Trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy định pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội; đặc biệt đối với các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên minh Châu Âu đã đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu phải thực hiện quản trị bền vững thông qua 3 yếu tố (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong khung ESG.
ESG là viết tắt của 3 yếu tố Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là bộ khung về hệ thống quản trị tại doanh nghiệp được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến môi trường và cộng đồng. Tiêu chí môi trường đánh giá cách thức một công ty tương tác với môi trường tự nhiên bao gồm các vấn đề như quản lý chất thải, tiêu thụ năng lượng, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động lên biến đổi khí hậu,…
Tiêu chí xã hội đánh giá mối quan hệ của công ty với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các đối tác,… Các vấn đề như quyền lợi của người lao động, sức khỏe và an toàn, quản lý chuỗi cung ứng và tác động xã hội của công ty cũng được xem xét ở đây. Tiêu chí quản trị đánh giá hệ thống quản trị của công ty, bao gồm quản lý rủi ro, cơ cấu hội đồng quản trị, đạo đức kinh doanh, minh bạch và trách nhiệm giải trình,…
ESG đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một tổ chức, đo lường việc thực hiện ba yếu tố đó của một doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu bền vững và xã hội.
Khái niệm ESG: Chứng chỉ hay sự phát triển bền vững?
Để tiếp cận các thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận như ISO 14001 (quản lý môi trường) hay SMETA (kiểm toán trách nhiệm xã hội). Tuy nhiên, việc áp dụng ESG hiện nay chủ yếu mang tính chất đối phó, nhằm “đạt chuẩn cho kịp” để vượt qua kiểm tra của đối tác và tránh các rào cản pháp lý.
Điểm mấu chốt là nhiều doanh nghiệp vẫn coi ESG như một khoản chi phí bắt buộc thay vì là một khoản đầu tư chiến lược cho sự phát triển bền vững. Phần lớn doanh nghiệp hiện tập trung vào việc đạt các chứng nhận cần thiết để xuất khẩu, nhưng chưa thực sự cam kết với những mục tiêu lâu dài của phát triển bền vững. Một số doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào ESG đòi hỏi chi phí lớn nhưng lợi ích đối với họ là chưa thấy rõ. Việc thực hiện các cải tiến liên quan đến ESG đòi hỏi nguồn lực tài chính và chuyên môn lớn. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đầu tư này thường được xem là gánh nặng vì lợi ích lâu dài của ESG chưa được nhận diện rõ ràng ngay lập tức.
Lợi ích của ESG vượt trên chứng nhận
Việc tích cực áp dụng ESG không chỉ là giải pháp vượt qua các cuộc kiểm tra và rào cản xuất khẩu mà còn giúp doanh nghiệp tăng năng suất và giảm chi phí dài hạn. Các cải tiến về năng lượng và quản lý tài nguyên trên thực tế khi áp dụng đúng quy chuẩn trong thời gian dài có thể giảm chi phí vận hành. ESG sẽ giúp nâng cao uy tín thương hiệu bởi doanh nghiệp áp dụng ESG thường thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư và đối tác nước ngoài. Không những vậy, vị thế của doanh nghiệp đối với người lao động cũng được nâng cao đặc biệt là trong thời điểm thiếu hụt nguồn cung lao động như hiện nay.
Việc áp dụng ESG không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững, từ đó củng cố vị thế trên thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, hiện nay chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra một số chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy quản trị phát triển bền vững.
Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Chương trình này được phê duyệt theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021. Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, giúp doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới từ thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu với thỏa thuận European Green Deal.
Các cơ quan quản lý cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và cải tiến hệ thống quản trị nhằm nâng cao hiệu quả và minh bạch trong hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu về quản trị ESG. Ngoài ra, chính phủ cũng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm xã hội và môi trường. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, các FTA này cũng đi kèm với yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường, lao động, và trách nhiệm xã hội. Việc tuân thủ các điều khoản này giúp doanh nghiệp không chỉ tiếp cận các thị trường lớn mà còn xây dựng hình ảnh bền vững trên toàn cầu. Các FTA này khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ESG, như cải thiện điều kiện làm việc, tuân thủ các điều kiện lao động, giảm phát thải carbon, và sử dụng năng lượng tái tạo,… Đồng thời, chúng tạo ra áp lực giúp Việt Nam thúc đẩy các cải cách về chính sách, hướng tới mô hình phát triển bền vững và minh bạch.
Việc áp dụng ESG không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xây dựng hình ảnh bền vững, tăng cường lòng tin với đối tác quốc tế và phát triển bền vững trong tương lai.
Chiến lược, chiến thuật và giải pháp ESG
Việc triển khai chiến lược ESG cần được tùy biến cho từng ngành công nghiệp như ngành nông sản, thuỷ sản; ngành dệt may và da giày, ngành công nghiệp và chế biến sản xuất để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu quốc tế và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thích nghi với các tiêu chuẩn quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI-HCM) đã triển khai dự án Cải thiện khả năng tiếp cận thị trường quốc tế thông qua nâng cao kỹ năng và an toàn vệ sinh lao động trong ngành tôm và lúa (DGD 2024-2026). Dự án được tài trợ bởi Tổng vụ hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ với mục tiêu đến năm 2026 giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị tôm và lúa cải thiện môi trường làm việc và đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Chương trình này đặt mục tiêu hỗ trợ 50 doanh nghiệp tuân thủ quy định lao động và thực hành sản xuất bền vững, cải thiện điều kiện làm việc cho 22.000 lao động, bao gồm 10.000 lao động nữ, nâng cao kỹ năng và kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, xây dựng 5 mô hình thực hành tốt, đạt các chứng nhận quốc tế như ISO 14000, ISO 45000, Sedex, SA8000 và BSCI,… để nhân rộng trong toàn ngành.
Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng – Văn phòng giới sử dụng lao động – VCCI HCM chia sẻ: “Việc áp dụng ESG không chỉ là công cụ để vượt qua các rào cản thị trường mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành thông qua cải tiến năng lượng và tài nguyên, xây dựng uy tín thương hiệu, nâng cao sự tin tưởng của khách hàng và đối tác quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy bình đẳng và an sinh xã hội. Chương trình DGD hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, đo lường khả năng đáp ứng của doanh nghiệp với các yêu cầu bền vững và xã hội. Các công ty cam kết tham gia sẽ được chương trình hỗ trợ cả về chiến lược, chiến thuật và giải pháp song song với đào tạo. Những doanh nghiệp tiên phong đi đầu sẽ cung cấp kinh nghiệm cho các doanh nghiệp cùng ngành và nhờ đó tạo động lực để nâng cao được chất lượng ngành xuất khẩu nói chung của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Chương trình đã triển khai thí điểm dự án đầu tiên tại Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây trong ngành lúa gạo và Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trong ngành chế biến tôm và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng triển khai trong thời gian tới tại một số công ty khác như Công ty Gạo Ông Thọ, Công ty Gạo Vinh Hiển, Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn,…
Việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG giờ đây không chỉ là xu hướng, mà còn là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế, xây dựng uy tín và phát triển bền vững trong dài hạn. Sự kết hợp giữa ESG và Dự án DGD không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu mà còn nâng cao năng suất và chất lượng lao động. Với sự hỗ trợ từ VCCI-HCM và các đối tác quốc tế, dự án này sẽ tạo ra nền tảng bền vững cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn xem ESG như một khoản chi phí, nhưng thực tế cho thấy đây là cơ hội lớn để tạo sự khác biệt và phát triển bền vững trong dài hạn. Với sự hỗ trợ của chính phủ và các chương trình quốc tế, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ “chạy theo chứng nhận” sang xem ESG như một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh. Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì và mở rộng vị thế trên thị trường toàn cầu, vượt qua các thách thức ngày càng khắt khe về chất lượng và bền vững.