Hết thời cưng chiều
Theo New York Times, tỷ phú Elon Musk lên nắm quyền điều hành Twitter đã đi kèm với hàng loạt những biện pháp mạnh tay gây sốc cho nhân viên lẫn giới truyền thông. Nhà sáng lập Tesla này bỏ qua giai đoạn chào đón thân thiện chuyển giao quyền lực sau khi hoàn thành thương vụ 44 tỷ USD, sa thải cả lãnh đạo cấp cao lẫn một nửa nhân viên.
Ngoài ra, Elon Musk còn tuyên bố thẳng thừng rằng thời gian tới sẽ là giai đoạn khó khăn khi nhân viên sẽ phải đến văn phòng tập trung làm việc nhiều hơn, có ít thời gian nghỉ ngơi hơn và chỉ những ai thực sự quyết tâm thì hãy ở lại.
Không dừng lại đó, tỷ phú Elon Musk thực hiện hàng loạt thay đổi, tác động mạnh mẽ lên nền văn hóa làm việc cũ của Twitter, tạo nên một hình ảnh nhà lãnh đạo độc tài, chuyên quyền và khó tính. Chính Elon Musk đã chấm dứt kiểu làm việc từ xa thoải mái của Twitter, hối thúc nhân viên làm chăm chỉ hơn trong bối cảnh thị trường mạng xã hội cạnh tranh cao độ.
Trên thực tế, tờ NYT cho biết nhiều nhà lãnh đạo nhận định môi trường làm việc thời gian qua đã quá thả lỏng, nhất là hậu đại dịch Covid-19 khi các nhà máy, công ty thiếu lao động, dẫn đến tình trạng quyền lực của nhân viên lấn át lợi ích công ty. Thế nhưng mọi chuyện đã phải thay đổi khi rủi ro khủng hoảng kinh tế dần lớn hơn và các ông chủ nhận ra rằng họ không thể nuông chiều nhân viên quá nhiều được nữa.
Bởi vậy nhiều giám đốc dù không có động thái thẳng thừng và mạnh tay như Elon Musk vì muốn giữ hình ảnh, nhưng họ cũng chấm dứt chế độ làm việc thoải mái, không phải đến công ty như tỷ phú Tesla.
“Tôi nghĩ rằng những CEO giỏi hiện nay đã quá mệt mỏi với việc phải chiều chuộng người lao động”, CEO Michael Friedman của hãng đầu tư First Level Capital thú nhận.
Tờ NYT nhận định những động thái của Elon Musk đang được ngày càng nhiều các giám đốc ủng hộ khi họ vừa phải chịu đựng gánh nặng lợi nhuận từ cổ đông, lại vừa phải chiều lòng những lời than vãn về môi trường làm việc của người lao động hậu đại dịch.
Nếu trong giai đoạn mới bắt đầu mở cửa, người lao động ở phía có lợi thế đàm phán hơn do tình trạng thiếu nhân lực thì nay gió đã đảo chiều, và Elon Musk chỉ là người công khai sự thay đổi đó bất chấp có ảnh hưởng hình ảnh đi chăng nữa.
Đồng quan điểm, CEO Friedman cho biết khi còn làm môi giới chứng khoán, bản thân ông thậm chí còn không được cấp bàn làm việc tử tế cho đến khi kiếm được 100 tài khoản khách hàng đầu tiên. Vị giám đốc này cũng cười mỉa trào lưu bỏ việc, sống vì bản thân hay làn sóng đại nghỉ việc (Great Resignation) bởi chúng chỉ khiến gia tăng chuyện người lao động đòi tăng lương nhưng lại lười làm.
Theo Friedman, thị trường lao động sẽ không bao giờ thiếu thốn, có chăng chỉ là tình trạng nhất thời và doanh nghiệp trong dài hạn sẽ luôn kiếm được người thay thế. Ngay cả đến CEO cũng có thể thay thế được chứ đừng nói là lao động phổ thông.
Bởi vậy, CEO Friedman cho rằng những yêu cầu của Elon Musk chẳng có gì quá đáng hay to tát cả, nhất là khi công ty đang gặp khó khăn còn ông chủ gánh trên vai khoản lãi vay 1 tỷ USD/năm thì nhân viên không thể đòi hỏi một môi trường làm việc thoải mái được.
Ai cũng có thể thay thế
Khi được hỏi liệu mình có định theo gót Elon Musk không, CEO Friedman cho biết mình không giàu như vị tỷ phú Tesla để có thể làm xáo trộn công ty như thế, nhưng chắc chắn văn hóa làm việc sẽ được siết chặt dần.
Tờ NYT nhận định khối tài sản khổng lồ khiến Elon Musk ở vị thế có thể ép nhân viên Twitter thay đổi một cách mạnh mẽ theo ý ông muốn. Điều này cũng tương tự như khi Elon Musk từng làm với Tesla hay SpaceX. Các đội dự án tại 2 công ty này đã bị Elon Musk gây áp lực tới mức kiệt sức để có được thành công như ngày hôm nay.
“Hãy chuẩn bị tinh thần cho mức độ làm việc khắc nghiệt mà bạn chưa từng được biết đến trước đây”, Elon Musk cảnh báo các nhân viên Twitter.
Dù được ủng hộ nhưng động thái của Elon Musk không phải ai cũng theo được. Hàng loạt nhân viên Twitter đã bỏ việc trong khi những người ở lại cũng đang kiếm cơ hội ra đi. Nhiều thương hiệu quảng cáo thì tạm hoãn hợp đồng trong khi Elon Musk cũng thừa nhận khả năng phá sản nếu thất bại.
Vậy là vị tỷ phú giàu nhất thế giới đã bỏ 44 tỷ USD cho một mạng xã hội chỉ có lợi nhuận 2/10 năm kể từ ngày lên sàn chứng khoán và nhiều khả năng mất trắng. Đây là điều mà chẳng CEO nào dám làm dù họ đồng tình với thái độ làm việc của Elon Musk. Nếu thất bại thì Elon Musk vẫn là tỷ phú, nhưng các giám đốc khác thì sẽ phải đối mặt với hội đồng cổ đông.
Tờ NYT nhận định với vị thế của mình, Elon Musk sẽ dễ dàng lấp đầy các vị trí tại Twitter một lần nữa vì còn rất nhiều người tin tưởng vào tầm nhìn của tỷ phú Tesla với kỳ vọng ông sẽ tạo nên kỳ tích một lần nữa để khôi phục cũng như đem lại lợi nhuận cho mạng xã hội này.
“Ông ấy có thể làm mọi thứ mà mình muốn và bất kỳ ai có ý kiến gì cũng chẳng quan trọng. Nếu nhân viên rời bỏ Twitter thì có vô số người sẵn sàng thay thế họ bởi mức lương tại đây khá tốt và làm việc cho Elon Musk có thể học được nhiều thứ cũng như là điểm sáng trong lý lịch”, giám đốc Derek Grubbs của hãng Crux Informatics thẳng thắn.
Theo số liệu của Wall Street Journal, mức lương bình quân tại Twitter năm 2021 là hơn 230.000 USD/năm, tương đương hơn 19.000 USD/tháng chưa kể thưởng. Hiện chưa rõ Twitter có nâng lương khi siết chặt văn hóa làm việc dưới thời Elon Musk hay không nhưng rõ ràng việc thay đổi chế độ làm việc là thứ không đáng phải kêu ca như những cựu nhân viên than vãn.
Xin được nhắc lại một lần nữa là Twitter đang phải chịu khoản lãi vay 1 tỷ USD/năm trong khi mới chỉ có lãi trong 2/10 năm kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trong quý II/2022, Twitter đã báo lỗ 270 triệu USD còn doanh thu giảm 1% xuống còn 1,18 tỷ USD, thế nhưng lượng người dùng lại tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Để thay đổi được điều đó thì Elon Musk khó lòng nhẹ tay với nhân viên được.
Chương mới của lao động
Giám đốc Grubbs của Crux Informatics cho biết mình ủng hộ quan điểm quản lý nhân viên của Elon Musk, dù bản thân ông không đủ giàu và có vị thế để thay đổi mạnh tay như vậy. Với vai trò quản lý mảng bán hàng, ông Grubbs vẫn cho nhân viên làm việc từ xa nhưng yêu cầu tất cả phải sinh sống, bất kể là mua hay thuê nhà ở Austin-Texas để mọi người có thể thường xuyên họp trực tiếp tại văn phòng.
Đồng quan điểm, CEO Jon Arnold của J. Arnold Wealth Management-bang Ohio cho biết mình đã từ bỏ việc nới lỏng lao động từ tháng 6/2022 và yêu cầu nhân viên phải đến văn phòng báo cáo công việc hàng ngày. Ông Arnold cho biết hiệu suất làm việc của mọi người khi làm việc từ xa là quá kém và buộc họ đến văn phòng để giám sát là điều tất yếu để nâng cao hiệu quả.
Theo CEO Arnold, ông yêu cầu nhân viên phải làm việc 50-55 tiếng mỗi tuần để hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng cũng nâng lương cao hơn bất kỳ hãng nào trong vùng. Bản thân ông cũng làm việc 65-70 tiếng mỗi tuần để làm gương cho mọi người.
“Tôi hiện đang quản lý đúng theo kiểu của Elon Musk. Tôi chẳng quan tâm người khác nói gì, bạn không thích thì có thể nghỉ và tôi sẽ kiếm được người khác dễ thôi”, CEO Arnold nói.
Vị giám đốc 46 tuổi này cũng cho biết mình đã sa thải đội ngũ tiếp tân của công ty vì không chào đón khách hàng đúng tiêu chuẩn.
*Nguồn: WSJ, NYT