Cụ thể, giá vàng nhẫn tăng thêm 200-250 nghìn đồng/lượng, trong khi giá vàng SJC cũng tăng khoảng 50-100 nghìn đồng.
Tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng 24k hiện được niêm yết ở mức 55,6-56,6 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng chiều mua và 200 nghìn đồng chiều bán so với cuối phiên trước. Trong vòng 1 tuần qua, giá vàng 24k tại doanh nghiệp này đã tăng khoảng 500 nghìn đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng SJC tại Phú Nhuận cũng tăng 50 nghìn đồng, đang được niêm yết ở mức 66,55-67,1 triệu đồng/lượng.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá bán vàng nhẫn SJC 99,99 sau khi rơi xuống sát mốc 56 triệu đồng/lượng trong tuần trước cũng đã tăng mạnh trở lại thời gian gần đây. Đầu giờ sáng ngày 12/7, loại vàng này được niêm yết với giá 55,55-56,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC loại 1 lượng – 10 lượng tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng tăng nhẹ 100 nghìn đồng/lượng sáng 12/7 lên 66,6-67,2 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng nhẫn tăng khá mạnh trong 1 tuần trở lại đây nhưng nhà đầu tư vẫn rất khó có lãi do chênh lệch giá mua và giá bán khá lớn, tới 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC vẫn đang biến động quanh mốc 67 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng phiên hôm qua tăng nhẹ khoảng 5 USD lên 1.936 USD/ounce. So với hồi đầu năm, giá vàng thế giới tăng khoảng 5,9%. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng, vàng quốc tế có giá tương đương với khoảng 55,6 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), thấp hơn giá vàng nhẫn 24k trong nước khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Trong phiên 11/7, có thời điểm giá vàng thế giới lên sát ngưỡng 1.940 USD/ounce - đỉnh 3 tuần khi đồng USD rớt xuống mức 101,9 điểm trong bối cảnh các Ngân hàng trung ương châu Âu hiện có quan điểm khá cứng về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, một sự phục hồi dài hạn của kim loại quý vẫn chưa rõ ràng do các nhà đầu tư vẫn hết sức mờ mịt với những bước đi tiếp theo trong chính sách điều hành tiền tệ của các nước.