể kéo dài sang năm sau. Do đó tỷ trọng phân bổ của kênh chứng khoán chỉ nên ở một mức độ vừa phải. Còn hành động cụ thể, tùy thuộc vào vị thế của từng nhà đầu tư:
+ Với nhà đầu tư còn kẹp cổ phiếu, thận trọng nhưng không hoảng loạn. Hạn chế tối đa margin, đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn và loại bỏ các vị thế xấu, ảnh hưởng xấu bởi vĩ mô trong thời gian tới hoặc liên quan trực tiếp đến các thông tin tiêu cực.
+ Đối với nhà đầu tư dài hạn, mức định giá hiện tại đang trở nên hâp dẫn và với quan điểm không bi quan về nền kinh tế trong dài hạn, có thể mua vào với tỷ trọng nhỏ. Việc mua vào này không dựa trên việc cố đoán đáy ở đâu.
+ Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, trong lúc biến động như lúc này, nên đứng ngoài quan sát, chỉ khi đáy đã thực sự được tạo và bối cảnh được cải thiện mới nên tham gia, có thể trễ một chút nhưng an toàn.
Ông Đinh Quang Hinh: Trong bối cảnh thị trường đã giảm sâu liên tục trong thời gian qua và chỉ số VN- Index về gần mức 1.000 điểm, tương đương P/E trailing khoảng 11 lần (P/E forward 2022 dưới 10 lần), chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo ở thời điểm này. Nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó.
Việc bán ra ở thời điểm này chỉ nên thực hiện để hạ tỷ trọng đòn bẩy (margin) nhằm bảo vệ danh mục hoặc hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu tỷ trọng cổ phiếu ở mức quá cao (full cổ). Ngược lại, đối với những nhà đầu tư nắm giữ nhiều tiền mặt, nhịp giảm điểm mạnh thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu cơ bản với mức định giá rất hấp dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư giải ngân ở vùng này có thể thu được mức lợi nhuận hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Thị trường chứng khoán là thị trường phản ánh những kỳ vọng của nhà đầu tư, do đó những tin đồn đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình nhà đầu tư ra quyết định và tạo ra hiệu ứng đám đông.
Theo tôi, một tin đồn tích cực nhưng chưa được kiểm chứng có thể tạo ra xu hướng tăng giá bất thường của cổ phiếu, và trong trường hợp thông tin đó không chính xác, áp lực bán ồ ạt sẽ xuất hiện và hiện tượng trắng bên mua có thể xảy ra.
Ngược lại, khi một tin đồn không tích cực được công bố, thị trường có thể phản ứng quá đà do gia tăng mạnh áp lực bán, khiến nhà đầu tư rơi vào vị thế thua lỗ. Vì vậy, nhà đầu tư nên tỉnh táo và sàng lọc kỹ lưỡng các thông tin trước khi ra quyết định đầu tư để tránh ảnh hưởng tới danh mục.
Tôi cho rằng, với việc chỉ số đã chiết khấu tương đối sâu và định giá của nhiều cổ phiếu đang dần trở nên hấp dẫn hơn, nhà đầu tư không nên bán tháo trong giai đoạn này mà nên chờ đợi các nhịp tạo đáy của thị trường để tham gia giải ngân (đối với nhà đầu tư có sẵn tiền) hoặc trung bình giá (đối với nhà đầu tư có sẵn vị thế cổ phiếu).
Trong trường hợp giải ngân, nhà đầu tư cũng nên lưu ý lựa chọn các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt, tiềm lực tăng trưởng trong trung – dài hạn và đang được giao dịch với mức định giá hấp dẫn so với lịch sử để tham gia. Về tỷ trọng danh mục, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt lớn, tối thiểu 50% và không sử dụng margin trong giai đoạn này để giảm thiểu rủi ro.