Theo thống kê mới nhất từ VBMA, riêng trong tháng 7 ghi nhận 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,4%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,7 năm.
Trong đó, các đợt phát hành chủ yếu từ các Ngân hàng, ngoài ra còn có công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo có 6 đợt phát hành với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp bất động sản duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 7 là Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh với 300 tỷ đồng và Tập đoàn Taseco với 125 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng.
Trong đó, ngành Ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng (chiếm 36,2%), theo sau là nhóm Bất động sản với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Các đợt phát hành của nhóm Ngân hàng hầu hết chỉ mới được phát hành kể từ cuối tháng 6.
Về hoạt động mua lại, trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng cuối năm 2023, VBMA ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Nhiều giải pháp được thực hiện nhằm khơi thông thị trường trái phiếu
Tại báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh thị trường biến động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm; lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5 - 3% so với lãi suất ban đầu....
Sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc Bộ Tài chính và các bộ, ngành triển khai đồng loạt các các giải pháp đã bước đầu đưa thị trường TPDN ổn định trở lại. Tuy nhiên, thị trường chưa phục hồi ngay do còn các yếu tố khó khăn.
Theo đó, Bộ Tài chính đã và đang theo dõi, đánh giá tình hình thị trường để thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành. Đồng thời, theo dõi, làm việc và có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn lực để thanh toán đầy đủ nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết, trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, phương thức thanh toán đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động từ tháng 7/2023 nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quả lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Bộ Tài chính chủ động triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền, bao gồm: Cảnh báo nhà đầu tư thận trọng về các rủi ro của thị trường TPDN; khi nhà đầu tư có dấu hiệu bất ổn về tâm lý từ tháng 10/2022, Bộ Tài chính đã cung cấp các thông tin để bình ổn thị trường, để nhà đầu tư không tẩy chay TPDN, tiếp tục đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp lành mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh khả quan và minh bạch về thông tin.
Đối với các doanh nghiệp phát hành, cần chủ động cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính và tình hình triển khai các dự án từ nguồn huy động trái phiếu để nhà đầu tư yên tâm và tiếp tục đầu tư.
Hoạt động của Tổ công tác về thị trường bất động sản đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp bất động sản tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý để hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm nhanh ra thị trường, qua đó khôi phục dòng tiền để trả nợ TPDN đến hạn.