DN năng lượng mặt trời hàng đầu Đức muốn đầu tư vào Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long mới đây đã có buổi làm việc với Công ty Blueberry Energy. Buổi làm việc nhằm trao đổi về cơ hội hợp tác và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Blueberry Energy là một công ty phát triển dự án năng lượng mặt trời hàng đầu đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Blueberry Energy tập trung vào việc mua lại, phát triển và tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô tiện ích ở Đức và các nước châu Âu khác. Hiện tại, Blueberry Energy đang triển khai các dự án với tổng công suất hơn 400 MW năng lượng mặt trời và 250 MW hệ thống lưu trữ điện tại châu Âu.
Tại buổi làm việc, ông Christian Schaefer, Giám đốc điều hành Công ty Blueberry Energy, đã trình bày về năng lực và kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời mong muốn được hợp tác phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Ông Christian Schaefer nhấn mạnh mong muốn đầu tư vào dự án "German Friendship Solar Project" – dự án năng lượng mặt trời kiểu mẫu kết hợp công nghệ tiên tiến của Đức, tích hợp hệ thống lưu trữ điện (BESS) và các yếu tố đổi mới như sản xuất nông nghiệp dưới các tấm pin mặt trời. Mô hình này được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia, với ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ. Nghị định 135/2024/NĐ-CP và các chính sách hỗ trợ khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ trưởng khuyến nghị Blueberry Energy sớm làm việc với các địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là hai khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quỹ đất dồi dào và sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư để triển khai các dự án quy mô lớn.
Phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo
Bảo đảm an ninh quốc gia năng lượng điện là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có mức tăng trưởng 7,09% và với tốc độ tăng trưởng này, điện phải đáp ứng mức khoảng 11 - 12%, những tháng cao điểm tốc độ tăng trưởng phải đạt 13 - 15%, đặc biệt có những địa phương công nghiệp trọng điểm tăng 17 - 18%.
Năm 2025, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xác định mục tiêu phấn đấu phải đạt tăng trưởng GDP ít nhất là 8% và phấn đấu ở mức 2 con số. Theo đó, hệ số tăng về điện phải đáp ứng khoảng 1,5 lần, kịch bản cơ sở tương đương 12 - 13%, kịch bản cao phải đáp ứng được 13 - 14%, và kịch bản cực đoan phải đáp ứng 15 - 16%.
Với tốc độ tăng trưởng này, mỗi năm Việt Nam phải bổ sung về nguồn, đáp ứng cho nhu cầu đất nước từ 10-12% sản lượng, tương đương 10.000 - 12.000MW/năm. Chính vì vậy, việc triển khai các dự án về nguồn cũng như các dự án truyền tải để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng điện là một vấn đề cấp thiết đối với nền kinh tế trong nước.
Trong số đó, bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống, nguồn năng lượng tái tạo cũng đang được đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Theo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đưa ra phương án tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.
Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia). Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.
Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW), phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới.
Công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050.
Trong khi đó, đối với điện mặt trời, theo thống kê, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh. Trong đó:
Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện 490.529 - 573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), trong đó, điện gió trên bờ 60.050 - 77.050 MW (12,2 - 13,4%); điện gió ngoài khơi 70.000 - 91.500 MW (14,3 - 16%), điện mặt trời 168.594 - 189.294 MW (33,0 - 34,4%).