Giải mã việc Trung Quốc mở cửa nhưng khách chưa về và gỡ nút thắt để ngành du lịch tiếp tục là “mũi nhọn’’

Hoàng An | 09:03 15/06/2023

Đầu năm 2022, lãnh đạo Vietravel từng nhận định Covid-19 kéo Vietravel đi lùi 14 năm. Nhưng hiện giờ, Vietravel đã và đang từng bước phục hồi vì nắm bắt cơ hội rất nhanh khi tình hình thay đổi.

Giải mã việc Trung Quốc mở cửa nhưng khách chưa về và gỡ nút thắt để ngành du lịch tiếp tục là “mũi nhọn’’

Ông Trần Đoàn Thế Duy đã làm việc tại Vietravel kể từ năm 1997 đến nay. Từ nhân viên thử việc, sau đó trải qua rất nhiều vị trí, ông được giao trọng trách quản lý và trở thành Phó Tổng giám đốc vào năm 2014. Ngay trong dịch Covid-19, ông Duy được bổ nhiệm vị trí quyền Tổng giám đốc và sau đó là Tổng giám đốc.

tvl-title-1.jpg

Trung Quốc mở cửa được kỳ vọng sẽ là cơ hội để du lịch phục hồi mạnh mẽ, nhưng thống kê cho thấy, trong quý 1/2023, những điểm du lịch vốn được khách Trung Quốc ưa chuộng, hiện nay lại chưa phục hồi được như kỳ vọng, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo ông, lý do cho việc này là gì? 

Đây là khó khăn chung đối với tất cả các điểm du lịch đang chờ đợi khách Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Rõ ràng, đây là thị trường lớn nhất ngay từ trước dịch.

Từ tháng 1/2023, Trung Quốc đã mở cửa, nhưng nếu nhớ lại, ta sẽ thấy Trung Quốc mở cửa có trật tự, chứ không mở ồ ạt, mà chia theo từng giai đoạn với từng nhóm nước.  Với việc mở cửa từng giai đoạn như vậy, sau một thời gian dài đóng cửa, vấn đề đầu tiên mà du lịch gặp phải là giá vé máy bay quá cao, vì nhu cầu tăng cao trong khi số lượng chuyến bay lại chưa hồi phục. 

tvl-quote-1.jpg

Thứ hai, khi Trung Quốc mở cửa, dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Ở một số nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải… vẫn còn dịch nên các nước có chính sách yêu cầu Trung Quốc phải kiểm dịch trước khi nhập cảnh. Các biện pháp phòng chống dịch đó cũng gây ảnh hưởng đến dòng khách.

Thứ ba là nút thắt về chính sách visa. Thứ tư, sau giai đoạn mở cửa thì nhu cầu du lịch còn ít, nếu có thì sẽ ưu tiên du lịch trong nước trước, vì thuận lợi hơn nhiều.

4 yếu tố này đã khiến dòng khách Trung Quốc giai đoạn vừa qua chưa được như kỳ vọng. 

Riêng đối với Việt Nam thì đến 15/3 mới được đón khách theo đoàn. Sau đó còn mất thời gian để các cơ quan chuẩn bị các khâu đón tiếp, chính sách visa… thì đến đầu tháng 4 mới bắt đầu có khách Trung Quốc vào Việt Nam, cũng là một lý do dẫn đến con số thống kê khách Trung Quốc vào Việt Nam thấp trong quý 1.

Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều vào dòng khách Trung Quốc ở các quý còn lại của năm hay không?

Sắp tới khi các chuyến bay tăng lên, giá vé giảm xuống tương đương mức trước dịch, cùng với các nút thắt về chính sách khác được giải quyết thì dòng khách  sẽ dần phục hồi. Và du lịch trong nước nhiều rồi thì rồi khách Trung Quốc cũng sẽ hướng đến du lịch nước ngoài thôi. Chắc chắn là chúng ta có kỳ vọng, nhưng câu chuyện không phải là Trung Quốc mở cửa thì khách sẽ ào ạt đổ về.

tvl-title-2.jpg

Sau dịch, ngành du lịch Thái Lan được đánh giá là đang phục hồi rất mạnh mẽ, trong khi đó, du lịch Việt Nam dù có tăng nhiệt nhưng chưa thể bùng nổ. Riêng về khách Trung Quốc, nếu Thái Lan đã đón được 1 triệu thì Việt Nam mới chỉ gần 300.000. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra, ngay từ trước dịch thì Việt Nam đã không phải đối thủ ngang tầm của Thái Lan rồi, nhất là trong việc thu hút khách Trung Quốc. Từ trước dịch, Việt Nam đón đâu đó hơn 5 triệu khách Trung Quốc, trong khi Thái Lan là hơn 11 triệu. Nên sau dịch, việc Thái Lan phục hồi tốt hơn cũng không phải chuyện quá lạ.

Thái Lan có thị trường sẵn, có khách hàng sẵn. Khách đã đi Thái Lan trước dịch rồi thì họ cũng dễ quay lại hơn, là thứ nhất. 

Thứ hai, là Việt Nam mở cửa trước, nhưng chính sách visa vẫn còn tồn tại vấn đề, chưa thuận lợi bằng Thái Lan. Số nước mà Thái Lan miễn visa đang nhiều hơn Việt Nam. Visa on arrival (thị thực nhập cảnh) cũng đang dễ dàng hơn. Vấn đề này khi đi xúc tiến thương mại ở các nước, chúng tôi cũng đã đề cập nhiều. Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng kết hợp với đại sứ quán một số nước để xúc tiến du lịch, thì khi so sánh, Thái Lan miễn visa cho các nước này, hoặc áp dụng visa on arrival, trong khi Việt Nam thì chưa.

Không như các nước châu Âu, thường có plan du lịch dài ngày, thì hầu hết các nước châu Á, plan du lịch rất ngắn, các chuyến đi có tính đột xuất rất cao. Với nhu cầu như vậy thì chính sách visa của Việt Nam là chưa thuận lợi.

tvl-quote-2.jpg

Thứ ba, rõ ràng, chuyến bay quốc tế kết nối đến Bangkok, Phuket và các thành phố lớn của Thái Lan đang nhiều hơn Việt Nam rất nhiều. Trừ một tỷ lệ rất nhỏ đi du lịch bằng đường bộ, đường thuỷ thì đa số du khách đi đường hàng không, nên hàng không mà chưa phát triển thì cơ hội mang khách đến cũng thấp đi.

Thứ tư, về sản phẩm du lịch và dịch vụ, Thái Lan cũng đa dạng hơn, đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của khách quốc tế, từ du lịch bụi, du lịch thám hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí ban đêm… cũng đều phong phú.

Về giá cả, du lịch ở Thái Lan cũng rất cạnh tranh. Ngành du lịch của họ có sự liên kết chặt chẽ thành một khối, từ đó cung cấp cho các công ty du lịch nước ngoài, trong đó có Việt Nam, giá rất tốt.

Cuối cùng là công tác quảng bá xúc tiến của Thái Lan rất tốt. Ngay khi chưa mở cửa, Thái Lan vẫn duy trì chiến dịch xúc tiến ở nước, có nhiều chương trình để quảng bá. 

Với tất cả những điều này, Thái Lan trước dịch đã mạnh rồi, sau dịch lại càng dễ dàng phục hồi hơn.

Nếu soi chiếu những điều mà Thái Lan đã làm được sang Việt Nam, theo ông, vấn đề nào mà chúng ta cần phải cải thiện trước hết?

Nếu sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, theo tôi vấn đề có hai vấn đề cần giải quyết trước tiên là visa và chuyến bay. Visa phải thuận lợi và chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải nhiều, giá vé phải hợp lý. 

Những yếu tố khác thì vẫn phải cải thiện song song, vì chẳng hạn nếu tạo điều kiện visa, chuyến bay nhưng không truyền thông, không quảng bá xúc tiến thì cũng không hiệu quả.

tvl-title-3.jpg

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực từ các yếu tố bên ngoài, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vietravel đánh giá ra sao về triển vọng cuối năm? 

Bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn đang là màu xám. Số liệu đã cho thấy điều này. Với Vietravel, tinh thần của chúng tôi là lạc quan trong thận trọng.

Du lịch vẫn là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Có khó khăn thì người dân cũng dành một phần ngân sách cho du lịch. Họ thắt chặt chi tiêu, nhưng không đánh mất nhu cầu đó, điều này đã thể hiện rõ cả ở thời điểm trước dịch, trong dịch và sau dịch. 

Ở Vietravel, chúng tôi chia khách thành hai đối tượng, khách lẻ (cá nhân, nhóm nhỏ gia đình, bạn bè) và khách hàng doanh nghiệp. 

Đối tượng thứ hai, khách hàng doanh nghiệp có lẽ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu, có thể ảnh hưởng đến chính sách phúc lợi của doanh nghiệp, trong đó có chi phí cho nhân viên đi du lịch.

Còn với nhóm khách lẻ, tôi cho rằng ảnh hưởng với nhóm khách này có nhưng nhẹ hơn. Nên trong 6 tháng đầu năm chúng tôi cũng đặt kỳ vọng cao hơn vào nhóm này, và đã xây dựng lại các chương trình, giá dịch vụ phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Để đón khách nội địa và cả khách quốc tế trở lại, Vietravel đã chuẩn bị thế nào? 

Thứ nhất là chuẩn bị về nhân sự. 

3 năm ngành du lịch gần như tê liệt, chắc chắn không có lao động nào đủ kiên nhẫn để ngồi chờ, họ phải tìm công việc khác để mưu sinh. Tuy nhiên, với Vietravel, dù doanh thu không có, nhưng việc làm truyền thông, tổ chức các chương trình hỗ trợ chống dịch của chúng tôi vẫn được thực hiện. Lý do là để duy trì được vị trí của thương hiệu, để tạo niềm tin chính bản thân mình, và tạo niềm tin cho cán bộ công nhân viên nhìn vào.

3-1-1-.jpg

Chính nhờ thế mà khi mở cửa, anh em cán bộ nhân viên trở lại, lập tức bắt tay vào công việc, tỷ lệ lao động nghỉ trong dịch và sau đó nghỉ luôn chỉ dưới 10%.

tvl-quote-3.jpg

Thứ hai là về dịch vụ, chúng tôi cố gắng duy trì được giá cả ổn định dù trong thời kỳ cao điểm. Một năm chúng tôi xác định có vài thời kỳ du lịch cao điểm, luôn luôn có sự tính toán trước và làm việc với các hãng hàng không, các cơ sở lưu trú, khách sạn ở các điểm đến trong nước, nước ngoài để giữ trước các dịch vụ này. Vào lúc cao điểm, giá thường có xu hướng tăng cao, nhưng với việc giữ trước đó, giá sẽ tăng ở mức chấp nhận được, vẫn phù hợp với túi tiền của du khách.

tvl-title-4.jpg

Sau dịch, ngành du lịch được kêu gọi tiếp tục "sứ mệnh" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực sản xuất công nghiệp đang gặp khó. Vậy ông nghĩ sao về vai trò của du lịch với kinh tế nói chung trong bối cảnh hiện tại ?

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Đóng góp của ngành không chỉ được tính bằng doanh thu sản phẩm du lịch như vé máy bay, khách sạn… mà còn thông qua việc gián tiếp thúc đẩy các dịch vụ đi kèm, các ngành khác trong xã hội và tạo ra tác động lớn hơn nhiều.

Việt Nam cũng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn ngay từ trước dịch. Đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp sản xuất và các ngành dịch vụ khác đang gặp khó khăn như vậy, rõ ràng, đóng góp của ngành du lịch sẽ là rất quan trọng đối với kinh tế các địa phương và kinh tế cả nước.

Với kỳ vọng đó thì các doanh nghiệp du lịch như Vietravel sẽ cần được hỗ trợ ra sao để đóng góp cho nền kinh tế?

Đầu tiên, doanh nghiệp du lịch như Vietravel, muốn đóng góp được cho nền kinh tế, thì phải dựa vào bối cảnh chung. Việt Nam cần có các chính sách làm thông thoáng để thu hút khách du lịch, như visa, chuyến bay, truyền thông xúc tiến. 

tvl-quote-4.jpg

Visa là một trong những nút thắt rất quan trọng của ngành du lịch. Nếu nói về một ước mơ của tôi trong 26 năm làm ngành này, thì ngay từ những ngày đầu làm du lịch outbound, thấy người Việt xin visa đi các nước rất khó, tôi chỉ mong muốn làm sao khách du lịch Việt Nam có thể dễ dàng đi du lịch nước ngoài. 

Nói thì đơn giản nhưng điều đó đòi hỏi sự nỗ lực lớn, kinh tế Việt Nam phải phát triển, và ngược lại Việt Nam phải thu hút được nhiều khách quốc tế hơn để trở thành đối trọng của các thị trường du lịch khác.

Mặt khác, với việc doanh nghiệp du lịch cũng đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề trong đại dịch, khi quay trở lại cũng như người mới ốm dậy, còn yếu, thì cần được hỗ trợ về tài chính, bằng các cơ chế để tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Trong một bài phỏng vấn hồi đầu năm 2022, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định Covid-19 kéo Vietravel đi lùi 14 năm và phải 4 năm nữa mới khoẻ hẳn (tức là năm 2026). Với tình hình hiện tại, theo ông khi nào là thời điểm Vietravel phục hồi hoàn toàn?

Đúng là thời điểm anh Kỳ trả lời, tình hình thực sự khó khăn, nhưng Vietravel nắm bắt cơ hội rất nhanh khi tình hình thay đổi. Theo tôi, thời điểm phục hồi hoàn toàn sẽ sớm hơn 2 năm so với dự báo của anh Kỳ, tức là năm 2024 sẽ phục hồi hẳn. 

Năm 2022, doanh thu thực hiện của Vietravel tương đương 60% so với năm 2019. Năm 2023 mục tiêu là về con số 90% trước dịch và nếu như đạt được thì chắc chắn năm 2024 sẽ vượt năm 2019. Cùng với đó, chúng tôi cũng hy vọng có thể phục hồi hoàn toàn các chi nhánh, văn phòng trên cả nước, và tiếp tục mở rộng hệ thống quốc tế.

Cảm ơn ông!

Bài: Hoàng An - Thiết kế: Hải An


(0) Bình luận
Giải mã việc Trung Quốc mở cửa nhưng khách chưa về và gỡ nút thắt để ngành du lịch tiếp tục là “mũi nhọn’’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO