Vừa qua, Fitch Ratings Inc, một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín nhiệm toàn cầu có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ đã đánh giá về xếp hạng nhà phát hành dài hạn của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) có trụ sở tại Việt Nam từ triển vọng Ổn định thành triển vọng Tiêu cực nhưng vẫn giữ nguyên điểm tín dụng ở mức 'B'.
Đồng thời, tổ chức này đã khẳng định Xếp hạng dài hạn ở mức 'B' và Xếp hạng phục hồi mức 'RR4' đối với trái phiếu không thứ cấp không bảo đảm bằng USD của BIM Land đáo hạn vào tháng 5 năm 2026.
Triển vọng Tiêu cực này phản ánh khả năng thu tiền mặt từ việc bán bất động sản bị suy yếu kéo dài và dòng tiền tự do âm, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận ngân hàng của BIM Land và gây áp lực thanh khoản. Những hạn chế về quy định tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản và việc xử lý những sai phạm xung quanh việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong vài quý vừa qua đã làm suy yếu tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
Trong báo cáo đăng ngày 3/3, Fitch cũng nhận định doanh số bán theo hợp đồng của BIM Land sẽ thấp hơn. Cụ thể, “chúng tôi dự báo doanh số bán theo hợp đồng có thể phân bổ, không bao gồm bán cổ phần người thiểu số và bán đất, sẽ giảm xuống khoảng 7 nghìn tỷ đồng vào năm 2023, từ mức ước tính 8,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Lạm phát, lãi suất tăng và tâm lý tiêu dùng yếu là những nguyên nhân có khả năng làm giảm nhu cầu nhà ở trong 12-18 tháng tới”, tổ chức này nhận định.
Tuy nhiên, Fitch cũng đánh giá lạc quan rằng nhu cầu trung hạn sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu về bất động sản như một công cụ phòng ngừa lạm phát và tích trữ giá trị do các lựa chọn thay thế đầu tư hạn chế, cùng với tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam, mở rộng đô thị hóa và nối lại du lịch quốc tế.
Tổ chức này dự báo BIM Land sẽ “thu tiền từ bán bất động sản chậm lại, còn 5,5 nghìn tỷ đồng, từ mức ước tính 5,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, do tỷ trọng bán thế chấp thấp hơn và tâm lý người mua nhà yếu”. Các nhà chức trách đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ để ghi nhận áp lực gia tăng trong lĩnh vực này, nhưng “chúng tôi tin rằng cần có nhiều hỗ trợ có ý nghĩa hơn để ngăn chặn tình trạng suy thoái hiện tại” - báo cáo của Fitch nêu.
Tuy nhiên, Fitch đánh giá khả năng tiếp cận nguồn vốn của BIM Land vẫn đạt yêu cầu, dù quy định thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực này. BIM Land đã hoàn trả khoản nợ đáo hạn đúng hạn vào năm 2022 và tiếp tục đảm bảo ngân hàng mới, ngay cả khi các thách thức của ngành gia tăng trong nửa cuối năm 2022.
Doanh nghiệp chưa đại chúng đầu tiên của Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế
Năm 2021, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group đã công bố phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375% và thời hạn 5 năm.
Theo đó, BIM Land là doanh nghiệp chưa đại chúng đầu tiên tại Việt Nam phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế. Trái phiếu cũng là trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green bond) đầu tiên của Việt nam.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, chào bán tại nước ngoài và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Trái phiếu được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys đánh giá tín nhiệm B2 và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá tín nhiệm B.
Trái phiếu được phát hành theo phương thức dựng sổ, các ngân hàng tư vấn, thu xếp phát hành là ngân hàng đầu tư Credit Suisse, Standard Chartered Bank và UBS. Ngân hàng Credit Suisse và UBS tư vấn về vấn đề xếp hạng tín nhiệm doanh nghiêp và ngân hàng Standard Chartered tư vấn về vấn đề trái phiếu xanh. Theo thông tin được công bố, vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được BIM Land sử dụng để phát triển các dự án bất động sản của công ty, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường.
Trong nước, hiện BIM Land cũng đã có dư nợ trái phiếu 1000 tỷ đồng của mã trái phiếu BIMCB2023001. Đáng chú ý, mã trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 30/12/2023.
BIM Land là thành viên nổi bật của Tập đoàn BIM Group, một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành lớn tại Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, BIM Group đã mở rộng mô hình kinh doanh và tập trung vào bốn lĩnh vực chính: phát triển du lịch và đầu tư bất động sản, nông nghiệp - thực phẩm, dịch vụ thương mại, năng lượng tái tạo.