Giải bài toán “không có gì để mặc” – “Tủ đồ trên mây” Rent the Runway trở thành kỳ lân tỷ đô, tồn tại bất chấp Covid-19

Thanh Sang | 14:25 12/01/2023

Chỉ với 99 USD mỗi tháng, người dùng có thể thuê 4 bộ đồ “xa xỉ” để tham gia sự kiện, tính ra chỉ 25 USD cho một lần tự tin sống ảo mà không lo lãng phí.

Giải bài toán “không có gì để mặc” – “Tủ đồ trên mây” Rent the Runway trở thành kỳ lân tỷ đô, tồn tại bất chấp Covid-19

"Người yêu tôi không có gì để mặc"

Bài hát trên diễn tả cơn đau đầu của hầu hết phụ nữ hiện đại. Những chiếc váy đã được thêm vào giỏ hàng từ lâu nhưng vẫn chưa được "chốt", không phải vì họ không có tiền, mà vì họ không muốn chi một khoản tiền lớn nhưng chỉ mặc được vài lần.

Hai sinh viên Harvard, Jennifer Hyman và Jennifer Fleiss, nảy ra ý tưởng Rent The Runway (RTR) sau những buổi "đau đầu" như thế. Được thành lập tại Mỹ vào năm 2009, cho đến nay, RTR đã trở thành một kỳ lân khởi nghiệp, cung cấp sản phẩm thời trang cao cấp theo tháng.

Mô hình của RTR có thể tóm gọn như sau: "Khách hàng có thể thuê bốn món đồ mỗi tháng từ hơn 500 nhà thiết kế với giá chỉ 99 USD/ tháng, hay nói cách khác, Rent the Runway cho phép khách hàng sử dụng những món đồ xa xỉ với giá chưa tới 25 USD/ một món!"

RTR chủ yếu cung cấp sản phẩm thời trang xa xỉ nữ, nhưng hiện mở rộng sang cung quần áo trẻ em và nội thất. Để chọn sản phẩm ưa thích, người tiêu dùng có thể sử dụng nhiều bộ lọc hỗ trợ (từ kiểu dáng, màu sắc, cho đến loại sự kiện…) trên trang web hoặc ứng dụng của RTR.

Sau khi đăng ký và "chốt đơn", khách hàng có thể tùy chọn nhận hàng tại cửa hàng RTR hoặc nhận tại nhà riêng.

5 năm sau khi thành lập, RTR đã thu hút hơn 5 triệu khách hàng, với khối lượng vận chuyển lên đến 90.000 mặt hàng mỗi ngày.

Trong vòng cấp vốn mới nhất vào tháng 3 năm 2019, Rent the Runway đã được định giá 1 tỷ USD. Mô hình đơn giản mà hiệu quả đã mang lại cho RTR giải thưởng "Công ty sáng tạo nhất" của Fast Company vào năm 2018 và 2019. Tạp chí Time cũng đã tuyên dương Nhà sáng lập Jennifer Hyman trong danh sách "100 người có ảnh hưởng nhất năm 2019".

Mặc dù ý tưởng và mô hình kinh doanh của Rent the Runway có vẻ "dễ như ăn kẹo", nhưng trên thực tế hàng trăm rủi ro có thể và đã xảy ra, nhất là khi RTR phải tạo ra một danh mục sản phẩm hoàn toàn mới, phải thuyết phục thành công cả khách hàng và nhà thiết kế, chưa kể đến cơ sở hạ tầng để chăm sóc và xoay vòng những sản phẩm cực kỳ "mỏng manh" như quần áo cao cấp.

Mối quan hệ với nhà thiết kế

Để phù hợp với khách hàng luôn theo đuổi những xu hướng thời trang mới nhất, RTR cần duy trì một kho hàng đa dạng, phong phú và phải luôn "hợp thời".

Jennifer Hyman đã liên hệ khắp mọi nơi, chẳng hạn như thương hiệu của nhà thiết kế huyền thoại người Mỹ Diane Von Furstenberg (DVF), trải qua rất nhiều trao đổi, RTR đã thành công thuyết phục nhãn hàng với một mô hình "win-win":

Startup RTR sẽ giúp DVF tiếp cận nhóm phụ nữ trong độ tuổi 18-35, một trong những phân khúc cạnh tranh khóc liệt nhất ngành thời trang. Với lợi thế về công nghệ, RTR sẽ thu thập dữ liệu về sở thích, đánh giá của khách hàng và tổng hợp lại thành báo cáo có tính ứng dụng cao cho DVF.

Thừa thắng xông lên, mô hình trên được áp dụng với nhiều thương vụ khác và đã mang về cho khách hàng RTR hơn 500 thương hiệu thiết kế khác nhau từ Gucci, Levi's cho đến Victoria Beckham…

Và không chỉ "mượn" những bộ sưu tập có sẵn, RTR còn trực tiếp tham gia vào quá trình phát thảo ý tưởng và sản xuất, với lợi thế về dữ liệu trích xuất từ hơn 8 triệu khách hàng.

Mô hình của RTR đơn giản và dễ bị sao chép, nhưng các mối quan hệ chiến lược với hàng loạt nhà thiết kế tên tuổi sẽ rất khó bị thay thế.

Đơn giản nhưng hiệu quả

Rent The Runway quyết định đầu tư và sở hữu năng lực xử lý cho toàn bộ quy trình, từ đội ngũ tìm nguồn cung ứng, xưởng giặt hấp cho đến kho hàng và đóng gói, RTR chỉ thuê ngoài dịch vụ vận chuyển để đảm bảo hàng hóa được giao nhận một cách chuyên nghiệp nhất.

Hiện RTR đang vận hành xưởng giặt hấp lớn nhất thế giới, công suất xử lý 2.000 sản phẩm mỗi giờ, với nhiều nhân viên toàn thời gian quản lý nhận hàng, tập trung loại bỏ vết bẩn, làm sạch, may và sửa chữa những hư hỏng nhỏ.

Quy trình được kiểm soát chặt chẽ đã giúp Rent The Runway cắt giảm chi phí thuê ngoài và đảm bảo trải nghiệm khách hàng cao nhất. RTR còn tự thiết kế bao bì riêng để bảo quản và vận chuyển hàng hóa một cách tốt nhất, và một vài quy trình hoạt động còn được đăng ký bản quyền vì quá hiệu quả.

Gia tăng trải nghiệm và cá nhân hóa

Tại thời điểm đăng ký, khách hàng sẽ tùy chọn nhu cầu của mình, giúp RTR đề xuất các mặt hàng phù hợp nhất với phong cách của từng người. Và khi một đơn hàng được đặt, RTR cũng "hào phóng" cho khách hàng đặt giữ thêm 1 size nữa, trong trong trường hợp sản phẩm đó không vừa và họ cần đổi size gấp.

Thoạt nghe nhỏ nhặt, nhưng đối với phụ nữ đang tìm kiếm một bộ đồ "hoàn hảo", size dự phòng là một sáng kiến tuyệt vời, một lời cam kết rằng khách hàng sẽ luôn được ưu tiên và có nhiều sự lựa chọn trên cùng một mẫu mã.

Rent the runway tự hào rằng "mỗi khách hàng sẽ có một bộ sưu tập riêng khi truy cập", điều đó giúp thời gian mua sắm của người dùng tăng 2,7 lần so với mới thành lập.

Nếu không có thời gian lựa chọn trên mạng, khách hàng có thể đặt hẹn với một "chuyên viên thời trang" của RTR, họ sẽ đích thân lắng nghe nhu cầu và lựa chọn từng sản phẩm sao cho phù hợp nhất tại các cửa hàng RTR.

Theo một nguồn tin nội bộ, dữ liệu của Rent The Runway được thu thập và xây dựng dựa trên từng cá nhân, giúp startup này có thể nhanh chóng nắm bắt được xu hướng mới, và thay đổi các mẫu mã ngay trong mỗi tuần làm việc.

Tóm lại, Rent The Runway đã tự tạo ra thị trường "xa xỉ second-hand" cho riêng mình, khai thác nhóm khách hàng có ý thức về ngân sách và giúp họ thoát khỏi vòng xoáy "tiêu dùng vô tận".

RTR là một trong những đại diện ưu tú của mô hình kinh tế tuần hoàn, với mong muốn kéo dài thời gian sử dụng hàng hóa và giữ chúng lại trong chu kỳ sử dụng. Như lời của nhà sáng lập RTR: "Không có gì phải ngại khi sử dụng đồ second-hand cả!"


(0) Bình luận
Giải bài toán “không có gì để mặc” – “Tủ đồ trên mây” Rent the Runway trở thành kỳ lân tỷ đô, tồn tại bất chấp Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO