Giữa khủng hoảng kinh tế, một quốc gia tìm thấy ‘kho báu’ khổng lồ, trữ lượng ước tính lớn thứ 4 thế giới, mở ra hy vọng thay đổi vận mệnh đất nước

Y Vân | 08:00 10/09/2024

Pakistan vừa phát hiện một mỏ dầu khí khổng lồ ngoài khơi thuộc vùng biển nước này, với trữ lượng ước tính lớn thứ 4 trên thế giới.

Giữa khủng hoảng kinh tế, một quốc gia tìm thấy ‘kho báu’ khổng lồ, trữ lượng ước tính lớn thứ 4 thế giới, mở ra hy vọng thay đổi vận mệnh đất nước

Pakistan vừa phát hiện một mỏ dầu khí khổng lồ, được kỳ vọng có thể thay đổi vận mệnh của đất nước đang chịu bất ổn kinh tế dai dẳng, kênh tin tức DawnNewsTV cho biết.

Đây là kết quả của một cuộc khảo sát kéo dài 3 năm nhằm thăm dò trữ lượng dầu khí tại vùng biển của Pakistan, DawnNewsTV dẫn lời 1 quan chức cho biết.

Các đề xuất đấu thầu và thăm dò đang được xem xét, đồng nghĩa với việc thăm dò có khả năng bắt đầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, vị quan chức này cho biết việc khoan và khai thác dầu có thể mất vài năm.

Một số ước tính cho thấy mỏ dầu khí này có trữ lượng lớn thứ 4 thế giới.

Trao đổi với DawnNewsTV, ông Muhammad Arif, nguyên ủy viên Cơ quan Quản lý Dầu khí Pakistan (OGRA), cho biết dù đây là tin tốt nhưng vẫn cần thận trọng vì trữ lượng có thể không lớn hoặc dễ khai thác như dự kiến.

Khi được hỏi liệu mỏ này có đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Pakistan hay không, ông Arif cho biết điều đó phụ thuộc vào quy mô và tốc độ sản xuất. Ông ước tính riêng việc thăm dò đã cần khoảng 5 tỷ USD và có thể mất 4-5 năm để khai thác ngoài khơi.

Năm 2023, Pakistan chi 17,5 tỷ USD nhập khẩu năng lượng. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi lên 31 tỷ USD trong 7 năm, theo báo cáo của Express Tribune. Hiện nay, nhập khẩu đáp ứng được 29% nhu cầu về khí đốt, 85% nhu cầu dầu, 20% nhu cầu than và 50% nhu cầu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Pakistan.

Vào tháng 1 năm nay, Pakistan đã kêu gọi cả nhà đầu tư trong và ngoài đầu tư 30 tỷ USD vào sản xuất khí đốt nhằm cắt giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu. Pakistan có 235 nghìn tỷ feet khối (tcf) trữ lượng khí đốt. Trong đó, 10% có thể được khai thác với khoản đầu tư từ 25-30 tỷ USD trong thập kỷ tới để đảo ngược tình trạng sản xuất khí đốt trên đà suy giảm và thay thế nguồn năng lượng nhập khẩu, Bộ trưởng Năng lượng Mohammad Ali tuyên bố.

Pakistan đang thiếu tiền mặt và phải đàm phán với các ngân hàng ở Trung Đông để vay khoảng 4 tỷ USD cho năm tài chính hiện tại.

Pakistan đã vay khoảng 20 tỷ USD nước ngoài cho ngân sách, chưa kể khoản vay riêng 3 tỷ USD từ UAE. Với số tiền này, dự trữ của Pakistan ước tính sẽ tăng lên khoảng 19-20 tỷ USD vào cuối năm tài chính này.

Tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết đã đạt được thỏa thuận cho Pakistan vay 7 tỷ USD trong 37 tháng nhằm giúp ổn định và thúc đẩy tăng trưởng tại quốc gia Nam Á này.

Tăng trưởng GDP của Pakistan đã không đạt được mục tiêu. Theo khảo sát kinh tế của chính phủ, kinh tế nước này ước tính tăng 2,4% trong năm tài chính 2024 kết thúc vào tháng 7, thấp hơn mục tiêu 3,5%. Ngân hàng Trung ương Pakistan gần đây đã cắt giảm lãi suất 1,5% để thúc đẩy nền kinh tế.

Lạm phát neo cao có thể đẩy Pakistan đến bờ vực thẳm. “Trong lịch sử Pakistan chưa từng có đợt lạm phát nào kéo dài và dữ dội như vậy”, chuyên gia kinh tế Khurram Husain nói với DawnNewsTV. Mặc dù lạm phát đã giảm từ mức đỉnh 38% vào tháng 5/2023 xuống còn 9,6% vào tháng 8/2024, hàng triệu người đã bị đẩy xuống dưới mức nghèo.

Theo Offshore Technology, The Economic Times


(0) Bình luận
Giữa khủng hoảng kinh tế, một quốc gia tìm thấy ‘kho báu’ khổng lồ, trữ lượng ước tính lớn thứ 4 thế giới, mở ra hy vọng thay đổi vận mệnh đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO