Được dân làng góp tiền cho đi học, sau thành tỷ phú xây liền 138 biệt thự, tặng miễn phí cho mỗi nhà: Nhưng giờ không dám về quê sau 1 sự việc

Phương Thùy | 10:43 13/04/2024

Ngôi làng làm nông vốn nghèo khó nay lại mọc lên vô số biệt thự khang trang. Nhiều người trong làng sáng dắt trâu ra đồng cày cấy, chiều về ở trong ngôi nhà sang trọng, đắt tiền. Đây là cuộc sống khó tin của một địa phương ở Trung Quốc, nơi đã nuôi dưỡng ra 1 tỷ phú tài giỏi.

Được dân làng góp tiền cho đi học, sau thành tỷ phú xây liền 138 biệt thự, tặng miễn phí cho mỗi nhà: Nhưng giờ không dám về quê sau 1 sự việc

Nhắc đến cái tên Trần Sinh, nhiều người Trung Quốc ngay lập tức biết đến vị đại gia 44 tuổi - Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, đồng thời cũng là ông chủ chuỗi thịt lợn cao cấp Yihao Tuzhu và là đại gia bất động sản có tiếng này.

Thế nhưng, với người dân thị trấn Trạm Giang, (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), cái tên này quen thuộc và chứa nhiều ý nghĩa hơn cả.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, Trần Sinh vừa phụ giúp cha mẹ, vừa nỗ lực học tập suốt thuở niên thiếu vì biết rằng, học tập là cánh cửa tốt nhất dẫn đến thành công, giúp bản thân tìm được cơ hội đổi đời. Sau bao vất vả, Trần Sinh đã xuất sắc đỗ vào Đại học Bắc Kinh, 1 trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, biến cố gia đình ập đến khi cha của Trần Sinh bất ngờ qua đời, để lại hoàn cảnh rối rắm cho tất cả mọi người. Đối với họ lúc đó, chi phí đào tạo ở thành phố lớn là một gánh nặng không thể vượt qua. Rất có thể, Trần Sinh sẽ phải từ bỏ cơ hội học tập quý giá mà bản thân mãi mới có thể giành được.

Trước tình hình ấy, mọi người trong làng đã đồng lòng hỗ trợ cho gia đình Trần Sinh. Trưởng làng đã đứng ra tổ chức quyên góp tiền học phí, đồng thời giúp đỡ công việc đồng áng của nhà họ Trần. Chính tấm lòng và tình cảm chân thành của người làng đã trở thành nguồn động viên mạnh mẽ cho Trần Sinh, khiến ông phải tự hứa với lòng sẽ không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp của tất cả mọi người.

Sau bốn năm học đại học với thành tích xuất sắc, Trần Sinh lập tức thi đỗ kỳ thi công chức và có một công việc ổn định. Nhưng điều này không khiến ông hài lòng. Với tham vọng đổi đời, cùng với mong muốn trả ơn cho ngôi làng đã nuôi dưỡng mình, ông quyết tâm thử sức trong kinh doanh. Nắm trong tay một khoản vốn tích lũy từ công việc buôn bán nhỏ, Trần Sinh bắt đầu kinh doanh thực phẩm, từ những mặt hàng thông thường cho đến những đặc sản khác biệt.

Tiandi No.1 Beverage với sản phẩm đồ uống giấm là một trong những thành tựu để đời của Trần Sinh. Thương hiệu nhanh chóng nổi tiếng và mở ra một hành trình mới cho Trần Sinh. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục bắt đầu những dự án mới trong kinh doanh, đó là thương hiệu thịt lợn "Yihao Tuzhu".

Ban đầu, Trần Sinh đã "giấu bằng đại học" để đi bán thịt lợn, rồi từng bước xây dựng một doanh nghiệp chế biến thịt lợn, tận dụng kiến thức về chăm sóc và ưu tiên sự chất lượng. Sau đó, ông hợp tác với người bạn cùng trường là Lục Bộ Hiên, cả hai cùng nhau gây dựng "Trường học bán thịt" độc nhất vô nhị tại Trung Quốc, rồi tiếp đó cả hai chung tay tạo ra "Yihao Tuzhu".

Thời điểm đó, Trần Sinh bước đầu đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp. Với kinh nghiệm chăn nuôi và buôn bán lợn bản địa trong nhiều năm qua, ông quay về quê hương để lên kế hoạch xây dựng một trang trại nuôi lợn bản địa trong làng, sau đó sẽ giao lại cho dân làng chăm sóc.

