Giống như nhiều doanh nghiệp lớn, trong quá khứ, VNG từng có 2 đợt ESOP ưu đãi cho nhân viên.
Lần đầu tiên, theo thông tin công bố từ VNG, công ty này có chương trình cổ phiếu cho nhân viên lần II (ESOP II) cho phép nhân viên được mua cổ phiếu với giá 20.000 VNĐ/cổ phiếu. Tổng số quyền mua cổ phiếu là 3.551.232 và được cấp đến hết năm 2018.
Quyền mua đến hạn thực hiện hàng năm trong vòng 5 năm, tính từ ngày cấp đầu tiên. Các quyền mua được cấp sau ngày 28/05/2015 được thực hiện trong vòng 3-4 năm kể từ ngày cấp đầu tiên.
ESOP II có 2 điều khoản thực hiện:
- Với mỗi 12 tháng kể từ ngày cấp quyền, nhân viên được phép thực hiện 20% tổng số quyền mua cổ phần được cấp. Đối với quyền mua được cấp sau ngày 28/05/2015, tỷ lệ này là 33,33% (hoặc 25% trong trường hợp đặc biệt).
- Quyền mua cổ phần được thực hiện mỗi năm hai đợt từ ngày 1/1 -30/1 và từ ngày 1/7 -30/7 hàng năm. Quyền mua cổ phần đã phát sinh trong một năm chỉ được thực hiện trong đợt thực hiện quyền tương ứng của năm đó. Quá thời hạn trên, toàn bộ quyền mua cổ phần chưa được thực hiện sẽ bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, quyền chọn mua sẽ bị hủy bỏ nếu điều kiện đã cam kết không đạt được. Chính sách sẽ thay đổi tùy từng thời điểm phụ thuộc vào quyết định của công ty.
Sau ESOP II, VNG có chương trình ESOP III, cho phép nhân viên có quyền mua cổ phiếu với giá 30.000 VNĐ/cổ phiếu. Theo đó, tổng số quyền mua cổ phiếu là 2.921.832 và được cấp từ tháng 7/2018 đến hết năm 2023.
Quyền mua đến hạn thực hiện hàng năm trong vòng 3 hoặc 4 năm, tính từ ngày cấp đầu tiên.
Các điều khoản thực hiện của ESOP III tương tự ESOP II.
Với diễn biến tăng giá kịch trần liên tiếp 10 phiên của cổ phiếu VNZ sau khi lên sàn như những ngày vừa qua, ngoài ông Lê Hồng Minh, CEO và là cổ đông lớn sở hữu hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ, những cán bộ nhân viên làm việc tại công ty này được mua cổ phiếu ESOP II, III đã nhân được giá trị tài sản của mình tới 68 lần khi giá cổ phiếu này đã chạm mốc 1.358.700 VNĐ/cp ngày 15/02/2023.