Đồng yên chạm ngưỡng 161,745 yên đổi 1 USD, mức chưa từng thấy kể từ tháng 12/1986. Đồng yên yếu đã nâng chỉ số Nikkei lần đầu tiên vượt mốc 40.000 điểm sau 3 tháng. Chỉ số này trở thành ngoại lệ khi nhiều thị trường chứng khoán khu vực khác đang khó khăn.
Cặp tiền tệ này rất nhạy cảm với lợi suất của Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 14 điểm cơ bản lên 4,479% vào đầu tuần. Các nhà phân tích cho rằng động thái này xuất hiện là do dự đoán ông Trump sẽ đắc cử tổng thống, từ đó dẫn đến mức thuế cao hơn và việc chính phủ vay nợ.
Nhà nghiên cứu Chris Weston của công ty tư vấn Pepperstone cho rằng màn tranh luận gây thất vọng của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước là nguyên nhân đằng sau khiến lợi suất tăng. Một chất xúc tác bổ sung vào đó là Tòa án tối cao Mỹ phán quyết cho phép ông Trump hưởng quyền miễn trừ truy tố với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định của tổng thống Mỹ.
Weston cho biết: “Các nhà giao dịch trái phiếu đang để mắt đến khả năng ngày càng cao rằng ông Trump vào Nhà Trắng. Thị trường cảm thấy Trump 2.0 sẽ gây ra lạm phát”.
Tình trạng bất ổn của đồng yên khiến các nhà giao dịch cảnh giác cao độ về hành động can thiệp của Nhật Bản. Trước đó, Nhật Bản đã chi khoảng 9.800 tỷ yên (60,65 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Khi đó, đồng yên giảm còn 160,82 yên đổi 1 USD.
Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhắc lại rằng các quan chức đang thận trọng theo dõi thị trường tiền tệ. Nhưng điều đáng chú ý là ông không lặp lại cảnh báo rằng họ sẵn sàng hành động.
Chiến lược gia Carol Kong tại Commonwealth Bank of Australia cho biết những người tham gia thị trường tiếp tục phớt lờ những bình luận của ông ấy và dường như đang thử thách quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ đồng yên.
Theo Nikkei Asia