Ngày 28/6, trong khuôn khổ Hội thảo Hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình – Đức do UBND tỉnh Thái Bình chủ trì phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, CTCP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và công ty Roding Mobility (Roding) đến từ Đức đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam.
Theo nội dung thỏa thuận, Roding sẽ tư vấn kỹ thuật, giám sát triển khai toàn bộ quá trình phát triển sản phẩm ở các khâu như thiết kế; tiêu chuẩn; thẩm định cung ứng; kỹ thuật sản xuất. Thái Hưng sẽ đầu tư sản xuất tại nhà máy ở Thái Bình và cung ứng cho thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.
Theo kế hoạch, nhà máy Thái Hưng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý IV năm 2023 và ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2024. Ở giai đoạn đầu, Thái Hưng tập trung phát triển xe điện nội đô (chỉ chạy trong đô thị) với sản lượng dự kiến trong 3 năm đầu là 5.000 xe. Giai đoạn kế tiếp, Thái Hưng sẽ sản xuất các mẫu xe điện phân khúc A.
Như vậy, Thái Hưng sẽ là hãng thứ ba lắp ráp ôtô điện tại Việt Nam, sau VinFast và Wuling. Thái Hưng là đơn vị có kinh nghiệm lắp ráp xe điện chạy trong sân golf thương hiệu Wuling.
Cuối năm 2021, công ty cũng mang chiếc Wuling Hongguang Mini EV đầu tiên về Việt Nam nhằm mục đích nghiên cứu sản phẩm. Tuy nhiên sau đó quyền sản xuất và phân phối thuộc về TMT Motor.
Tại sự kiện lần này, Thái Hưng cũng chính thức công bố chiến lược và mục tiêu trở thành hãng sản xuất xe khởi nghiệp của Việt Nam. Chiến lược của công ty là tập trung vào kinh doanh xe điện cỡ nhỏ (phân khúc A, dòng Kei car Nhật Bản) với các bước triển khai hoàn chỉnh từ phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất, mạng lưới bán hàng đến ứng dụng mở rộng.
CTCP Thái Bình Hưng Thịnh được thành lập năm 2005, tiền thân là công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Hàn. Năm 2020, Thái Hưng tái cơ cấu ngành nghề và trở thành một công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô điện thông qua Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Vốn điều lệ của Thái Bình Hưng Thịnh được tăng từ 50 lên 100 tỷ đồng vào tháng 9/2019 và chưa thay đổi từ đó đến nay.
Hiện nay, theo giới thiệu, Thái Hưng có các cơ sở:
GiónG GmbH: trụ sở tại Hannover (CHLB. Đức) làm đại diện hợp tác với các đối tác kỹ thuật trên thế giới để nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Dưới sự giám sát của các kỹ sư giàu kinh nghiệm người Đức, GiónG đang theo đuổi mục tiêu chính là phát triển một mẫu xe nội thị (city car) và tiếp sau đó là cặp xe ô tô điện phân khúc A dành cho nam và nữ. Ngoài ra, phòng thiết kế của GiónG cũng đã thiết kế thành công bộ các loại xe điện chuyên dụng trolley cart không giam gia giao thông.
Nhà máy cơ điện Thái Hưng: tại thị trấn An Bài – huyện Quỳnh Phụ – tỉnh Thái Bình có chức năng sản xuất lắp ráp xe điện chuyên dụng tham gia giao thông hạn chế và xe ô tô điện cỡ nhỏ với công suất tối đa 15.000 xe các loại / năm.
Công ty TNHH Thái Hưng: làm đầu mối triển khai mạng lưới phân phối và dịch vụ sau bán hàng.
Phía Thái Hưng cho biết công ty chú trọng đầu tư cho thiết kế phát triển sản phẩm và giải pháp kinh doanh, chiến lược này đáp ứng đúng với tập quán thị trường Việt Nam hiện nay và hoàn toàn phù hợp theo xu hướng phát triển mới trên thế giới là nhỏ – đơn giản – thân thiện.
Phía đối tác, công ty Roding Mobility được thành lập năm 2008, là công ty cơ khí chế tạo có trụ sở tại Đức, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản phẩm mới trong lĩnh vực phương tiện giao thông, đặc biệt là các nền tảng khung gầm cho các dòng ô tô điện và các mẫu xe của tương lai.