Hôm 5/12, Elon Musk đăng lại bài đăng của một người dùng nhắc đến việc Singapore sử dụng robot trong các lĩnh vực bị thiếu hụt nhân lực. Người dùng này lưu ý đến năm 2030, gần 1/4 người Singapore sẽ trên 65 tuổi.
Với niềm quan tâm đặc biệt đến vấn đề già hoá và thiếu hụt dân số, Musk đương nhiên bị thu hút bởi bài đăng trên. Trong bài đăng lại của mình, ông nói thêm rằng “Singapore (và nhiều quốc gia khác) đang dần tuyệt chủng”
Trong một chủ đề trên Reddit về bài đăng này, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc quốc gia Đông Nam Á sử dụng chính sách nhập cư và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản sắc dân tộc. “Trong 200 năm nữa, người Singapore sẽ là những người nhập cư mới của ngày hôm nay”, một người dùng cho biết.
Dữ liệu chính phủ cho thấy tỷ lệ sinh tổng thể của Singapore đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,97 vào năm ngoái. Trong báo cáo thường niên về dân số được công bố vào tháng 9, nước này lưu ý rằng tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh có thể trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch do ngày càng nhiều người trì hoãn việc lập gia đình và sinh ít con để ưu tiên sự nghiệp trong bối cảnh lạm phát.
Gọi tỷ lệ sinh cực thấp là một thách thức, Leong Chan-Hoong, thành viên cấp cao và là người đứng đầu Chương trình nghiên cứu gắn kết xã hội tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, cho biết: “Nếu chúng ta không thể đảo ngược hoặc giải quyết vấn đề này, về lâu về dài, cấu trúc xã hội và quốc gia sẽ chịu tác động”.
Những phát ngôn của Musk bùng nổ các cuộc thảo luận toàn cầu về cuộc đấu tranh nhân khẩu học của các quốc gia phát triển. Ông thường xuyên cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của việc dân số giảm sút, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề này.
“Nhiều người cho rằng thế giới đang có quá nhiều dân. Theo tôi, điều đó đang hoàn toàn ngược lại. Hãy nhìn vào những con số thực tế hiện nay, nếu mọi người không sinh con nhiều hơn, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ. Hãy ghi nhớ lời nói này của tôi. Nền tảng của nền kinh tế là lao động. Không có đủ người lao động, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đang không có đủ người”, tỷ phú công nghệ phát biểu.
Các chuyên gia cũng tin rằng tỷ lệ sinh giảm có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế. Một nghiên cứu được công bố cách đây vài năm bởi Đại học Alabama (Mỹ) đã đưa ra một số kết quả bất lợi của việc giảm tỷ lệ sinh, bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động và áp lực tiền lương.
“Tôi đang làm hết sức để đối đầu với khủng hoảng dân số. Tỷ lệ sinh giảm là mối nguy hiểm lớn nhất mà nền văn minh phải đối mặt cho đến nay. Hãy nhớ lấy lời tôi nói, đây chính là sự thật đáng buồn. Tôi hi vọng các bạn có một gia đình thật lớn và tôi xin gửi lời chúc mừng tới những người đang có gia đình lớn như tôi”, Musk tự hào nói sau khi người con thứ 11 ra đời.
Theo Lancet, về dài hạn, tình hình dân số trái đất là đáng báo động khi tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate-TFR), đại diện cho số trẻ sơ sinh bình quân mỗi phụ nữ đẻ trong suốt vòng đời của mình, có chiều hướng giảm. Thế giới được dự báo sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ dân vào năm 2064 rồi suy giảm xuống còn 8,79 tỷ vào năm 2100.
“Hãy nhìn vào những con số. Nếu mọi người không đẻ nhiều hơn, văn minh nhân loại sẽ sụp đổ”, Musk lo sợ.
Singapore vốn đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tổng tỷ suất sinh trong ba thập kỷ qua. Vào năm 2023, TFR của cư dân nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,97, tức trung bình, mỗi phụ nữ sinh ít hơn một con. Nguyên nhân chính của sự suy giảm này nằm ở sự thay đổi các chuẩn mực xã hội.
Tuy nhiên, bất chấp xu hướng sinh sản đáng lo ngại, những tiến bộ công nghệ của Singapore được cho là có thể giúp giảm thiểu tác động nhân khẩu học, theo bài báo của Newsweek. Điều này cho phép Singapore bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là khi chi phí lao động cao và cơ sở sản xuất nhỏ.
Trước đó, Singapore cho ra mắt Trung tâm Đổi mới Bán lẻ Công nghệ cao Hive 2.0 tại Esplanade Xchange. Trung tâm bao gồm 10 trải nghiệm bán lẻ độc đáo dành cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào tự động hóa, robot và dịch vụ bán lẻ kỹ thuật số.
Theo Nikkei, dòng vốn đầu tư công nghệ sâu tại Singapore đã tăng 31% vào năm 2023. Công nghệ sâu chiếm 25% tổng giá trị giao dịch, tăng từ 17% vào năm 2022 và cao hơn mức trung bình toàn cầu là 20%. Hầu hết các nhà đầu tư là người địa phương hoặc Mỹ. Một số đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Pháp và Malaysia.
Sự gia tăng gần đây trong đầu tư công nghệ chuyên sâu đã giúp Singapore tăng vọt trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome, từ vị trí thứ 18 năm 2022 lên vị trí thứ 7 trong năm nay. Các nhà đầu tư cho biết ngành công nghiệp này, vốn ít được chú ý, đang trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và thay đổi chuỗi cung ứng.
“Singapore tự chủ hơn trong một số lĩnh vực nhất định”, Takeshi Ebihara, đối tác sáng lập chung của Rebright Partners có trụ sở tại Singapore cho biết. “Những nỗ lực của họ đang bắt đầu đơm hoa kết trái”.
Như vậy, có thể thấy lo lắng của Elon Musk về một “Singapore tuyệt chủng” có phần hơi…thái quá, khi mà nước này đang nỗ lực bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực bằng công nghệ và tự động hoá. Bà Low Yen Ling, đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nói: “Những đổi mới có thể giúp giảm chi phí hoạt động, tăng doanh số bán hàng và giải quyết các thách thức về nhân lực và hậu cần mà các nhà bán lẻ thường gặp phải”.
Theo: Reuters, Business Insider