Giới startup chuyển sang vay nợ để tồn tại khi các nhà đầu tư không còn dễ dãi xuống tiền

Vân Đàm | 22:41 13/09/2022

Để duy trì hoạt động khi không thể gọi vốn, các startup chuyển sang vay nợ.

Giới startup chuyển sang vay nợ để tồn tại khi các nhà đầu tư không còn dễ dãi xuống tiền

Các nhà đầu tư mạo hiểm đã dành nhiều năm qua tích cực mua vào cổ phần của các startup công nghệ vốn chỉ biết “đốt tiền”. Ước tính trong số đó, có khoảng hơn 1.000 công ty được định giá 1 tỷ USD trở lên dù rất nhiều còn rất lâu mới có lãi.

Giờ đây, trong bối cảnh giá cổ phiếu của một số công ty đã niêm yết thấp dù trước đây đều là các startup đình đám đã làm mờ đi triển vọng của các startup đang chuẩn bị IPO. Điều này khiến các nhà đầu tư mạo hiểm chậm xuống tiền. Kết quả là các công ty khởi nghiệp gánh số nợ ngày càng lớn.

Nợ vẫn là một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng tỷ lệ đang tăng lên. Với lãi suất thấp, cho vay mạo hiểm đang tăng đáng kể trong vài năm qua, theo dữ liệu từ PitchBook Data, Inc. Khối lượng tiền cho vay mạo hiểm tại Mỹ đạt 17,1 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2022, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư mạo hiểm giảm 8% so với cùng kỳ xuống còn 147,7 tỷ USD.

Trong cơn sốt khởi nghiệp của khoảng 1 thập kỷ trước, sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư mạo hiểm đã mang lại cho các công ty khởi nghiệp số tiền lớn hơn bao giờ hết thông qua các giao dịch, với các điều khoản ngày càng dễ dãi.

Scott Bluestein, giám đốc điều hành của một công ty cho biết điều này đã khiến các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng ít tiếp thu những lời chào mời từ các công ty cho vay như Hercules Capital Inc. Ông nói: “Những công ty đó hiện đang liên lạc lại. Nếu thị trường đi lên, họ sẽ không bao giờ nói chuyện với chúng tôi". Hercules cam kết cho vay 1,66 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Các công ty khởi nghiệp hiện cũng phải thay đổi chiến lược khi việc định giá không còn dễ dàng như vậy. Fractory Ltd., một công ty có trụ sở tại Estonia cung cấp dịch vụ sản xuất theo yêu cầu, đã huy động vốn đầu tư khoảng 7,5 triệu euro (khoảng 9 triệu USD vào thời điểm đó) vào mùa thu năm ngoái. Mùa hè này, họ đã tăng thêm 4 triệu euro nợ từ Kreos Capital.

Martin Vares, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết kế hoạch này là sử dụng nguồn vốn mới để phát triển, cho phép Fractory huy động tiền với mức định giá cao hơn trong vòng gọi vốn tiếp theo. Ông nói: “Khi đã đặt ra các kế hoạch của mình và bạn biết mình có thể đạt được chúng, tất cả những gì bạn cần là thêm một ít tiền mặt thì một khoản vay nợ mạo hiểm đối với người sáng lập, đối với một công ty, sẽ rẻ hơn. Bạn sẽ không phải cho đi một phần công ty của mình”.

Các công ty tài chính lớn đang mở rộng sang cho vay mạo hiểm để đáp ứng với thị trường đang thay đổi. Blackstone Inc. dự kiến ​​sẽ cho các công ty tăng trưởng vay 2 tỷ USD trong vài năm tới.

Dẫu vậy, nợ luôn đi kèm với chi phí và rủi ro riêng. Các công ty khởi nghiệp thường xuyên thất bại, khiến các nhà đầu tư chao đảo. Không giống như đầu tư cổ phần, nợ thường đi kèm với yêu cầu thanh toán thường xuyên và các công ty khởi nghiệp từng gây ồn ào như trang tin tức công nghệ GigaOm và nhà sản xuất máy chơi game Ouya Inc. đã đổ lỗi cho nợ là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của họ.

Một nhà đầu tư tại một công ty mạo hiểm lớn có trụ sở ở Thung lũng Silicon nói rằng nhiều công ty trong danh mục đầu tư của ông đang tìm kiếm các khoản vay mới, bất chấp những cảnh báo về việc lãi suất tăng và các rủi ro khác. “Tôi chưa bao giờ thấy khoản nợ mạo hiểm nào cứu được một công ty”.

Về phần mình, các nhà đầu tư thường ít rủi ro hơn khi cho vay tiền thay vì nhận vốn cổ phần trong các công ty khởi nghiệp.

Trong trường hợp tốt nhất, nợ có thể giúp ổn định các công ty có triển vọng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. OneLogin, một công ty khởi nghiệp đã phải vật lộn để giành được khách hàng sau một vi phạm bảo mật nghiêm trọng. Thời điểm đó là năm 2017 và mặc dù thị trường mạo hiểm rất nóng, những nhà đầu tư vào OneLogin vẫn không quan tâm đến việc giải cứu nó.

Công ty chỉ còn lại lượng tiền mặt đủ dùng trong 5 tháng khi Brad Brooks gia nhập vị trí Giám đốc điều hành vào năm đó. Ông này đã quyết định vay 26 triệu USD trong một thỏa thuận mà ông nói yêu cầu OneLogin đạt được các mốc hiệu suất liên quan đến doanh thu định kỳ hàng năm và số dư tiền mặt, điều này đã thúc đẩy các cuộc trò chuyện “hợp lý” hơn ở cấp hội đồng quản trị. OneLogin sau đó đã lấy lại được chỗ đứng của mình và cuối cùng được một công ty con của Quest Software mua lại với giá ước tính 500 triệu USD.

Sự suy thoái của năm nay có khả năng áp đặt kỷ luật tương tự đối với một loạt các công ty khởi nghiệp. Nhưng một số nhà đầu tư lo lắng rằng thị trường nợ ngày càng tăng cho các công ty khởi nghiệp có thể khiến họ tiếp tục trượt dài.

Nguồn: Bloomberg BusinessWeek

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giới startup chuyển sang vay nợ để tồn tại khi các nhà đầu tư không còn dễ dãi xuống tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO