Báo cáo được xây dựng, phân tích trên cơ sở tổng hợp đánh giá số liệu của 26.013 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có BCTC (chiếm 91,8% trong 28.329 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối) trong phạm vi cả nước.
Trong tác động chung của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, tình hình tài chính của khối doanh nghiệp FDI vẫn có sự tăng trưởng. Tính đến 31/12/2021:
- Tổng tài sản là 8.857.187 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2020.
- Vốn chủ sở hữu là 3.640.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2020.
- Vốn đầu tư của chủ sở hữu là 2.549.558 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2020.
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 944.468 tỷ đồng, tăng 8.8% so với năm 2020.
Về tổng quan, kết quả hoạt động kinh doanh của khối FDI năm 2021 có sự tăng trưởng:
- Doanh thu đạt 8.567.847 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2020
- Lợi nhuận sau thuế TNDN là 83.585 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2020
- Nộp NSNN tăng từ 164.339 tỷ đồng lên 179.630 tỷ đồng.
Khi đi sâu phân tích về khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, đáng chú ý là mức sinh lời vượt trội của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc.
Trong khi tỷ lệ sinh lời của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia ở Châu Á nhìn chung thấp hơn Châu Âu thì Hàn Quốc lại là trường hợp ngoại lệ. Các doanh nghiệp đến từ xứ sở kim chi có tỷ lệ ROA, ROE và ROS lần lượt đạt 66%, 138%, 47%, đều là những mức rất cao, cả khi so sánh với bình quân của toàn khối hay so sánh với các doanh nghiệp đến từ Châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức,...
ROS, ROE và ROA lần lượt là hệ số sinh lời trên Doanh thu, trên Vốn chủ sở hữu và trên Tổng Tài sản; được tính bằng cách lấy Lợi nhuận sau thuế chia lần lượt cho Doanh thu, Vốn chủ sở hữu và Tổng tài sản (bình quân).
Con số ROE 138% cho thấy khả năng sinh lời vượt trội trên một đồng vốn chủ sở hữu, thu lại được 1,38 đồng lợi nhuận sau một năm.
Báo cáo cũng cho biết, lĩnh vực thu hút FDI đối với Hàn Quốc tại Việt Nam nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư là 307.232 tỷ đồng (chiếm 71% tổng vốn đầu tư các lĩnh vực), lợi nhuận sau thuế lĩnh vực này là 1.154.317 tỷ đồng (chiếm 98% tổng lợi nhuận sau thuế các lĩnh vực).
Dẫn đầu khu vực Châu Âu về vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư là Hà Lan. Tương tự như Hàn Quốc, Hà Lan cũng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư là 19.428 tỷ đồng (chiếm 72% tổng vốn đầu tư các lĩnh vực), lợi nhuận sau thuế lĩnh vực này là 20.637 tỷ đồng (chiếm 96% tổng lợi nhuận sau thuế các lĩnh vực).
Được biết, tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021 (tính đến tháng 11/2021). Tính riêng trong 11 tháng năm 2022, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ đứng thứ hai tại Việt Nam với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ.