Với sự giúp sức của Covid-19, tiến trình đi tới mục tiêu ‘xã hội không tiền mặt’ đã có những bước tiến dài và đó chính là bệ đỡ để các ‘tay chơi’ lớn ở thị trường này quyết định phải làm thật quyết liệt trong thời gian tới.
Sau khi đã thành công thuyết phục các chuỗi và các cửa hàng quy mô lớn cài đặt app hoặc thiết bị của mình, ‘kỳ lân’ MoMo, ‘người mới’ VNPT Money và SmartPay đang dắt tay nhau ‘tấn công’ các tiểu thương bán hàng ở lề đường hoặc ở chợ.
MoMo và VNPT Money
“Thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đang khá bùng nổ, thông qua các báo cáo thị trường và tăng trưởng của MoMo. Về số lượng khách hàng, MoMo hiện nay có hơn 31 triệu người dùng.Có một vài yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng đó.
Một là, sự thúc đẩy mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà Nước. Trước đây, muốn dùng MoMo phải mở tài khoản ngân hàng, ra chi nhánh nhưng bây giờ mọi người có thể mở tài khoản ngân hàng ngay trên ứng dụng MoMo. Cụ thể: trong vòng năm nay và năm sau, phần lớn các ngân hàng sẽ kết nối với MoMo. Sự thay đổi đột phá về mặt tư tưởng và hành động của ngành ngân hàng đã góp phần định hướng cho thanh toán không tiền mặt.
Ngoài ra, VietQR cũng miễn phí chuyển khoản, phận sự của các cơ quan chức năng, ngân hàng và fintech là cùng thúc đẩy dịch vụ này. Dịch bệnh cũng là khó khăn nhưng cũng là sự thúc đẩy để mọi người quen với online, thanh toán không tiền mặt. Thời điểm xã hội Việt Nam sẽ dần tiến tới xã hội không tiền mặt ít nhất tại các thành phố lớn, đang tới rất gần”, ông Nguyễn Mạnh Tường - Tổng Giám Đốc MoMo chia sẻ trong buổi ký kết hợp tác với Starbucks Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Tường thì cơ hội luôn đi liền với thách thức đến từ thị trường và nội tại doanh nghiệp.
Với thị trường, thách thức chính là việc tiếp tục tạo niềm tin cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ tài chính. Vì mọi người cũng biết là nhiều khi khách hàng chấp nhận dùng, nhưng vẫn còn nhiều lo lắng. Những lo lắng đó đôi khi không có thật nhưng họ vẫn cứ lo! Việc chia sẻ thông tin, làm rõ hơn vấn để mọi người hiểu thì sẽ bớt lo hơn. Chia sẻ thông tin và hướng dẫn khách hàng là trách nhiệm MoMo và nhiều bên liên quan.
Còn về thách thức nội tại của MoMo, đó là chuyện MoMo có đủ nhanh và quyết liệt để cung cấp dịch vụ đa dạng hơn cho khách hàng không. Ví dụ như làm sao để các cửa hàng nhỏ lẻ, quán hủ tiếu, phở trở thành điểm chấp nhận thanh toán. Lúc đó, mọi người đến đâu, ăn phở, hủ tiếu cũng có thể dễ dàng thanh toán bằng MoMo. Bởi nếu khách hàng có thể có nhu cầu thanh toán qua ví điện tử, nhưng các cô chú không chấp nhận cài đặt thì rất khó!
Cuối năm 2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trở thành đơn vị đầu tiên được Chính Phủ cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money trên cả nước. Với VNPT Money, mọi khách hàng sử dụng thuê bao VinaPhone có thể xem nó như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ các chức năng như: Nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ mà không cần dùng tiền mặt.
Còn theo lời giới thiệu từ VNPT, thì VNPT Money là hệ sinh thái tài chính số toàn diện, bao gồm các dịch vụ tiền di động, ví điện tử và tài khoản ngân hàng. VNPT Money đặt mục tiêu có 500.000 điểm thanh toán trên toàn quốc trong năm 2022.
Thời gian gần đây, VNPT Money đang cố gắng xâm nhập sâu vào các chợ ở nhiều địa phương thông qua dự án “Chợ công nghệ số - chợ 4.0”.
VNPT Quảng Ninh đã mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán và cài đặt ứng dụng VNPT Money cho hơn 500 hộ kinh doanh tại chợ Cái Dăm - phường Bãi Cháy - TP Hạ Long – Quảng Ninh.
Còn tại chợ An Thới – phường An Thới – quận Bình Thủy – TP Cần Thơ, mới đây, sau 1 tháng VNPT Cần Thơ triển khai thí điểm, đã có gần 200 tiểu thương chấp nhận thanh toán với hơn 700 khách hàng sử dụng ví. VNPT Cần Thơ cũng đã phát triển 38 điểm nạp, rút tiền ví VNPT Money trên tất cả quận, huyện của thành phố.
Cũng trong đầu tháng 9, VNPT Lâm Đồng đã hỗ trợ mở tài khoản mới tại các ngân hàng cho 200 tiểu thương; mở ví điện tử VNPT Money cho 305 tiểu thương tại chợ Đà Lạt.
SmartPay
“Như tôi nhiều lần đề cập, phân khúc 4 triệu nhà bán hàng nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm 50% doanh thu bán lẻ vào năm 2021, khoảng 210 tỷ USD. Trong đó doanh số các tiểu thương chiếm 100 tỷ USD. Phân khúc này vẫn tiếp tục tăng trưởng hàng năm khoảng 10%. Trong 7 năm tới, con số đó sẽ tăng từ 100 đến 200 tỷ USD.
Nếu như trước đây, các ngân hàng lớn ở Việt Nam không để ý đến nhóm đối tượng này thì bây giờ điều đó đã thay đổi. Khi SmartPay bắt đầu tập trung vào các tiểu thương, nhiều tổ chức tài chính khác cũng đang làm như vậy vì họ nhìn thấy tiềm năng của phân khúc này. Những người buôn bán nhỏ từng không được quan tâm vì họ tiến hành kinh doanh chủ yếu bằng tiền mặt.
Khi các doanh nghiệp này chuyển từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt, họ sẽ dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính tiên tiến”, ông Marek Forysiak - Chủ tịch SmartPay chia sẻ lý do vì sao doanh nghiệp mình chỉ tập trung vào phân khúc này.
Ngay từ khi thành lập năm 2019, SmartPay đã lựa chọn hướng đi khác biệt là đồng hành cùng sự phát triển của hàng triệu tiểu thương Việt Nam. Cho đến bây giờ, SmartPay vẫn là đơn vị "đầu tiên và duy nhất" đầu tư và hỗ trợ cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ - những người đang bị bỏ quên trong quá trình số hóa.
Tính đến tháng 7/2022, SmartPay đã hỗ trợ thành công hơn 740.000 nhà bán hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc tiếp cận với hơn 2 triệu khách hàng là người dùng ví SmartPay, cùng 40 triệu khách hàng đến từ các ngân hàng đã liên kết. Theo ước tính nhu cầu thiết bị POS đến quý II/2022 là 1,2 triệu thiết bị. Mục tiêu của SmartPay trong 3 năm tới là cung cấp thêm 325.000 thiết bị POS – chiếm gần 30% tổng thị phần.
Tuy nhiên, SmartPay chỉ đơn thuần là máy POS hoặc ví điện tử mà nó tích hợp rất nhiều dịch vụ/sản phẩm khác nhau.
Dịch vụ của SmartPay chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán: qua thẻ debit/credit, thanh toán qua ví điện tử, quét mã QR, thanh toán chạm. Điều này giúp nhà bán hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách mua, quản lý thu chi dễ dàng chỉ với 1 thiết bị duy nhất.
Nó còn giúp nhà bán hàng gia tăng doanh thu dễ dàng: nhờ việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cộng thêm như thanh toán hóa đơn (điện, nước, internet,…), nạp thẻ điện thoại, bảo hiểm, thanh toán khoản vay, trả góp 0%, mua trước trả sau được cung cấp bởi SmartPay.
SmartPay cũng mở ra cơ hội tiếp cận với nguồn vốn mà không cần tài sản đảm bảo với sự đồng hành của các đối tác lớn như VP Bank, FE Credit, CIMB. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tiểu thương Việt tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn nữa, SmartPay sẽ triển khai hợp tác chiến lược với Kasikorn Bank (ngân hàng thương mại hàng đầu Thái Lan).
SmartPay dễ dàng sử dụng, phù hợp với mọi loại hình kinh doanh: với 2 phiên bản: SmartPOS Mini – nhỏ gọn, dễ di chuyển và SmartPOS Pro – phiên bản cao cấp hơn tích hợp tính năng in hóa đơn trực tiếp. Ngoài ra, nhà bán hàng không cần mua máy, chỉ cần thuê với giá rất rẻ, tầm 8.000 đồng/ngày, 240.0000/tháng.
Máy SmartPOS không phải đã xuất hiện lâu trên thị trường, mà vẫn là khái niệm mới vài năm trở lại đây và chưa phổ biến lắm. Kể cả ở thị trường Việt Nam, khi đi siêu thị và ở các điểm mua sắm lớn thì các máy POS chủ yếu phục vụ cho việc thanh toán mà chưa có tích hợp nhiều tiện ích như máy SmartPOS.
Cũng theo ông Marek Forysiak, thứ khiến SmartPay khác biệt sơ với các nhà cung cấp khác trên thị trường, họ luôn lấy tiểu thương – như các cô chú bán hủ tiếu/bún/phở hoặc hàng rong ngoài đường làm trọng tâm.
SmartPay chỉ tập trung cung cấp, phát triển và thiết kế các giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và nhỏ, trong khi các ngân hàng và đơn vị tài chính khác phục vụ nhiều phân khúc khác nhau – chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh và phân tán nguồn lực. Đó sẽ là điểm khác biệt nhất của SmartPay trong 5 năm tới.
“Chưa hết, chúng tôi biết rằng: giao dịch kinh doanh trung bình của các tiểu thương chỉ dao động từ 1-2 USD (khoảng 20.000 - 50.000 đồng). Do đó, khi chúng tôi nghĩ về lợi thế cạnh tranh của mình (điều mà tôi đã nghĩ đến từ ngày thành lập doanh nghiệp này) sẽ là: chúng tôi phải có khả năng phục vụ phân khúc này với chi phí càng gần 0 càng tốt.
Các tổ chức tài chính lớn khác không thể xử lý các giao dịch nhỏ đó (ví dụ chỉ khoảng 5.000 - 15.000 VND) với cùng mức chi phí mà SmartPay có thể thực hiện được”, Chủ tịch SmartPay nêu cụ thể.
Ở khía cạnh khác: SmartPay đã nghiên cứu và nhận thấy tới quý II/2022, Việt Nam có khoảng 300.000 thiết bị POS (theo thống kê của Nhà nước). Một tháng, giao dịch bình quân của 1 máy POS sẽ tầm 1,6 triệu đồng và 1 tháng 1 máy POS sẽ có trung bình 134 giao dịch. Điều này chứng tỏ các máy POS đang được đặt chủ yếu ở những cửa hàng lớn với lượng giao dịch và giá trị giao dịch khá cao.
Trong khi đó, các tiểu thương thường có nhiều giao dịch buôn bán nhưng giá trị không phải quá cao. Theo nhu cầu thị trường, để toàn bộ Việt Nam có được một hạ tầng thanh toán không tiền mặt toàn diện thì cần khoảng 1,2 triệu máy POS, nhưng chủ yếu ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.
SmartPay mong muốn giấc mơ về ‘xã hội không tiền mặt’ có thể xảy ra ở 63 tỉnh thành chứ không chỉ riêng hai thành phố lớn nói trên. SmartPay đã làm việc với các đối tác bán lẻ và các đối tác ngân hàng và sẽ mở rộng và triển khai các dịch vụ của mình cho nên tới 2025. Đó là lý do họ tin mình sẽ đạt được con số đặt ra - cung cấp thêm 325.000 thiết bị POS trong 3 năm tới.