Với cương vị Tổng Giám đốc của Cốc Cốc, mục tiêu anh tham gia “Cơ hội cho ai” là gì?
Đến với chương trình, tôi hướng tới hai mục tiêu.
Mục tiêu đầu tiên là chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Cốc Cốc tới các ứng viên và đông đảo khán giả theo dõi chương trình. Tôi đến từ Pháp, nơi mà chúng tôi luôn mơ ước có một trình duyệt và công cụ tìm kiếm nội địa để có lựa chọn thay thế cho trình duyệt từ các tập đoàn toàn cầu. Nhưng cho đến nay, chưa có công ty nào thành công mặc dù nhận được rất nhiều nguồn đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ.
Việt Nam là một trong khoảng 10 quốc gia trên thế giới có đơn vị phát triển trình duyệt nội địa, chính là Cốc Cốc. Vì thế với tôi, Cốc Cốc thực sự có sức hút đặc biệt. Bởi như các bạn biết, trình duyệt được xem như cánh cửa đầu tiên giúp người dùng bước vào không gian mạng với vô số tài nguyên. Sự có mặt của Cốc Cốc không chỉ giúp người dùng Việt Nam thêm một lựa chọn, mà đồng thời còn trực tiếp tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần phá vỡ thế độc quyền của Google tại Việt Nam.
Xuất phát từ câu chuyện đó, tôi có mục tiêu thứ hai, đó là tìm kiếm nhân tài để tiếp tục góp sức phát triển Cốc Cốc - nền tảng số thuần Việt.
Đúng như tinh thần “dám nghĩ lớn, dám nghĩ khác biệt” của Cốc Cốc, chúng tôi không ngại thử những cách thức mới để tìm kiếm các tài năng về cống hiến. Tuyển dụng nhân sự qua một chương trình truyền hình cũng khác so với cách thức truyền thống mà chúng tôi vẫn làm. Các ứng viên tham gia “Cơ hội cho ai?” hẳn cũng sẽ đặc biệt hơn so với thông thường, vì quyết định lên sóng truyền hình để tìm kiếm một cơ hội việc làm đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Và điều đó chắc chắn không dành cho số đông.
Ứng viên phải đạt được yêu cầu nào mới “lọt vào mắt xanh” của anh nói riêng và Cốc Cốc nói chung?
Tôi không đặt ra mục tiêu về số lượng ứng viên, mà sẽ cân nhắc dựa trên mức độ phù hợp của từng ứng viên với mục tiêu chung của Cốc Cốc.
Một trong những kỳ vọng của chúng tôi là tìm được nhân sự làm marketing. Chúng tôi muốn có thêm những người cộng sự có khả năng lan tỏa câu chuyện thú vị của Cốc Cốc tốt hơn, ấn tượng hơn, thu hút nhiều hơn sự chú ý của người dùng tới các sản phẩm của chúng tôi.
Còn về tiêu chí, tôi sẽ ưu tiên dành cơ hội cho các bạn GenZ, với tư duy khác biệt và sẵn sàng “nổi loạn”.
Theo anh, tính sáng tạo hay chuyên nghiệp của một nhân viên là điều quan trọng hơn?
Tôi thấy cả hai đều quan trọng. Đây không phải là một lựa chọn và mức độ cần thiết cũng tùy thuộc vào từng vị trí công việc. Chuyên nghiệp là điều bắt buộc với các nhân sự làm việc tại Cốc Cốc, vì đó là một phần của văn hóa của chúng tôi. Ở Cốc Cốc, nhân viên được trao quyền tự chủ rất mạnh mẽ, và họ cần học cách làm việc chuyên nghiệp với các thành viên khác trong đội nhóm. Càng nhiều nhân sự giỏi, giàu kinh nghiệm thì càng cần chuyên nghiệp. Tóm lại, một ứng viên thiếu chuyên nghiệp sẽ không vượt qua các tiêu chí phù hợp văn hóa của chúng tôi, bất kể bạn ấy có thông minh đến mức nào, bởi vì bạn ấy sẽ không thể tạo ra đóng góp có giá trị, cũng như có khả năng tác động tiêu cực đến đồng đội.
Sáng tạo là tố chất quan trọng nhưng sẽ cần chuyển hóa thành các kỹ năng khác nhau tùy thuộc vào vị trí và tính chất chuyên môn. Đối với một kỹ sư phần mềm, sự sáng tạo nằm ở việc tìm ra các giải pháp thực tế cho các vấn đề khó khăn. Đối với một nhân viên marketing, sự sáng tạo lại thể hiện ở khả năng tạo ra rất nhiều ý tưởng đặc sắc, khiến Cốc Cốc trở nên nổi bật, đáng nhớ với người dùng…
Cốc Cốc là trình duyệt thuần Việt nhưng số lượng người dùng vẫn khá khiêm tốn so với Google. Theo anh, lý do vì đâu?
Cuộc cạnh tranh này thực sự rất khốc liệt. Nếu bạn theo dõi phiên tòa xét xử vụ kiện cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền đang diễn ra ở Mỹ, bạn sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về mức độ “thống trị” thị trường của Google nhằm hạn chế hoặc triệt tiêu cạnh tranh từ các đối thủ. Trên các thiết bị di động, họ kiểm soát nền tảng Android và có thỏa thuận với Apple cho iOS, khiến các đơn vị khác rất khó cạnh tranh. Về trung hạn và dài hạn, các đơn vị phát triển nền tảng như Cốc Cốc rất cần những quy định, hành lang pháp lý để có thể cạnh tranh công bằng, lành mạnh với Google - điều mà một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
Trong lúc đó, Cốc Cốc vẫn cần tìm một lối đi để cạnh tranh, và chúng tôi sẽ tập trung vào làm một sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng so với các tùy chọn mặc định, để người dùng Việt Nam có thêm lựa chọn, dần dần chuyển đổi.
Kỳ vọng về lượng người dùng của Cốc Cốc trong những năm tới thế nào?
Hiện tại, Cốc Cốc đang phục vụ hơn 29 triệu người dùng, giữ vững vị trí thứ hai tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm.
Chúng tôi luôn cố gắng phát triển người dùng theo 3 hướng.
Với trình duyệt trên máy tính (Desktop), chúng tôi đã có lượng người dùng đáng kể với rất nhiều người dùng sử dụng Cốc Cốc làm trình duyệt mặc định của họ, và con số đó vẫn đang không ngừng tăng trưởng. Chẳng có lý do gì để không sử dụng Cốc Cốc vì chúng tôi sử dụng chung nền tảng mã nguồn mở Chromium như tất cả các trình duyệt, cùng với đó phát triển và tích hợp thêm các tính năng đặc trưng, phù hợp với thói quen và nhu cầu của người dùng Việt Nam. Với những yếu tố đó, chúng tôi tự tin luôn mang lại trải nghiệm và giá trị tốt nhất cho người dùng Việt Nam.
Với phiên bản trình duyệt trên điện thoại di động (Mobile), chúng tôi đang tìm cách vượt qua các thách thức vì thực tế Google vẫn đang chiếm thế độc quyền phân phối. Song cơ bản vẫn giữ chiến thuật và mục tiêu xây dựng một trình duyệt tốt hơn cho người Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang thử nghiệm đưa trình duyệt lên các nền tảng mới như tivi (TV) mà cụ thể là phiên bản trình duyệt trên Android TV mới ra mắt năm nay, với mục tiêu đem đến một tiện ích thay thế có giá trị cho người dùng.
Với dân số hơn 100 triệu người, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam vừa là sân nhà, vừa là thị trường đầy tiềm năng để tiếp tục khai thác. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục vụ khoảng 50 triệu người dùng trên nền tảng Cốc Cốc.
Anh cho rằng Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới?
Việt Nam chắc chắn đang giữ một vị trí trên bản đồ công nghệ thế giới, xét về năng lực của đội ngũ kỹ sư. Vì vậy, có rất nhiều công ty nổi tiếng về outsourcing (thuê ngoài) dịch vụ công nghệ, hay các tập đoàn quy mô khu vực hoặc toàn cầu đã thiết lập các trung tâm công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các công ty làm sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh ở thị trường Việt Nam hoặc nước ngoài vẫn còn rất hạn chế.
Cứ theo đuổi đam mê, tiền sẽ tự chảy vào túi. Đây có phải là lời khuyên đúng đắn, theo anh?
Tôi nghĩ đây là lời khuyên đúng đắn. Lời khuyên thiết thực hơn là bạn đừng nên chỉ chạy theo đồng tiền. Để trở nên xuất sắc và thành công, bạn nhất định cần chăm chỉ và kiên trì làm việc, theo đuổi một mục tiêu trong một thời gian dài. Nếu bạn yêu thích và thực sự giỏi trong lĩnh vực đó, tiền sẽ tự khắc đến với bạn. Nhưng nếu bạn không thích việc bạn đang làm, bạn sẽ khó có thể duy trì công việc, và thậm chí sẽ bỏ cuộc ngay khi vấp phải thử thách đầu tiên.
Anh có từng đối diện với thất bại trong nghề? Bài học nào mà anh luôn tự nhắc mình phải ghi nhớ thật kỹ, không được mắc sai lầm?
Tất nhiên, tôi đã từng thất bại. Có lẽ phần lớn các thất bại của tôi từng trải qua liên quan đến việc tuyển và dùng người. Việc này thực sự rất khó, vừa là khoa học nhưng cũng là nghệ thuật. Phỏng vấn tuyển dụng là một việc không dễ dàng. Bạn sẽ chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để đánh giá khả năng thành công của một ứng viên khi làm việc ở vị trí ứng tuyển, và sau đó đưa ra quyết định.
Để giảm bớt những sai lầm đáng tiếc, chúng tôi đang cố gắng tạo ra nhiều cơ hội nhất có thể cho ứng viên thể hiện năng lực thông qua các bài kiểm tra ở nhiều mức độ. Điều này cũng giúp chúng tôi dự đoán tốt nhất mức độ phù hợp và hiệu suất của nhân sự trong tương lai.
Với các vị trí nhân sự chủ chốt trong công ty, tôi sẽ trực tiếp “nhảy” vào vị trí đó, quan sát thật, làm thật, để hiểu rõ về những đòi hỏi thực tế đang đặt ra. Từ đó, tôi có thể xác định rõ điều mà tôi cần tìm kiếm ở các ứng viên.
Một điều nữa là tôi thuộc tuýp người lạc quan. Tôi có xu hướng luôn tin tưởng mọi người sẽ làm điều đúng đắn. Và thực tế thì đã vài lần niềm tin ấy phản tác dụng và cho tôi bài học đắt giá. Vậy nên, giờ tôi luôn cố gắng ý thức được những thiên kiến của mình để cân bằng hơn trong các quyết định.
Ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của anh?
Với tôi, đó là Bill Gates. Khả năng lãnh đạo cùng sự nghiệp của Bill Gates tại Microsoft, các hoạt động từ thiện cũng như những cuốn sách mà ông ấy chia sẻ thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Tôi chưa từng có cơ hội gặp vị tỷ phú này, nên sức ảnh hưởng của ông ấy hoàn toàn đến từ những điều tôi từng đọc và những cuốn sách mà ông ấy gợi ý trên trang web cá nhân. Tôi đặc biệt khuyên các bạn trẻ nên dành thời gian đọc những tư liệu đó, vì chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy nhiều giá trị đặc biệt cho con đường phát triển bản thân.
Tôi luôn thấy yêu văn hóa Việt Nam và muốn gắn bó, đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!