Theo suy nghĩ ban đầu, ông mong rằng điều này sẽ tạo thêm sinh kế cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống. Bản thân ông chính là "đầu ra" của sản phẩm nên có thể hỗ trợ mọi người dù điều gì xảy ra. Tuy nhiên, điều ông không ngờ tới là mọi người bắt đầu tranh giành để được nhiều lợi ích từ trang trại. Một số dân làng chỉ quan tâm đến lợi ích của mình vẫn tiếp tục tranh cãi, thậm chí có người còn đánh nhau khiến cả cộng đồng rất bất bình. Điều này khiến Trần Sinh vô cùng bối rối.

Thời gian qua đi, sự nghiệp của Trần Sinh ngày càng lớn mạnh. Tới năm 2018, Yihao Tuzhu đã có mặt trên 30 tỉnh và thành phố lớn, doanh thu trong năm 2018 đã đạt tới 1,8 tỷ NDT. Những thành công này nhanh chóng đưa Trần Sinh lên hàng ngũ tỷ phú.

Vẫn khắc khoải ân tình năm xưa, ông quyết tâm phải trả ơn một lần nữa cho dân làng.

Lần này, Trần Sinh quyết định trở về quê hương và xây dựng những ngôi nhà, biệt thự khang trang cho thôn dân. Dù hy vọng ban đầu là tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt hơn, ông lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn lớn khi xuất hiện sự không hài lòng và tranh chấp trong cộng đồng.

Thực tế, khi đó, dựa vào việc điều tra dân số, Trần Sinh đã xây 138 căn nhà cho đúng 138 hộ gia đình. Mỗi ngôi nhà 3 tầng rộng 280m2, có năm phòng ngủ, hai phòng khách, một gara và một khu vườn nhỏ. Từng căn biệt thự đều có sân để chơi thể thao và thậm chí còn có cả sân khấu cho các sự kiện khác nhau. Việc xây dựng đã được hoàn thành vào năm 2016.

Tuy nhiên, khi thông tin này lan ra, ngày càng nhiều người vốn đã rời quê hương nay lại trở về để đòi nhà. Một số người dân còn so bì chất lượng, vị trí của nhà này với nhà khác, phàn nàn tại sao họ không được ở nhà to hơn, nằm ở đầu khu cho thuận tiện đi lại… Thậm chí, có gia đình lại muốn sở hữu hai căn biệt thự để gọi cả con cháu, họ hàng ở nơi khác tới ở.

Những bất đồng mà mọi người không thể thống nhất đã khiến Trần Sinh phải tránh trở về quê hương mình trong hai năm vì cảm thấy chán nản về những chuyện đã xảy ra: "Nếu tôi quay về, mọi người sẽ đưa ra thêm đủ loại yêu cầu. Tôi không muốn trở lại cho lắm," ông nói với Southern Metropolis Daily.

Trong thời gian bị bỏ không, các căn biệt thự phải chịu nhiều sự phá hoại như cửa sổ bị đập vỡ, đồ nội thất bị mất trộm, hư hao, nhiều thứ hỏng hóc. Cuối cùng, nhà cửa phải sửa sang nhiều lần trong khi chờ mọi người dọn vào.

Tuy sau buổi thảo luận lại về sự phân chia nhà ở, các hộ gia đình có thể thống nhất lại việc ai ở nhà nào nhưng cách cư xử của một bộ phận dân làng đã khiến mong muốn báo đáp của Trần Sinh trở thành một câu chuyện không mấy vui vẻ.

Dù vậy, ngoài xây nhà cho mọi người ở, Trần Sinh còn xây thêm các dãy biệt thự nhỏ ở quê hương để giúp phát triển du lịch. Ông cũng xây lại trường học và trợ cấp lương cho giáo viên. Ông cũng tiếp tục phát triển sản xuất gần khu biệt thự để tạo ra hơn 100 việc làm cho mọi người, theo SCMP đưa tin.

Nguồn: Sohu, 163, Zhihu...


(0) Bình luận
Được dân làng góp tiền cho đi học, sau thành tỷ phú xây liền 138 biệt thự, tặng miễn phí cho mỗi nhà: Nhưng giờ không dám về quê sau 1 sự việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO