Dragon Capital đẩy mạnh "gom" cổ phiếu sau giai đoạn lướt sóng hạ tỷ trọng

Dương Ngọc | 14:24 17/11/2022

Sau khi tỷ trọng tiền mặt của VEIL lên cao kỷ lục vào ngày 3/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bắt đầu “gom hàng” và giải ngân cổ phiếu.

Dragon Capital đẩy mạnh "gom" cổ phiếu sau giai đoạn lướt sóng hạ tỷ trọng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ. Những phiên tăng điểm vừa qua phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư như được trút bỏ gánh nặng, song vẫn chưa thấm vào đâu so với đà giảm gần 37% kể từ đầu năm của chỉ số chính.

Ngược dòng bối cảnh chung, dòng vốn ngoại lại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường trong nửa đầu tháng 11. Trong đó, có đóng góp không nhỏ từ động thái giải ngân trở lại của nhóm quỹ liên quan Dragon Capital.

Sau khi tỷ trọng tiền mặt của quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý (VEIL) lên cao kỷ lục vào ngày 3/11, nhóm quỹ ngoại này đã bắt đầu “gom hàng” và giải ngân cổ phiếu.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), chỉ trong hơn 1 tuần kể từ 3/11 đến 11/11, Dragon Capital đã mua vào với khối lượng tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu.

dragon-.png
Thống kê giao dịch mua cổ phiếu của nhóm quỹ liên quan Dragon Capital kể từ sau 3/11

Cụ thể, ngày 9/11, nhóm quỹ ngoại đã mua vào 300.000 cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Sau giao dịch, tổng lượng sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital tại FRT đã tăng lên 6,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,23%) và trở thành cổ đông lớn của công ty. Cũng trong ngày 9/11, nhóm này mua thêm 600.000 cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,04%.

Nổi bật nhất là giao dịch Dragon Capital mua vào 19 triệu cổ phiếu KDH để trở lại làm cổ đông lớn thực hiện trong phiên 11/11. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) mua 9,75 triệu đơn vị và Amersham Industries Limited mua 9,25 triệu đơn vị. Động thái mua gom của loạt quỹ ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KDH giao dịch quanh vùng đáy 2 năm quanh mức 21.000 đồng/cp. Trước đó, kể từ giữa tháng 9 đến 25/10, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng hơn 7 triệu cổ phiếu KDH và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,99%.

Đồng thời, cũng trong phiên giao dịch 11/11, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng gần 2,6 triệu cổ phiếu của DGC và bộ đôi ông lớn ngành phân bón là DCM và DPM để gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Theo báo cáo tại ngày 3/11, tỷ trọng tiền mặt của quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý là VEIL được nâng lên 11,66%, cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, Dragon Capital liên tục lướt sóng cổ phiếu có động thái cơ cấu lại các khoản đầu tư. 

Bên cạnh trạng thái đẩy mạnh gom hàng, nhóm Dragon Capital cũng bán ra 6,7 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn Thương Tín (mã STB) trong phiên 7/10/2022. Cùng ngày, nhóm này bán mạnh 5,4 triệu cổ phiếu GEX. Hơn nữa, quỹ ngoại đã bán ra 1 triệu cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group trong ngày 11/10.

Mặt khác, chỉ trong vòng nửa cuối tháng 10, Dragon Capital đã mua ròng tổng cộng 7,7 triệu cổ phiếu PVD. Sau giao dịch tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 7,79% lên 8,09%. Đến ngày 9/11, nhóm quỹ này đã tiếp tục gom PVD để nâng tỷ lệ sở hữu lên như hiện tại.

Động thái cơ cấu lại danh mục của nhóm quỹ ngoại diễn ra theo như chia sẻ gần đây với nhà đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam từ đầu năm 2022 đến hiện tại đã diễn biến không mấy thuận lợi với rất nhiều sự kiện khó lường. "Là những người điều hành quỹ, chúng tôi đang tập trung cải thiện hiệu quả đầu tư, linh hoạt hơn trong trong chiến lược tái cấu trúc danh mục cho thật phù hợp với tình hình thị trường và tìm ra những cơ hội sinh lời tốt nhất", Dragon Capital nêu rõ.

Thống kê 10 tháng đầu năm cho thấy các quỹ thành viên có quy mô tương đối do Dragon Capital quản lý đều đang thua lỗ. VEIL đã lỗ trên 38% - sâu hơn so với mức giảm của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Diamond ETF tích cực nhất trong nhóm các quỹ thụ động cũng đã lỗ gần 21% kể từ đầu năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dragon Capital đẩy mạnh "gom" cổ phiếu sau giai đoạn lướt sóng hạ tỷ trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO