Năm 2024 có thể xem là năm kinh tế Bắc Ninh đạt gặt hái được các kết quả vượt bậc trong nhiều khía cạnh. Theo đó, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước 232,8 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tốc độc tăng trưởng GRDP đạt 6,03% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bên cạnh tăng trưởng GRDP, thu hút đầu tư FDI cũng là một ‘điểm sáng’ khác trong bức tranh kinh tế Bắc Ninh năm 2024. Không chỉ số lượng dự án và số vốn đầu tư vào tỉnh tăng mạnh, mà làn sóng đầu tư từ các nền kinh tế lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn cũng đang có xu hướng gia tăng.
Theo Cục Thống kê địa phương, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2024, thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.
Tính từ đầu năm đến 20/10, toàn tỉnh đã thu hút được 348 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 40 dự án, tức tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 220 dự án; Hồng Kông 39 dự án; Singapore 38 dự án); vốn đăng ký mới đạt 1.591,2 triệu USD (tăng 683,2 triệu USD, tức tăng 75,2%).
Ngoài ra, tỉnh cũng điều chỉnh vốn cho 162 dự án (tăng 35 dự án, tức tăng 27,6%), với số vốn điều chỉnh tăng là 2.725,6 triệu USD, (tăng 2.254,2 triệu USD, tức tăng 478,2%); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 32 lượt (giảm 23 lượt, giảm 41,8%) với giá trị là 52,1 triệu USD (tăng 30,6 triệu USD, tức tăng 142,5%); thu hồi 71 dự án (tăng 19 dự án, tức tăng 36,5%) với tổng vốn đầu tư là 81,3 triệu USD (giảm 14,3 triệu USD, tức giảm 14,9%).
Đáng chú ý, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh diễn ra hồi tháng 9/2024, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ cho 18 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD.
Trong đó, một số dự án tiêu biểu phải kể đến như: Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam với, với vốn đầu tư tăng thêm 1,07 tỷ USD; dự án nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Foxconn Singapore, với tổng vốn đầu tư 383,3 triệu USD; Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek, tổng vốn 280 triệu USD…
Tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, trình bày về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, dự kiến địa phương sẽ có 4/19 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 15/19 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch trong năm 2024.
Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh Bắc Ninh năm 2024 ước đạt trên 4,8 tỷ USD, tăng 2,9 lần so cùng kỳ, đứng thứ nhất cả nước. Đồng thời, đây cũng là tổng số vốn FDI cao nhất mà Bắc Ninh đã thu hút được trong vòng 10 năm trở lại đây.
“Năm 2024 là năm có ý nghĩa chính trị quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Bắc Ninh trong việc thu hút FDI được hỗ trợ bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định và các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Từ đầu năm đến nay, hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Bắc Ninh.
Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã chủ động gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, công ty TNHH Canon Việt Nam,…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh như: Tập đoàn Công nghệ CMC (Việt Nam), đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary,…
Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong rất nhiều năm, Bắc Ninh lựa chọn thu hút những dự án đầu tư theo các tiêu chí “Hai ít - Ba cao - Bốn sẵn sàng - Một không”.
Trong đó, ‘hai ít’ có nghĩa là ít sử dụng đất, ít dùng lao động. Vốn là địa phương có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất nên Bắc Ninh đã tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất và sử dụng ít lao động.
Thứ hai, ‘ba cao’ có nghĩa là suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, công nghệ cao và hiệu quả kinh tế cao. Mục đích là để mở rộng tính lan tỏa dự án, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, cũng như đóng góp và tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, ‘bốn sẵn sàng’ bao gồm: sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết mọi khó khăn. Và cuối cùng ‘một không’ là không ô nhiễm môi trường.
Không chỉ vậy, nhằm củng cố niềm tin của các doanh nhân về quyết tâm và hành động thực tiễn của các cấp chính quyền, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức gặp mặt doanh nhân hàng tháng.
Đây là động thái mới nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh tại Kế hoạch số 344/KH-UBND về Gặp gỡ Doanh nhân hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn ký ban hành ngày 25/9/2024. Việc gặp gỡ nhằm mục đích tạo môi trường “mở” với tinh thần cầu thị, không khí gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nhân, nhà đầu tư trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ Doanh nhân hàng tháng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được tổ chức hồi tháng 10, bà Vũ Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với 3 mũi nhọn đột phá tạo ra sự hấp dẫn với các nhà đầu tư gồm: Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bắc Ninh đặt ra mục tiêu thu hút những dự án “hạt nhân” mở ra triển vọng lớn trong ngành bán dẫn, điển hình tạo ra bước đột phá trong việc thu hút các tập đoàn lớn và tạo ra sự lan toả.
Quyết định chọn Bắc Ninh làm cứ điểm để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, đại diện Amkor Technology đánh giá, hệ thống hạ tầng của Bắc Ninh đáp ứng tất cả các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư bán dẫn như: hệ thống cung cấp điện, nước ổn định, giao thông, logistic, hạ tầng xã hội (nhà ở chuyên gia, nhà ở công nhân).
“Bắc Ninh có hạ tầng công nghiệp tốt nhất khu vực Đông Nam Á. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư không phải tính theo ngày mà tính theo giờ”, đại diện Tập đoàn Amkor Technology nhận định tạ Hội nghị Tọa đàm xúc tiến đầu tư với chủ đề "Bắc Ninh - Cứ điểm sản xuất lý tưởng tại Việt Nam” hồi tháng 9/2024.
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, mục tiêu đến năm 2030 ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như, sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; công nghệ cao và đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu và phát triển (R&D) trong khu vực Đông Nam Á.
Bắc Ninh xác định đến năm 2030, tỉnh có 25 khu công nghiệp, không gian phát triển công nghiệp sẽ gồm 4 vùng bao gồm: Thung lũng công nghệ điện tử-huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp-thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới-thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao-huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục thu hút đầu tư năm 2024, định hướng đến năm 2030 gồm 167 dự án, với diện tích khoảng 11.638ha. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 5 dự án; thương mại, dịch vụ 36 dự án; nhà ở, khu đô thị 83 dự án; nhà ở xã hội 27 dự án; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp 12 dự án và 04 dự án về thể thao, văn hóa, nước sạch, môi trường.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bắc Ninh đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 6 đột phá chiến lược. Cụ thể, về 3 nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.
Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.
Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Đối với 6 đột phá chiến lược, thứ nhất, tỉnh sẽ triển khai nghiên cứu, đề xuất, thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển.
Thứ hai, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng). Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước.
Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế. Cuối cùng là nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về tiếp cận thông tin quy hoạch, mặt bằng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, cơ hội tham gia các cơ hội kinh doanh, các dự án đầu tư ưu tiên cho các nhà đầu tư, từ xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bảo vệ lợi ích Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
“Với tinh thần ‘Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước’, chúng tôi cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, tiếp nhận, lắng nghe và xử lý khó khăn vướng mắc qua mọi kênh thông tin để cùng đồng hành với Nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định trong thư ngỏ gửi Lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh hồi tháng 8/2024.
Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Bắc Ninh đã sẵn sàng từng bước hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nơi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách tốt nhất của cuộc sống.
Bài: Hoàng Nguyễn
Thiết kế: Hải An