"Giấy thông hành" quan trọng của PVCFC
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – mã chứng khoán: DCM) vừa được Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc cấp Chứng chỉ Level One (Cấp độ 1) cho xuất khẩu phân bón hàng rời (Bulk In-Ship Fertiliser). Đây là mức đánh giá cao nhất trong hệ thống quản lý nhập khẩu phân bón vô cơ của Úc.
Chứng chỉ được cấp sau đợt đánh giá thực địa vào tháng 3/2025, thể hiện sự công nhận toàn diện với sản phẩm Urê hạt đục Cà Mau – từ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, điều kiện hạ tầng, đến năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng hiện đại và bền vững.
Chứng chỉ Cấp độ 1 là "giấy thông hành" quan trọng, giúp hàng hóa của PVCFC được miễn kiểm tra tại cảng đến ở Úc – tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao tính cạnh tranh. Đặc biệt, sản phẩm Urê Cà Mau còn được đưa vào nhóm nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn cao nhất, cho phép bán với giá cao nhất trên thị trường Úc, đồng thời đẩy nhanh quy trình thông quan.
Việc đạt chứng chỉ này giúp PVCFC mở rộng cơ hội hợp tác lâu dài với các đối tác nông nghiệp quy mô lớn tại Úc và khu vực châu Đại Dương, đồng thời khẳng định vị thế sản phẩm Urê Cà Mau ở phân khúc cao cấp quốc tế. Tính đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Phân bón Cà Mau đã có mặt tại gần 20 quốc gia.

Nhà máy Đạm Cà Mau
Trước đó, vào tháng 4/2024, PVCFC là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được Úc cấp phép xuất khẩu phân bón, tạo tiền đề quan trọng cho chiến lược mở rộng thị trường toàn cầu.
PVCFC hiện là doanh nghiệp duy nhất trong ngành sản xuất – kinh doanh phân bón Việt Nam (tính đến 2024) đạt chứng chỉ "Level Two System Status" tại Úc và đến năm 2025 đã được nâng hạng lên Level One (Cấp độ 1).
PVCFC là doanh nghiệp có chức năng, ngành nghề kinh doanh chính về: Sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón, hóa chất dầu khí, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, PVCFC hiện là thương hiệu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón trên cả nước.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo công bố của PVCFC, trong 5 tháng đầu năm 2025, PVCFC ước đạt doanh thu 5.962 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 719 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024.

Lô Phân bón Cà Mau được xuất khẩu đi Úc.
Việt Nam thu hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu phân bón
Phân bón là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 600.835 tấn, trị giá 225,38 triệu USD, giá trung bình 375,1 USD/tấn, tăng 20,2% về lượng, tăng 8,5% về kim ngạch nhưng giảm 9,8% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia, chiếm 23,6% về lượng và chiếm 19,2% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu phân bón của cả nước. Giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng này là 304,8 USD/tấn; tăng 36,8% về lượng, tăng 1,6% về trị giá nhưng giảm 25,7% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc đạt 83.804 tấn, trị giá 33,54 triệu USD, giá trung bình 400,2 USD/tấn; tăng 21,6% về lượng, tăng 15,9% về kim ngạch nhưng giảm 4,6% về giá. Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 45.138 tấn, trị giá 17,9 triệu USD, giá trung bình 396,6 USD/tấn; tăng 40,6% về lượng, tăng 63,4% về kim ngạch và tăng 16,2% về giá.
Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang Lào tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng 143,3% về lượng, tăng 299,8% về kim ngạch, đạt 20.027 tấn, trị giá 7,02 triệu USD. Xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng mạnh trên 102% cả về lượng và kim ngạch, đạt 27.094 tấn, trị giá 11,47 riệu USD.

Bên cạnh xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập khẩu mặt hàng này phục vụ nhu cầu trong nước. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu phân bón đạt 1,35 triệu tấn, trị giá trên 430,27 triệu USD, giá trung bình 318,8 USD/tấn, tăng 20,5% về lượng, tăng 22,3% về kim ngạch và tăng 1,5% về giá so với 3 tháng đầu năm 2024.
Nhận định về thị trường phân bón của Việt Nam, các chuyên gia đánh giá, năm 2025, thị trường có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn. Xu hướng này phản ánh sự cải thiện trong quản lý nguồn cung và hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam.