Trong xu hướng phát triển của lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn là xương sống, đóng vai trò quan trọng. Nhu cầu ứng dụng công nghệ ngày càng cao thúc đẩy sự phát triển của thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam và các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đang được xúc tiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn cầu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 khoảng 556 tỷ USD. Từ đầu năm 2023, Mỹ và các nước châu Âu duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong khi sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc không đạt kỳ vọng, đã khiến nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn sụt giảm.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của KBSV cho rằng tín hiệu hồi phục của ngành bán dẫn khi doanh thu bán dẫn và khuôn chip (foundry) đang cải thiện từ mức đáy cuối quý 1/2023. Nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu sẽ khả quan hơn trong nửa sau của năm 2023 và hồi phục trong năm 2024. Theo dự báo của World Semiconductor Trade Statistics và Gartner, tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 đạt lần lượt 11,8% và 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Photpho vàng và Acid Phosphoric là các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn.Do đó, KBSV dự báo giá photpho vàng và Acid Phosphoric cũng sẽ diễn biến tích cực hơn từ nửa sau của năm 2023 cùng với sự tăng trưởng của ngành bán công nghiệp bán dẫn.
Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu photpho vàng lớn nhất Châu Á, Hóa chất Đức Giang (DGC) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng trên. Ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang mới đây đã cho biết, đến cuối năm 2024, nhu cầu photpho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, acid Phosphoric trích ly (WPA) 50% còn là nguồn nguyên liệu cơ bản để sản xuất được phân bón cao cấp DAP, Map, Supe Lân Giàu… KBSV cho rằng triển vọng giá và nhu cầu tiêu thụ WPA sẽ diễn biến tích cực trong 6 tháng cuối năm 2023 do Ấn Độ bắt buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu WPA để tự sản xuất khi nguồn cung DAP thắt chặt do Trung Quốc sẽ bước vào cao điểm tiêu thụ DAP (10/2023), trong khi quota xuất khẩu DAP cho quý 3/2023 đã cạn kiệt.
Liên tiếp đón tin vui, cổ phiếu lên đỉnh một năm
Không nằm ngoài xu thế toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng đang có những bước tiến quan trọng thời gian qua. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen trong chuyến thăm vào tháng 7, cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Dragon Capital cho rằng đây là dấu mốc lịch sử thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam, đồng thời có thể thúc đẩy sự phát triển trong vài năm tới. “Nhờ đó, các doanh nghiệp như FPT và DGC là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn mà chuyến thăm này có thể mang lại” – Dragon Capital nhấn mạnh.
Kỳ vọng nhu cầu photpho vàng tăng cao cùng sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cổ phiếu DGC của bứt phá thời gian qua. Sau chưa đầy 4 tháng, cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi qua đó trở lại vùng giá cao nhất trong vòng một năm. Vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang cũng theo đó tăng thêm khoảng 17.000 tỷ từ cuối tháng 5, lên trên 36.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới đây của Vietcap, Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ đưa nhà máy photpho vàng mới vào hoạt động vào quý 4/2023, nhà máy sẽ mở rộng công suất thêm 16% để đáp ứng với lượng đơn đặt hàng tăng mạnh vượt công suất hiện tại.
Vietcap dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS của Hóa chất Đức Giang có thể đạt 950 tỷ đồng trong quý 3/2023, 1.100 tỷ đồng trong quý 4/2023 và trung bình hàng quý đạt 1.300 tỷ đồng trong năm 2024. CTCK này dự báo giá bán trung bình năm 2024 sẽ thấp hơn 25% nhưng được bù đắp một phần nhờ sản lượng bán cao hơn 19% và tiết kiệm thêm ~800 tỷ đồng chi phí quặng apatit.