Du học sinh Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á, cựu sếp Grab, RedDoorz đầu quân cho "kỳ lân" edtech Ấn Độ

Tri Túc | 11:34 22/03/2024

upGrad đã có chiến lược tăng gấp đôi số vốn đầu tư ngoài Ấn Độ trong thời gian tới (được biết con số đầu tư hiện tại vào mức 20 triệu USD). Trong đó, Việt Nam sẽ là thị trường chủ lực.

Du học sinh Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á, cựu sếp Grab, RedDoorz đầu quân cho "kỳ lân" edtech Ấn Độ

Báo cáo Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024 mới nhất của Acumen, dẫn thống kê của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021-2022, nhiều nhất Đông Nam Á. Theo sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56.000 du học sinh, còn Thái Lan chỉ 32.000 người.

Song, không phải ai cũng có điều kiện đi du học với chi phí đắt đỏ, bao gồm chi phí học và sinh hoạt phí tại nước sở tại. Chưa kể, còn rất nhiều người Việt Nam đang có công việc, có gia đình cũng muốn học lên cao, được cấp bằng Thạc sĩ - Tiến sĩ quốc tế nhằm phục vụ việc thăng chức hoặc chuyển đổi ngành nghề…

Theo đại diện của upGrad - nền tảng giáo dục đến từ Ấn Độ, nhìn thấy nhu cầu của thị trường, năm 2022, đơn vị này phát triển pháp nhân upGrad International (không bao gồm Ấn Độ) để gia nhập các thị trường khác, bao gồm Việt Nam.

“Thị trường Việt Nam là thị trường lớn song, thách thức chính là sản phẩm nào sẽ phù hợp với đối tượng này? upGrad nhận thấy có rất nhiều người vừa muốn học vừa đi làm. Do đó, upGrad đẩy mạnh phát triển học online, giá so với đi học đúng văn bằng đó ở nước ngoài thì tiết kiệm 70%”, bà Myleeta Aga Williams - CEO International của upGrad – cho biết.

Theo giới thiệu, bà Myleeta đã biến upGrad thành một "kỳ lân" trong ngành giáo dục. Vào tháng 8/2021, công ty nhận được khoản đầu tư lớn, 185 triệu USD, đưa giá trị của nó lên 1,2 tỷ USD, trở thành "kỳ lân" thứ 21 của Ấn Độ.

Đến nay, upGrad đã phát triển mạnh mẽ với hơn 3 triệu học viên và hơn 300 trường đại học đối tác trên toàn thế giới. Số liệu từ upGrad cũng cho thấy, upGrad Holdings (quản lý upGrad Ấn Độ và upGrad International) đang được định giá hơn 3 tỷ USD, tổng vốn kêu gọi lên đến 400 triệu USD.

Đáng chú ý, ông Vũ Lê – cựu Giám đốc Quản lý đối tác chiến lược tại Grab, cựu Country CEO RedDoorz Việt Nam – cũng gia nhập vị trí Country Head tại upGrad Việt Nam được 7 tháng. Cơ duyên đến với upGrad theo ông Vũ Lê thì có thể xem là một chuỗi tiếp nối sau 7 năm làm công nghệ. Và có 3 yếu tố khiến ông chọn đầu quân cho upGrad: (1) Sản phẩm cốt lõi phải dựa trên nền tảng công nghệ, (2) Sản phẩm phải hướng đến số đông chứ không chuyên biệt cho ngách nào, và (3) người lãnh đạo là ai.

Tại Việt Nam, theo xu hướng phát triển của thị trường thì có 4 ngành đang rất “hot” và được học nhiều trên upGrad là:

(i) Quản trị kinh doanh: Đặc biệt là ngành Tiến sĩ kinh doanh được chọn nhiều để thăng tiến;

(ii) Công nghệ và dữ liệu: Có ngành Master Data Science được học nhiều với chi phí đâu đó chỉ 180 triệu đồng;

(iii) Quản lý khách sạn;

(iv) Design, digital marketing.

upGrad Ấn Độ đã tiến hành và vừa hoàn tất mua 2 công ty tuyển dụng, còn thị trường Việt Nam theo ông Vũ Lê, đang nghiên cứu, chọn thời gian phù hợp. Nhìn chung, kế hoạch để upGrad hoàn thành hệ sinh thái từ học hành đến kết nối làm việc dự kiến hoàn thành vào năm 2026.

Để thực hiện mục tiêu đó, upGrad đã có chiến lược tăng gấp đôi số vốn đầu tư ngoài Ấn Độ trong thời gian tới (được biết con số đầu tư hiện tại vào mức 20 triệu USD). Trong đó, Việt Nam sẽ là thị trường chủ lực. Công ty sẽ tăng nhân sự và cải thiện chất lượng tư vấn tuyển sinh (hiện đang có 30 người), mở rộng thêm nhiều chương trình học cho học viên cũng như tăng nghiên cứu thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Du học sinh Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á, cựu sếp Grab, RedDoorz đầu quân cho "kỳ lân" edtech Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO