Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã CK: DPM) vừa công bố nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền. Tỷ lệ thanh toán là 40%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng.
Như vậy với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đạm Phú Mỹ sẽ chi ra khoảng 1.560 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của Tổng Công ty. Dự kiến thời gian chi trả trong quý 1/2023.
Về tình hình kinh doanh, quý 4 vừa qua, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ Sau khi trừ các khoản chi phí DPM lãi sau thuế 1.140 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, LNST thuộc về công ty mẹ là 1.147 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, DPM ghi nhận lãi ròng 5.586 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp. Tại thời điểm 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.422 tỷ đồng.
Đạm Phú Mỹ đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng. Như vậy so với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.
Mục tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh giá urê năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Trong đó, tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021.
Cùng với đó, một số tín hiệu cho thấy 1 trong 2 quốc gia là Nga và Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế hạn ngạch xuất khẩu phân bón (nguyên nhân khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá phân bón tăng mạnh trong năm qua).
Trên sàn chứng khoán, kết phiên 3/2, cổ phiếu DPM đạt 42.800 đồng/cổ phiếu.