Theo các chuyên gia tài chính, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp, hoạt động đánh giá xếp hạng tín nhiệm cần được thúc đẩy triển khai hơn nữa.
Quá nhiều trái phiếu “3 không”
Phát biểu tại tọa đàm Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, hiện nay nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỉ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, vốn nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài.
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhưng sự phát triển này cần được "nắn" theo hướng lành mạnh, tránh những vụ như Tân Hoàng Minh vừa qua.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp gắn với khái niệm "3 không": không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán và không tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn, có thể còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn so với việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, tỷ lệ trái phiếu "3 không" chiếm tới hơn 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành và chủ yếu rơi vào trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết, không cần chứng minh tình hình tài chính, không cần tài sản bảo đảm. Chưa kể, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu và sử dụng vốn ồ ạt.
Trước tình trạng này, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp để có khung pháp lý chuẩn hơn khắc phục những rủi ro, nguy cơ hiện nay cho thị trường phát triển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách là cấp thiết để lành mạnh hoá thị trường. Song, cần nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu để bắt đúng “bệnh”, chứ không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội.
“Thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính”, ông Lực nói.
Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp – “khắc tinh” của trái phiếu 3 không
Hiện nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa đầy đủ, nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin kiểm chứng về nội tại doanh nghiệp.
TS. Lê Đạt Chí - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm được rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Chuyên gia này cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc, còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí cũng cần cân nhắc khi sửa đổi quy định. Bên cạnh đó, quy định Nghị định 153 hiện nay chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Vì vậy, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.
Còn theo ông Lực, cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Còn ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.
Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.
"Tuy nhiên, nếu đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay thì phải làm sao?”, ông Lực đặt vấn đề.
Ông Phùng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Rating) cho biết, hiện nay thị tường trái phiếu doanh nghiệp cần sẵn sàng 3 yêu cầu quan trọng gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hoá xếp hạng tín nhiệm…
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital, gần đây có khoảng 2-3 công ty được cơ quan quản lý cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm.
“Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí, bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này", ông Lê Anh Tuấn góp ý.