VN-Index đã có một nhịp hồi phục ấn tượng 20% kể từ vùng đáy 873 điểm thiết lập trong tháng 11 vừa qua. Đi kèm với sự hồi phục của chỉ số chính, thanh khoản được cải thiện mạnh so với nhiều tháng trước đó, ghi nhận GTGD trung bình phiên tháng 11 đạt 13.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Everest (EVS Research) nhận định rằng thanh khoản trung bình phiên tháng 12 này sẽ dao động 13.000-15.000 tỷ đồng bất chấp những tín hiệu tích cực vừa qua.
Có 2 yếu tố khiến EVS đưa ra quan điểm thận trọng này, một là do mặt bằng lãi suất huy động neo cao để giải quyết bài toán chênh lệch huy động và tín dụng. Hai là, dòng tiền có xu hướng quay lại nhưng chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu có triển vọng năm sau, chưa thể lan tỏa ra toàn thị trường.
Mặt khác, EVS Research cho rằng định giá P/E trailing của VN-Index đang tương đương với vùng đáy Covid 2020, là cơ hội để tích lũy đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Đáng chú ý, động lực chính dẫn dắt thanh khoản thị trường tăng mạnh đến từ NĐT tổ chức nước ngoài khi đã có một tháng mua ròng 15.594 tỷ VND, giá trị mua ròng lớn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Cùng với đó, nhóm NĐT tổ chức trong nước cũng ghi nhận tháng mua ròng kỷ lục 2 năm đạt 3.042 tỷ VND. Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân trong nước lại có một tháng bán ròng với giá trị rất lớn, đạt 19.016 tỷ đồng.
Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường đã có một nhịp phục hồi mạnh mẽ về vùng 1.093 với thanh khoản được cải thiện mạnh đến ngày 5/12. Theo EVS Research, thị trường có thể hướng tới vùng 1.130 – 1.140 trong nhịp tăng lần này trước khi có một nhịp điều chỉnh tính lũy để tiếp tục đi lên.
Đồng thời, báo cáo cũng lưu ý biến số cần theo dõi trong nhịp này là dòng tiền của khối ngoại và thanh khoản thị trường. Nhà đầu tư cần duy trì tỉ lệ tài khoản hợp lý trong giai đoạn này, hạn chế mua đuổi nếu không có vị thế tốt.
Nhóm Cao su và Nhiệt điện kỳ vọng được hưởng lợi
Dựa trên phân tích và kỳ vọng trên, EVS Research đưa ra quan điểm lạc quan cho ngành Cao su và Nhiệt điện trong thời gian tới.
Tại nhóm Cao su, EVS đánh giá việc Trung Quốc mở cửa có thể tạo ra cú huých. Theo Nomura, Bắc Kinh có thể sẽ mở cửa vào tháng 3/2023 khi các số liệu nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở nên xấu đi. Việc Trung Quốc gỡ bỏ các biên pháp giãn cách có thể giúp di chuyển đơn giản hơn, gia tăng nhu cầu đối với xăng dầu và lốp xe. Đồng thời, xu hướng “tiêu dùng trả thù” nhiều khả năng sẽ xảy ra khi nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt 3 năm do đại dịch.
Tính đến tháng 11/2022, tổng lượng xe lưu hành tại Trung Quốc đạt 315 triệu xe (bao gồm cả xe 4 bánh và 2 bánh), giúp nước này trở thành thị trường tiêu thụ xe lớn nhất thế giới. EVS Research kỳ vọng việc mở cửa sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu về các sản phẩm từ cao su như xăm lốp, từ đó khiến giá cao su tăng cao trong thời gian sắp tới.
Tại nhóm Nhiệt điện, EVS dự báo giá điện CGM tiếp tục tăng cao khi giá nguyên vật liệt như than hay khí vẫn sẽ neo cao do Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn vào 2023 và cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu chưa thể giải quyết nhanh chóng.
Theo dự báo của IRA, trạng thái La Nina nhiều khả năng sẽ chỉ duy trì đến giai đoạn tháng 2 – 4 2023 và chuyển dần sang Trung tính có thể khiến lượng điều kiện thủy văn kém thuận lợi dẫn tới giảm sản lượng các nhà máy Thủy điện. Nhiều khả năng EVN sẽ phải huy động từ các nhà máy Nhiệt điện khi vào mùa khô để bù đắp cho sự thiếu hụt này.